Bệnh loãng xương

02/07/2014 09:40 GMT+7

Loãng xương là một rối loạn chuyển hoá của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương, đưa đến tăng nguy cơ gãy xương cho con người.

Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương. Bệnh loãng xương dễ chẩn đoán, nhưng điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa không cho gãy xương do loãng xương gây ra.

Biểu hiện lâm sàng:

Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ…

Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mãn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi...).

Đầy bụng ,chậm tiêu, nặng ngực khó thở.

Gù lưng, giảm chiều cao.

Chẩn đoán loãng xương:

Đo mật độ xương BMD bằng máy đo hấp phụ năng lượng tia X kép (DXA) ở 2 vị trí cột sống thắt lưng và cổ xương đùi (đo vị trí trung tâm) được xem là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán bệnh loãng xương hiện nay.

Điều trị:

Chế độ ăn uống: bổ sung nguồn thức ăn giàu canxi (theo nhu cầu của cơ thể: từ 1.000 - 1.500 mg hằng ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, cà phê, rượu, tránh thừa cân hoặc thiếu cân…

Chế độ sinh hoạt: tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…

Các thuốc bổ sung nếu chế độ ăn không đủ:

- Canxi: cần bổ sung canxi nguyên tố 1000 - 1.500 mg hằng ngày.

- Vitamin D: 800 - 1.000 UI hằng ngày.

Các thuốc chống huỷ xương thường được sử dụng hiện nay:

- Alendronate (Fosamax) 70 mg uống mỗi tuần.

- Zoledronic acid (Aclasta) 5 mg truyền tĩnh mạch mỗi năm.

Thời gian điều trị:

Một đợt điều trị loãng xương phải kéo dài tối thiểu 3 năm để có thể giảm được nguy cơ gãy xương. Khối lượng xương sẽ được kiểm tra lại sau 1 - 2 năm để đánh giá hiệu quả điều trị, để kiểm tra, động viên và nhắc nhở sự tuân thủ của người bệnh.

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho các chỉ định điều trị tùy thuộc vào từng cá thể, mức độ loãng xương, tình trạng sức khoẻ, thói quen sinh hoạt, khả năng kinh tế… của mỗi người bệnh.

Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tấn
Chuyên khoa Nội cơ Xương khớp,Y - Nha khoa Vạn Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.