Măng cụt Tân Quy tìm đường ra 'biển lớn'

17/12/2014 12:14 GMT+7

Nhà vườn ở cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, H.Cầu Kè, Trà Vinh) đang từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng của măng cụt để biến loại trái này thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Nhà vườn ở cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân, H.Cầu Kè, Trà Vinh) đang từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng của măng cụt để biến loại trái này thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

 
Măng cụt đóng thùng xuất khẩu tại HTX Tân ThànhMăng cụt đóng thùng xuất khẩu tại HTX Tân Thành - Ảnh: Lập Chương
Cây “kinh tế”
Vào những ngày này, nhà vườn trồng măng cụt ở cù lao Tân Quy đang bước vào thời kỳ trừ sâu vẽ bùa, dưỡng lá để chuẩn bị cho cây ra bông vụ mới. Anh Lưu Vĩnh Lộc, người con thứ năm của “Vua măng cụt” Út Nhiêu ở đất cù lao này, cho biết măng cụt vốn là cây khó tính nhất trong các loại cây ăn trái. Cây hay “bỏ mùa” nếu vụ trái năm trước bị thúc phân vắt kiệt sức. “Nhà vườn khi xử lý ra bông phải đón gió thông ngọn, tiết trời từ lạnh chuyển dần sang ấm (từ tháng 11 âm lịch tới tháng Giêng), tốt nhất là bắt đầu vào tháng 11 âm lịch vì từ khi ra bông đến kết trái mất 120 ngày”, anh Lộc nói.
Ở cù lao Tân Quy hiện có khoảng 15 cây măng cụt cổ thụ gần 100 tuổi. Hơn 90 ha măng cụt hiện có ở xã đều lấy giống từ những cây cổ thụ này. Nhà vườn trồng măng cụt nào cũng biết cây càng già càng sai trái, có khi cho tới 400 - 500 kg/cây/năm. Đặc điểm của măng cụt Tân Quy là trái to, vỏ mỏng, da bóng láng, hột nhỏ (hoặc lép), cơm dày và ngọt. Măng cụt cho trái từ tháng 4 - 6 âm lịch, năng suất bình quân 11 tấn/ha, giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Cây măng cụt có lợi thế là không sợ ngập nước, ưa bóng râm nên nhà vườn dễ trồng xen dưới tán vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, đa phần nhà vườn ngại trồng vì phải mất 7 năm cây mới cho trái chiến. Từ năm thứ 8 đến 12 cây dần ổn định, ra trái theo từng năm. Vì thế, diện tích vườn tăng rất chậm nhưng bù lại năng suất từ 10 - 12 tấn/năm, giá bán thường cao hơn chôm chôm, nhãn... Mùa vừa rồi, 2,7 ha vườn măng cụt của ông Út Nhiêu cho thu hoạch 35 tấn. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, ông thu về khoảng 1 tỉ đồng.
Theo tính toán của nhà vườn, măng cụt có mức đầu tư thấp so với nhiều loại cây ăn trái khác. Mỗi năm nhà vườn bón phân 3 đợt, chỉ tốn khoảng 35 triệu đồng/ha và thêm một số chi phí để trừ sâu vẽ bùa. Chi phí lớn nhất là nhân công thu hoạch: công hái trái cây nhỏ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/cây, cây lâu năm 300.000 - 400.000 đồng/cây.
Tìm thị trường mới
Vừa qua, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho nhãn hiệu tập thể Măng cụt Tân Quy của HTX Tân Thành. HTX ra đời vào năm 2005, hiện có 34 thành viên, với 30 ha măng cụt đạt chuẩn quy trình quản lý sản xuất VietGAP, sản lượng 200 tấn/năm. Nhiều năm qua, HTX đã đều đặn cung cấp nguồn măng cụt cho các siêu thị Co.opmart Trà Vinh, Cần Thơ và BigC Cần Thơ. Ngoài ra, nhiều chủ vựa trái cây lớn ở Cần Thơ, Cái Bè (Tiền Giang) cũng tìm đến mua. Mới đây, HTX đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty rau quả Nhiệt Đới và nhiều đối tác chuyên kinh doanh rau quả tại TP.HCM. Ông Đỗ Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Tân Thành, cho biết: “Măng cụt tươi hiếm khi bị dội hàng do nhu cầu rất lớn mà nguồn cung lại hạn chế theo mùa vụ. Sau lần đại hội cổ đông HTX sắp tới, chúng tôi dự tính sẽ thêm vốn điều lệ để tăng năng lực sản xuất kinh doanh của HTX”. Theo ông Tài, trong vòng 2 năm tới, sau khi đươc tái công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP thì toàn bộ diện tích vườn măng cụt trên cù lao Tân Quy sẽ nâng lên quản lý theo quy trình GlobalGAP để tìm đường thâm nhập thị trường giàu tiềm năng châu Âu.
Ông Lê Hoàng Khởi, Chủ tịch UBND xã An Phú Tân, cho biết với giá trị kinh tế cao, cây măng cụt ở xã không dừng lại trên diện tích như hiện nay mà sẽ còn phát triển hơn. Ngoài cù lao Tân Quy, ở các ấp ven sông Hậu như Vĩnh An, An Trại, An Hòa, bà con cũng trồng xen cây măng cụt trong vườn cây ăn trái. “Có HTX, có được thương hiệu tốt, định hướng trái măng cụt đi tới thị trường Nhật, châu Âu là không khó. Điều chúng tôi và nhà vườn ở An Phú Tân cần là sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn để cây măng cụt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”, ông Khởi nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.