Sau thời gian dài ế ẩm, quế Trà My- vốn được mệnh danh là “cao sơn ngọc quế” đã bất ngờ tăng giá khiến người dân vùng quế Quảng Nam phấn khởi, nhưng cũng đặt ra cho ngành chức năng nhiều câu hỏi lớn về quy hoạch để không tái diễn tình cảnh chặt bỏ trồng cây khác.
Các chủ vườn quế lâu năm tại Quảng Nam đang khai thác quế vỏ, thu lợi lớn - Ảnh: C.T.V
|
Hấp dẫn “của để dành”
Giá quế trên địa bàn Quảng Nam đang tăng cao, thậm chí có nơi ghi nhận tăng hơn “10 giá” (tức tăng 10.000 đồng/kg) so với cùng kỳ năm 2014, đã hâm nóng thị trường quế. Tín hiệu đặc biệt này không chỉ khiến các chủ vườn quế phấn khởi, mà cả các điểm thu mua lẫn Hội quế Trà My cũng vui lây. Bởi họ vẫn chưa quên chuyện quế rớt giá thảm hại giai đoạn 2009-2010, đến nỗi không dám tin sẽ có ngày quế Trà My hồi sinh…
Trên thực tế, quế Trà My đã rục rịch tăng giá từ gần nửa năm nay, chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ. Chị Ngô Thị Minh Thùy, chủ đại lý thu mua quế ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My), cho biết từ mùa tiên năm ngoái (tháng giêng đến tháng 3 âm lịch), giá quế bình quân chỉ ở mức trên 30.000 đồng/kg. Đến mùa hậu (tháng 7-8 âm lịch), quế âm thầm nhích giá lên trên 40.000 đồng/kg. Theo chị Minh Thùy, có nhiều giá quế khác nhau được chào bán trên thị trường (vì tùy loại) nhưng nhìn chung giá đã tăng khá cao, người dân địa phương rất phấn khởi. Đối với đồng bào vùng cao, vườn quế là tài sản lớn, là “của để dành” chỉ xuất bán khi cần nguồn kinh phí lo việc gia đình. “Quế trong vườn càng để lâu càng giá trị, và lần này xuất bán hàng loạt vì giá tăng cao. Nhưng tôi lo là với đà này, nguồn cung từ các vườn quế sẽ sớm đứt. Vì lâu nay tôi thấy bà con ít trồng thêm quế, và Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ các giống cây khác”, chị Minh Thùy nhận xét.
Thị trường chuyển động
“Giá quế tăng như thế là tạm được rồi đó”, ông Đinh Mướk, Chủ tịch Hội quế Trà My (Quảng Nam) nhận xét ngắn gọn trước tin vui mà cá nhân ông chờ đợi từ lâu. Bởi từ năm 1980, giá quế Trà My bùng nổ trên thì trường nhưng rồi… xệp dần, thậm chí có giai đoạn bị hắt hủi. Thời kỳ đó, thị trường khá hỗn tạp với các loại quế lai, nên loại quế Trà My danh tiếng (cao sơn ngọc quế) cũng bị ảnh hưởng lây. Người dân ồ ạt khai thác non các vườn quế tạp, nhưng cũng không muốn trồng loại quế gốc Trà My nữa. Hàng loạt cây công nghiệp như cao su, keo... chiếm trọn niềm tin của người dân lẫn các khoảnh rừng màu mỡ. Vậy vì sao giá quế Trà My lại tăng mạnh ở thời điểm này?
Dẫn ra hàng loạt khách hàng trong và ngoài nước xúc tiến tìm hiểu về “cao sơn ngọc quế” sau khi Hội quế Trà My thành lập (tháng 9.2014), ông Đinh Mướk khẳng định với PV báo Thanh Niên: một trong những nguyên nhân khiến quế tăng giá chính là thị trường đã chuyển động tích cực. “Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước quan tâm, xúc tiến chuyện buôn bán quế. Đã có đoàn Nhật Bản đến Quảng Nam tìm hiểu thị trường. Khách hàng Ấn Độ cũng đặt vấn để mua sản phẩm vỏ, nhánh, lá quế... cùng với các công ty ở Hà Nội. Từ đó, giá trị của quế tăng dần”, ông Đinh Mướk nói. Đây thực sự là tín hiệu không thể tốt hơn về thị trường. Bởi trong giai đoạn cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20, giá 1kg quế Trà My xuất khẩu ra thị trường ở mức 3,5 USD, sau rớt xuống còn 1,5 USD; còn giá quế trong nước cũng trồi sụt bấp bênh. Khi người dân quay lưng thì nguồn nguyên liệu quế cạn kiệt theo, và đương nhiên doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sớm rời bỏ. Một vị lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng nhìn nhận, chính lượng quế thu mua quá ít, đóng được một container đã hết khiến nhà đầu tư “không ham”.
Thị trường quế ấm dần cũng mang “dấu ấn” của Hội quế Trà My. Từ tháng 10.2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “quế Trà My”. Và chính Hội quế Trà My đã làm cầu nối để giúp sản phẩm quế Trà My ngày càng có uy tín trên thị trường, vận động các hộ sản xuất quế Trà My ở Trà Giáp, Trà Giác (H.Bắc Trà My), Trà Mai, Trà Leng, Trà Dơn (H.Nam Trà My), Phước Thành, Phước Kim (H.Phước Sơn) và các cơ quan, doanh nghiệp làm hội viên.
Trong khi đó, giới thu mua quế Trà My đặt trọn niềm tin vào các phẩm chất đặc biệt của sản phẩm quế Trà My khi khẳng định chính giá “đầu ra” tăng kéo theo giá “đầu vào” nhỉnh theo. “Với những hộ dân chưa chặt bỏ vườn quế mà vẫn âm thầm chăm sóc lâu nay, lúc giá rẻ họ không thèm khai thác và cứ để đó. Nếu đúng loại quế gốc Trà My thì không bao giờ mất giá trị”, một thương lái đang thu mua quế ở vùng Nam Trà My, Bắc Trà My quả quyết.
Giá trị thực và truyền thuyết
Quế Trà My, tên khoa học Cinnamonnum casia, đứng đầu trong số 4 loại quế mọc ở Đông Dương với hàm lượng Aldehyt cinnamic 95% trong tinh quế. Lượng tinh dầu có trong vỏ, thân và cành quế Trà My cao gấp nhiều lần so với các giống quế khác như: Trà Bồng (Quảng Ngãi), Văn Yên (Yên Bái)... Quế là nguồn dược liệu quý giá có tác dụng kích thích làm tăng sự tuần hoàn máu, gây co mạch, tăng bài tiết, gây co bóp tử cung, sát trùng, chữa đau bụng, đi tả... và dùng chữa viêm khớp, tiểu đường, giảm cholesterol, bệnh nhức đầu, cảm ho, đau họng, sâu răng. Tinh dầu quế còn dùng xoa bóp vùng đau, bầm tím do chấn thương, dùng đánh gió khi bị cảm mạo. Kinh nghiệm dân gian đồng bào Co, Ca Dong, Xê Đăng ở Trà My khi gặp những bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, trúng gió... thì dùng vỏ quế mài trong nước, uống vào giúp bệnh thuyên giảm. Quế còn được dùng làm đồ gia vị.
Dân gian còn lưu truyền câu chuyện Huyền Trân công chúa (thời nhà Trần) mắc bệnh phong thấp khi về làm vợ Chế Mân. Vua Chiêm liền sai thuộc hạ lấy gỗ quế Trà My đẽo thành đôi guốc để Huyền Trân mang chữa bệnh, cuối cùng bệnh tình dứt hẳn.
|
Bình luận (0)