Làng nghề hồi sinh: Làng mắm trăm năm

29/01/2015 08:46 GMT+7

Làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) nổi tiếng với nghề làm mắm. Nước mắm Nam Ô có vị thơm, ngọt tự nhiên, màu nâu cánh gián rất đẹp, từng là sản vật tiến vua...

Làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) nổi tiếng với nghề làm mắm. Nước mắm Nam Ô có vị thơm, ngọt tự nhiên, màu nâu cánh gián rất đẹp, từng là sản vật tiến vua...

Người dân làng mắm Nam Ô từng bước khôi phục lại làng nghề Người dân làng mắm Nam Ô từng bước khôi phục lại làng nghề - Ảnh: D.H

Đoạn trường làng mắm

Rồi do những tác động khách quan, chủ quan, làng nghề mắm Nam Ô nổi tiếng có giai đoạn thoái trào, suýt bị xóa sổ.

Cụ bà Nguyễn Thị Hạnh (trú tổ 104, P.Hòa Hiệp Nam) nay đã ngoài 93 tuổi, là người gắn bó với nghề mắm từ thuở thiếu thời, theo nghề của cha mẹ. Với cụ, nghề làm mắm gắn bó với cả cuộc đời, là tài sản lớn nhất cụ để lại cho con cháu. Theo cụ, sở dĩ nước mắm Nam Ô để muối cho thật ngon, phải được ủ trong thời gian 12 tháng, bằng muối Cà Ná (Phan Rang) hột to, được phơi khô ráo, để lâu năm chỉ còn lại phần muối tinh để muối cá và cho ra loại mắm trong, có độ mặn dịu, không có vị chát. Còn đối với cá, thì phải là loại cá cơm than. Theo đó, đối với lịch âm thì đầu tháng 3 mỗi năm, con cá cơm than chưa bị nước lụt từ các dòng sông chảy ra biển, nên săn chắc, ngon ngọt nhất. Và loại cá này chính là cá được người dân Nam Ô chọn về làm mắm tháng 3. Sau đó là cá tháng 8 âm lịch, tuy nhiên mùa này cá không ngon bằng cá tháng 3. Chỉ từ 2 loại cá cơm than và muối, với kinh nghiệm muối lâu năm, người dân làng Nam Ô đã làm nên món nước mắm Nam Ô ngon độc đáo mà không cần một loại hóa chất, phụ gia nào. Vì vậy, mà mắm Nam Ô từng là sản phẩm quý của người dân xứ Quảng để tiến vua cùng với các sản phẩm khác như trầm hương và quế...  

Những tưởng, nghề làm mắm của Nam Ô cứ vậy mà phát huy. Thế nhưng, có một giai đoạn, khi nghề làm pháo ở Nam Ô phát triển, nghề làm mắm thời ấy gần như bị lãng quên, vì nghề pháo mang lại cho người dân mối thu nhập vô cùng lớn... 

Phục hưng làng nghề     

Khi Chính phủ quyết định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, người dân Nam Ô lúc này lâm vào tình cảnh khó khăn. Chính lúc này, nghề mắm Nam Ô đã cứu lấy họ. Thế nhưng, quy mô sản xuất vẫn rất èo uột, sản phẩm làm ra không có mối để tiêu thụ, nên vòng lẩn quẩn đó khiến người dân càng trở nên khó khăn để gắn bó với nghề. Vào thời điểm này, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND Q.Liên Chiểu đã quyết định cùng với người dân chung tay phục dựng lại làng nghề. Từ đó đến nay, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền về kinh phí mua nguyên liệu, dụng cụ vật tư, tập huấn kỹ thuật chế biến theo phương pháp truyền thống, nhiều hộ dân đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất, phát huy được thế mạnh của mình. Chị Phạm Thị Hải Nguyệt, một hộ dân được xem là thành công với nghề làm mắm Nam Ô, chia sẻ: “Rất nhiều khách sau khi sử dụng sản phẩm, đã tự tìm đến với chúng tôi để mua nhiều, vừa ăn, vừa biếu, vừa giới thiệu. Mỗi năm tôi bán ra cũng được 6.000-7.000 lít, và trong thời gian đến sẽ mở rộng, phát triển theo hình thức vừa kinh doanh, vừa làm du lịch giới thiệu cách chế biến mắm”. Và một tín hiệu đáng mừng, đó là lập Hội làng nghề. Đến tháng 1.2015, Hội có 117 hội viên sản xuất nước mắm, trong đó có 23 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô lớn, 15 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, với tổng sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 60.000 lít. Năm 2009, nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ nên nhiều cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vẫn còn lắm khó khăn

Mặc dù đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, những người trực tiếp làm nghề vẫn còn băn khoăn bởi làng nghề vẫn còn lắm khó khăn phía trước. Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó chủ nhiệm HTX chế biến nước mắm Đông Hải ở Nam Ô, thì quy mô sản xuất của làng nghề còn là quy mô gia đình; cơ sở sản xuất tại nhà và ít có sự chia tách giữa không gian sản xuất và không gian sinh hoạt hằng ngày; mặt bằng sản xuất nhỏ, diện tích chỉ 40-50m2, có những hộ chỉ 6-20m2, không có điều kiện để phát triển hơn, trong khi nghề mắm rất cần không gian rộng, thoáng. Số lượng hộ sản xuất mắm so với số hộ dân thực sự chưa cao, sản lượng chưa nhiều, chỉ mang tính thời vụ và giá thành tương đối cao nên cũng sẽ rất khó cho cạnh tranh dù là sản phẩm mắm sạch. Bên cạnh đó, mắm Nam Ô chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn và ổn định. Nguyên liệu cá cơm tại chỗ cạn kiệt, làm giá nguyên liệu tăng, nhiều hộ mua cá loại khác để làm mắm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chung. Bao bì nhãn hiệu còn chưa được đầu tư nên mắm đóng chai còn thiếu sự bắt mắt đối với thị trường...

“Chính quyền địa phương đang tiếp tục tìm kiếm những giải pháp tích cực nữa để hỗ trợ cho người dân, để thúc đẩy sự phát triển của làng mắm Nam Ô trong thời gian đến”, ông Nguyễn Đây, Phó phòng Kinh tế Q.Liên Chiểu cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.