Nghề 'độc' dưới đáy Hạ Long

09/10/2014 09:20 GMT+7

Mò xác người gặp nạn ở Vịnh Hạ Long là công việc nguy hiểm của 8 người đàn ông thuộc Trung tâm lặn cứu nạn và thể thao dưới nước, thuộc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, từ nhiều năm qua.

Nghề 'độc' dưới đáy Hạ Long
Hai thành viên Đinh Trọng Tuệ và Trần Quang Vương trong một buổi tập tại Bãi Cháy - Ảnh: Thúy Hằng

Ăn cơm bên cạnh xác chết

Nguyễn Tiến Bình, 44 tuổi, đội trưởng đội lặn còn nhớ chi tiết từng vụ vớt xác khi ông tham gia. “Đó là một con tàu chợ đắm trên Vịnh Hạ Long. Tôi lặn trong mớ hỗn độn ghế, giường, tủ như sắp rơi ụp vào đầu mình, tưởng tượng đâu là hành lang, buồng lái, bếp. Vớt được một người thì đã quá trưa, thi thể người đàn ông xấu số được đặt ngay trên tàu. Thợ lặn phải dọn cơm nguội ăn ngay bên cạnh thi thể để giữ sức mà làm tiếp”, ông Bình kể.

Theo ông Bình, có những xác chết bị nước cuốn vào gầm buồng máy, khi thợ lặn tìm được thì mặt nạn nhân đã bị dầu phủ đen xì, dầu trôi cả vào hốc mắt, mũi rất tội nghiệp. Nếu xác chết bị ngâm nước lâu ngày đã phân hủy thì phải thật khéo léo để thi thể nạn nhân được toàn vẹn nhất.

“Có những xác người khi vừa nổi lên thì máu, đồ ăn trong thi thể trào ra ngoài, bám luôn vào người thợ lặn, mấy ngày sau còn bị ám ảnh”, ông Bình nói.

Kể về vụ chìm tàu du lịch Trường Hải trên Vịnh Hạ Long đầu năm 2012, ông Đỗ Bá Sơn, 52 tuổi, Giám đốc trung tâm kể trên, cho biết: trời mùa đông u ám, rét căm căm, đáy nước sâu tối om như mực. Thợ lặn cứ nửa tiếng lại phải ngoi lên, nhảy vào thùng nước nóng cho ấm người rồi lại lặn xuống, sau 10 giờ mới tìm thấy 12 nạn nhân.

“Nguy hiểm đối với thợ lặn là phải nổi lên từ từ để cân bằng áp suất, nếu không sẽ liệt nửa người, hôn mê... Ngoài ra thì trục trặc của bình khí, chân vịt... đều có thể dẫn đến tai nạn chết người”, ông Sơn nói. 

Yêu nghề dù đối mặt nguy hiểm

Cả 8 người trong đội lặn cứu nạn cho biết họ từng nhiều lần rơi nước mắt trước những cái chết quá thương tâm. Ông Nguyễn Tiến Bình kể rằng đến giờ vẫn còn mơ thấy một đứa bé chừng 3 tuổi với mái tóc hoe vàng và đôi mắt mở to, cứ bồng bềnh dưới biển. chú bé được bố mẹ buộc bằng một sợi dây vào thuyền để khỏi bò ra mạn mà rơi xuống nước. Trong một va chạm không may với một sà lan chở than, con thuyền bị chìm và kéo theo đứa bé trong khi cha mẹ bất lực.

Còn theo ông Sơn, không phải lần tìm xác nào cũng dễ dàng và nhanh chóng, đặc biệt, với những nạn nhân nhảy cầu Bãi Cháy xuống vùng nước sâu, chảy siết và thường không thể tìm được ngay xác nạn nhân mà phải sau vài ngày mới thấy ở khu vực Cửa Dứa, hang Đầu Gỗ, hoặc vướng vào lưới của những tàu, thuyền đánh cá.

Ngày bến phà Bãi Cháy vẫn còn hoạt động, có xe khách mất lái, lao luôn xuống biển. Lặn mò mãi mới tìm thấy người tài xế xấu số đã trôi xa khỏi chiếc xe bị chìm 3 km… Mới đây, vụ đội thợ lặn của ông Sơn cũng được nhờ tìm xác chị Huyền trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, nhưng đành bó tay.

Trong số 8 người, thì 7 thành viên đã có trên 10 năm làm nghề “mò xác”, trẻ nhất là Vũ Hồng Phúc, 20 tuổi, mới vào nghề. Đáng nói là lương theo ngạch hành chính sự nghiệp của họ rất thấp. Người gần về hưu như ông Nguyễn Tiến Tuấn hay như đội trưởng Nguyễn Tiến Bình mỗi tháng chỉ được khoảng 3 triệu đồng, không có thù lao, phụ cấp gì khác. Nhưng bằng lòng trắc ẩn và sự nhân hậu, họ vẫn đối diện với tử thần, để làm một công việc mà phúc đức là chính.

Thúy Hằng  

>> Băn khoăn với nghề 'độc
>> Nghề “độc”
>> Lặn mò xác người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.