Hồi sinh 'cao sơn ngọc quế': Tránh vết xe đổ

08/04/2015 09:52 GMT+7

Cùng với giá mua tăng dần, quế gốc Trà My cũng đang phục hồi giá trị và được xúc tiến quy hoạch tại nhiều địa bàn ở Quảng Nam, dù vậy “vết xe đổ” về chuyện quế trồng ồ ạt, không kiểm soát chất lượng vẫn còn ám ảnh…

Cùng với giá mua tăng dần, quế gốc Trà My cũng đang phục hồi giá trị và được xúc tiến quy hoạch tại nhiều địa bàn ở Quảng Nam, dù vậy “vết xe đổ” về chuyện quế trồng ồ ạt, không kiểm soát chất lượng vẫn còn ám ảnh…

Hồi sinh 'cao sơn ngọc quế': Tránh vết xe đổThu hoạch, chế biến sản phẩm quế kẹp - Ảnh: C.T.V
Chuyện tư thương sẵn sàng trả giá cao để mua quế Trà My những ngày gần đây hoàn toàn trái ngược với tình cảnh của gần 10 năm trước, khi hàng loạt vườn quế bị bán tháo để lấy đất trồng tiêu, keo lá tràm ở các vùng quế thuộc các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước. Một hộ dân ở xã Tiên Lộc (H.Tiên Phước) nhớ lại, khi đó quế rẻ đến mức mỗi cây chỉ được trả vài chục ngàn đồng. Hộ ông Lê Công Tuyến (thôn 1, xã Tiên Lộc) là một trường hợp phải phá vườn quế vài trăm cây để trồng tiêu. Xung quanh xóm, các vườn quế chỉ còn lác đác, thậm chí “muốn kiếm ít lá quế để xông cũng không có”. Dù sao, những hộ chuyển sang trồng tiêu cũng có chút an ủi vì giá tiêu khá ổn định, cứ dao động 300.000 – 500.000 đồng/kg tiêu loại 1, chứ không bấp bênh như quế. Suốt nhiều năm, đa số hộ dân ở Tiên Phước chỉ cải tạo vườn để trồng mới tiêu, thanh trà, lòn bon, măng cụt...; thậm chí mùa bão lũ năm 2012, nhiều vườn tiêu bị phá hỏng nhưng người dân đã nhanh chóng trồng lại. “Giờ nghe nói quế tăng giá, chúng tôi cũng không quá nuối tiếc”, một người dân ở thôn 1, xã Tiên Lộc nói.
Cần đa dạng sản phẩm
Cùng với sâm Ngọc Linh, nhãn hiệu quế Trà My đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Tập đoàn Dr.Thanh sử dụng trên cơ sở bảo hộ của pháp luật để nghiên cứu phát triển thương hiệu, tạo các dòng thực phẩm chức năng từ 2 loại dược liệu quý này. Trong khi đó, từ nhiều năm nay các doanh nghiệp ở Quảng Nam cũng đã làm tốt khâu thu mua, xuất khẩu sản phẩm quế kẹp và chế biến tinh dầu quế, sản xuất các hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ từ gỗ quế (dép, nịt lưng, nịt gối..). Tuy nhiên, yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm tiếp tục đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng và hấp dẫn, như các bộ khay ấm, chén đĩa, đế lót giày…, thậm chí nghiên cứu thử nghiệm chế biến thức ăn gia súc để làm tăng chất lượng thịt.
Phục hồi ở 4 huyện
Người dân có lý do để lạnh nhạt với quế Trà My. Những năm 1980-1985, lợi nhuận thu từ cây quế bản địa rất cao, đơn vị tính bằng vàng cho 1 cây quế lớn. Nhưng rồi mọi chuyện xấu dần đi khi xuất hiện các giống quế du nhập từ phía Bắc khiến chất lượng giảm sút, thương hiệu quế gốc bị ảnh hưởng. Trong “cơn bão” đó, cây quế không xác lập được giá trị kinh tế, người dân chuyển sang trồng keo lá tràm, cao su… khiến những ai đau đáu với quế bản địa hết sức lo ngại về hiệu quả bảo tồn nguồn gen gốc.
Theo đề nghị của Hội quế Trà My và một số địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị phục hồi quế Trà My tại 4 huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn. Sau khi UBND tỉnh thống nhất chủ trương, sở tiếp tục giao Chi cục Lâm nghiệp xây dựng đề cương và dự toán kinh phí, với hy vọng sớm được phê duyệt trong năm 2015. Kết quả khảo sát của Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho thấy diện tích vùng quế thuộc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) gồm khoảng 1.311ha, tập trung chủ yếu tại 12 xã, thị trấn của H.Bắc Trà My và 10 xã của H.Nam Trà My. Ngoài ra, quế Trà My còn phân bố ở Phước Sơn, Tiên Phước với số lượng không nhiều. Mặc dầu vậy, theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, việc khảo sát để lập quy hoạch tại 4 huyện miền núi không đơn giản. Trước hết phải đánh giá hiện trạng, điều tra thổ nhưỡng và các điều kiện kinh tế - xã hội khác, sau đó rà soát quy hoạch 3 loại rừng xem có chồng lấn không (vì quế chỉ có thể bố trí trồng trên diện tích rừng sản xuất).
Quảng Nam đang hạ quyết tâm sớm hồi sinh “cao sơn ngọc quế”. Song song với công tác quy hoạch, lãnh đạo tỉnh cũng tính chuyện vận động người dân cùng vào cuộc. Chuyến khảo sát dài ngày tại Yên Bái, một trong 4 vùng quế chủ yếu ở VN đã giúp đoàn cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam rút tỉa nhiều kinh nghiệm. Trong đó, có yếu tố về diện tích lớn lẫn sự “kiên trì” của người dân. Trong khi sản phẩm quế ở Quảng Nam chỉ vài trăm tấn/năm thì Yên Bái đạt đến mốc 4.000 – 5.000 tấn, lại có hẳn nhà máy chế biến tinh dầu quế công suất 700.000 lít/năm và biết cách tận dụng tối đa vỏ, cành, lá, thân quế.
Né “bẫy” phong trào
Ông Đinh Mướk, Chủ tịch Hội quế Trà My vẫn khẳng định trên thực tế chưa bao giờ quế gốc Trà My mất giá, dù trong quá khứ từng có sai sót của quá trình phát triển. Ông đặt niềm tin vào yếu tố “ổn định” của chuyện tăng giá đợt này, trong khi một số người khác lại tỏ ra dè dặt vì sản phẩm nông nghiệp thường có chu kỳ về thị trường, có giai đoạn lên rồi xuống.
Những cú hích về chính sách mà Quảng Nam khởi động từ vài năm qua đã giúp thương hiệu quế Trà My dần trở lại đường đua, trong đó có đề án đầu tư và phát triển sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp từ cây quế Quảng Nam. Tuy nhiên, “vết xe đổ” trồng mà không quy hoạch để rồi phải phá bỏ hoặc sản phẩm ế ẩm hiện vẫn là nỗi ám ảnh lớn của người trồng quế. “Cứ làm và chạy theo phong trào sẽ rất khó. Trước tiên, phải tìm địa bàn phù hợp, căn cứ Chỉ dẫn địa lý mà xúc tiến, rồi quảng bá để dần xác định chỗ đứng cho quế Trà My trên thị trường. Sau quy hoạch, lại phải tính toán lập đề án thu hút doanh nghiệp, có chính sách phù hợp để cùng doanh nghiệp hình thành thị trường bền vững, từ đó giúp mở rộng quảng bá sản phẩm và giá trị cây quế”, ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.