Nằm bên kia sông Hoài, đò ngang cách trở nhưng mỗi ngày, làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An, Quảng Nam) đón hàng trăm lượt khách quốc tế ghé thăm rồi mang về nước những vật lưu niệm mộc mỹ nghệ tinh xảo.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng, người giữ lửa làng nghề mộc Kim Bồng trứ danh - Ảnh: Hoàng Sơn
|
Một thời bặt tiếng đục cưa
Đáp chuyến đò sang đến bến Cẩm Kim, du khách sẽ bước vào không gian của một miền quê rợp bóng tre xanh. Ngay từ đầu làng là cổng chào với tấm biển “Làng mộc Kim Bồng” hoành tráng. Cạnh đó là khu nhà trưng bày san sát vừa là nơi trình diễn nghề mộc của người dân. Thấy cảnh du khách chen chân tham quan, đi khắp làng nghe tiếng dùi đục lách cách, ít ai nghĩ rằng ngôi làng này từng một thời im lìm, trai tráng phiêu bạt tứ xứ để mưu sinh.
Nhiều tài liệu xưa ghi rằng làng mộc Kim Bồng hình thành từ thế kỷ 16. Bàn tay khéo léo của người thợ Kim Bồng đã dựng lên những công trình mộc vĩ đại, đậm chất nghệ thuật mà ngày nay nhiều người vẫn có thể nhìn thấy ở những ngôi nhà trong phố cổ Hội An hoặc tại Hoàng thành cố đô Huế. Thế nhưng, đến những năm chiến tranh loạn lạc và kể cả những ngày sau giải phóng, mộc Kim Bồng lụi tàn dần đẩy làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.
Là một người “nhận lửa” nghề từ cha ông, nghệ nhân Huỳnh Ri (71 tuổi) khi đó đã cố “cầm cự” với nghề mộc. Ông được xem như là truyền nhân cuối cùng của làng Kim Bồng nức tiếng một thuở. Thế mà, đã có lúc ông mệt mỏi vì sản phẩm làm ra không bán được. Còn con trai thứ 5 của ông là Huỳnh Sướng phải vào Sài Gòn làm thuê lấy công cho người ta.
“Làm ăn xa xứ lắm lúc tôi rất áy náy với tiền nhân. Nghĩ mình cứ đi miết thế này thì ở quê nhà nghề xưa ai giữ. Thế rồi, tôi trở về quê hương để nối nghiệp của cha. Năm 1996, được sự giúp sức của UNESCO, tôi cùng cha đã mở lớp truyền nghề mộc cho 30 học viên là thanh niên trong làng Kim Bồng”, ông Sướng kể.
Vì là nghề truyền thống của làng, năng khiếu có sẵn trong máu nên các “đệ tử” tiếp thu rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, thế hệ thợ mộc Kim Bồng mới tiếp nối nghề.
Ông Sướng tiếp lời, làng mộc Kim Bồng có được như ngày hôm nay cũng nhờ vào danh hiệu Di sản văn hóa thế giới mà UNESCO trao cho phố cổ Hội An vào năm 1999. Kể từ sau đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề được địa phương quan tâm hơn. Khách du lịch tìm đến Kim Bồng ngày một đông nên người dân trong làng càng có thêm cơ hội để bán sản phẩm của mình.
"Đi nhiều nơi và tham gia nhiều chương trình phi chính phủ, tôi hiểu thêm về cách thức bảo vệ phát triển nghề. Và việc đầu tiên tôi làm đó là phải “phá bỏ” tư tưởng thủ cựu rằng nghề mộc phải “cha truyên con nối” của cha. Cha tôi thấu hiểu và nhờ đó mà lớp thợ mộc kế cận ra đời…”, ông Sướng nói.
Đồ gỗ Kim Bồng xuất ngoại
Làng mộc truyền thống ngày nay có khoảng 200 thợ làm việc tại 20 cơ sở. Gần 20 năm đào tạo nghề, đã có khoảng 100 thợ mộc “ra lò” nhờ tay của cha con ông Huỳnh Ri. Khách tham quan vào Kim Bồng không chỉ được ngắm cảnh sông nước mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn trình diễn nghề hoặc các sản phẩm mộc độc đáo, cực kỳ tinh xảo. Riêng cơ sở của ông Huỳnh Sướng mỗi ngày có khoảng 20 thợ mộc làm việc với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người tùy theo bậc thợ.
“Đời sống người thợ ngày càng ổn định vì nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, Hội An là một thành phố du lịch, khách đến rất đông nên những người đi tiên phong như chúng tôi phải nghĩ đến việc phải xây dựng Kim Bồng thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Để làm được như thế phải làm sao thu hút khách. Vậy chỉ có cách làm ra sản phẩm đẹp, bắt mắt thì họ mới đến”, ông Sướng cho biết.
Nhiều khu nhà trưng bày đã mọc lên tại Kim Bồng. Ngày ngày, người chồng là những người thợ mộc chăm chỉ làm ra sản phẩm, những người vợ phụ chồng giới thiệu và bản ra sản phẩm cho khách. Không ai bảo ai, cứ hễ làm ra một sản phẩm đẹp, “độc” thì các thợ mộc lại giữ lấy để làm mẫu cho du khách chiêm ngưỡng. Đó là cách làm du lịch rất hiệu quả của nhiều hộ dân tại làng mộc truyền thống này. Nhiều hộ kinh doanh mộc mỹ nghệ cho biết, du khách châu Á thường có thói quen mua đồ lưu niệm như: bát, đũa, tượng gỗ…
Trong khi đó, khách châu Âu, châu Mỹ lại có xu hướng mua đồ gia dụng, trang trí nội thất. Nắm bắt được thị hiếu này, người thợ Kim Bồng luôn làm sẵn hàng để bán ra khi khách có nhu cầu. Các sản phẩm như: bàn, ghế, giường, tủ… từ làng Kim Bồng đã theo chân du khách về các nước Mỹ, Đức, Úc…
Bình luận (0)