Làng nghề hồi sinh: Làng mứt trở mình...

05/02/2015 10:43 GMT+7

Khắp vùng Bình Trị Thiên, không mấy người không biết đến 'mứt gừng Mỹ Chánh'. Dù đã có lúc, tưởng chừng món ăn thanh cảnh, cay cay này bị triệt tiêu...

Khắp vùng Bình Trị Thiên, không mấy người không biết đến “mứt gừng Mỹ Chánh”. Dù đã có lúc, tưởng chừng món ăn thanh cảnh, cay cay này bị triệt tiêu...

Làng nghề hồi sinh: Làng mứt trở mình...Việc làm mứt đã đem lại thu nhập cho người dân Mỹ Chánh - Ảnh: Nguyễn Phúc
Từ quốc lộ 1, chỉ cần rẽ vào gần cây số là đến làng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị). Những ngày này, về Mỹ Chánh, dù chỉ đi tới đầu làng đã nghe mùi thơm của mứt gừng sực nức. Không thơm sao được khi cùng một lúc đang có tròm trèm 40 cơ sở trong làng đỏ lửa để làm ra hàng chục tấn mứt.
Những người am hiểu về địa phương này cho rằng nghề làm mứt ở Mỹ Chánh có từ trước năm 1945, chủ yếu để phục vụ gia đình mình. Dần dà về sau, mứt gừng Mỹ Chánh được lên chợ huyện, chợ tỉnh rồi nức tiếng khắp miền Trung. Ngày trước, việc làm mứt diễn ra trong từng hộ gia đình nhỏ lẻ, nhưng ngày nay, các cơ sở làm mứt đã mở rộng quy mô với sự tham gia của hơn chục nhân công.
Ví như cơ sở làm mứt gừng của ông Hồ Ngọc Tuấn, khi chúng tôi đến, nơi đây không khác gì một “công xưởng” đang vận hành hết sức nhịp nhàng và khoa học. Trong sân nhà chừng 30 người phụ nữ đang thoăn thoắt làm việc quanh những cái bàn trộn gừng với đường thì ở chính giữa là hàng chục bếp lò luôn có những nồi mứt đang sôi sùng sục.
“Gia đình tôi làm mứt được 25 năm rồi, những người thợ của tôi cũng quen việc. Ngồi vào là họ làm như máy, cứ liên lục liên tục vậy đó”, bà Vân, vợ ông Tuấn nói. “Chúng tôi cứ lần lượt làm thôi. Từ cạo vỏ, rửa sạch, bào mỏng, ngâm nước, luộc, nghào với đường trên chảo nóng rồi tiếp tục “làm đẹp” cho từng lát mứt trước khi đóng thành phẩm”, bà Vân chia sẻ.
Giữ thương hiệu để phát triển
Trong ký ức của những người làm mứt gừng Mỹ Chánh vẫn còn nhớ những thời gian đi xuống của làng nghề này. Đã có lúc, vì không tìm ra thị trường, không cạnh tranh nổi với những loại mứt được sản xuất công nghiệp, người làng mứt không thể đỏ lửa dù tết đã đến gần. Nhưng có vẻ như khi hàng hóa tràn ngập, thật giả lẫn lộn, thì những giá trị đích thực sẽ trở lại và đó là cơ hội cho làng mứt Mỹ Chánh trở mình.
“Những người làm nghề trong làng chúng tôi luôn có sự cạnh tranh nhưng không vì lợi nhuận, không vì lợi ích mà chúng tôi đánh đổi giá trị của thương hiệu quê hương”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông này thì dù giá cả lên xuống thế nào thì ông vẫn phải đảm bảo gừng đầu vào chất lượng cao vì theo ông “anh sẽ chẳng làm ra cái gì nên hồn nếu nguyên liệu dở ẹc”. Và gia đình ông vẫn giữ được cách ngâm gừng truyền thống, không sử dụng hóa chất, mà chỉ sử dụng chanh pha vào nước để giữ màu, giữ mùi.
Chính nhờ theo đuổi những giá trị trong sáng, hợp lý nên cơ sở làm mứt của ông Tuấn mỗi mùa làm ra trên 10 tấn mứt gừng phục vụ tết, tạo mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người cho các nhân công. Với giá mứt bây giờ vào khoảng 60.000 đồng/kg, ông Tuấn có thể bỏ túi vài chục triệu đồng/mùa là điều rất bình thường.
Ông Bùi Văn Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết: “Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa chứng nhận thương hiệu cho sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh. Nên chúng tôi đã nổi nay càng... nổi hơn, mỗi năm sản xuất hơn trăm tấn mứt. Giờ đây, món mứt của người dân Mỹ Chánh đối với nhiều người là không thể thiếu trên bàn tiệc mỗi dịp tết đến xuân về”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.