Nghệ sĩ Hà Lan 'hội ngộ' gốm Thanh Hà

29/12/2014 14:03 GMT+7

Trong thời gian hơn ba tuần, hai nghệ sĩ gốm người Hà Lan là Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs đã cùng sống, cùng sáng tác và làm gốm với người dân làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam)...

Trong thời gian hơn ba tuần, hai nghệ sĩ gốm người Hà Lan là Douwe Buwalda và Bert van der Sluijs đã cùng sống, cùng sáng tác và làm gốm với người dân làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam)...

Nghệ sĩ Hà Lan 'hội ngộ' gốm Thanh HàDouwe và Bert với tác phẩm sắp đặt của mình tại công viên đất nung Thanh Hà - Ảnh: D.H
Những tác phẩm độc đáo
Và mới đây, hai nghệ sĩ đã có cuộc triển lãm Cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật tại Công viên đất nung Thanh Hà (Hội An). Triển lãm với nghệ thuật sắp đặt từ những tác phẩm gốm đã khiến người thưởng lãm rung động, bởi từ những gì chân chất, giản dị của làng gốm, những nghệ sĩ đã thả hồn mình vào với những cung bậc nội tâm sâu sắc...
Douwe và Bert là hai nghệ sĩ được đào tạo chuyên ngành gốm từ ĐH Nghệ thuật ở Hà Lan. Hai nghệ sĩ với khuynh hướng nghệ thuật tự do, họ tự thiết kế những tác phẩm của mình. “Chúng tôi đã làm việc nhiều năm với gốm, và dần dần chúng tôi chuyển sang nghệ thuật sắp đặt, và sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau. Khi đến làng gốm Thanh Hà, chúng tôi hoàn toàn bị hút hồn!”, Douwe chia sẻ với tất cả sự hào hứng.
Chính vì vậy, hai nghệ sĩ Douwe và Bert đã cho ra đời những tác phẩm độc đáo và một buổi triển lãm nghệ thuật sắp đặt từ những tác phẩm gốm do chính tay họ làm ra. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của những sản phẩm gốm đơn thuần với nét tinh tế của nghệ thuật, những chiếc bình gốm, lư gốm... gắn với những chiếc dao thành những nhát cắt bén ngọt; hay những chiếc bếp lò bằng đất nung được dựng chân bởi những chiếc dao cắt quen thuộc của người xứ Quảng; Những chiếc bình gốm được nhốt trong lồng chim; Cành cây khô được gắn trên miệng của những chiếc chậu gốm; Những chiếc dao cắt những mảnh đất sét vừa được nhào kỹ lưỡng... Tất cả gợi cho chúng ta về một cuộc sống của người dân làng gốm, với những ẩn ý nghệ thuật rất riêng...
“Những tác phẩm của chúng tôi không đặt theo chủ đề, mỗi người thưởng lãm tự mình suy nghĩ, tự mình cảm nhận và có những tưởng tượng của riêng mình... ”, Douwe nói, và ông để mọi người tự chiêm ngưỡng những sáng tác của mình được trưng bày trong khuôn viên của Công viên đất nung Thanh Hà.
Tâm huyết với làng gốm
Suốt ba tuần sống, làm việc với người dân làng gốm Thanh Hà, cả Douwe và Bert đều ngỡ ngàng bởi nguồn tài nguyên đất sét và vẻ đẹp của làng nghề thủ công này. Họ bắt tay vào tìm hiểu mọi ngóc ngách của đời sống người dân làng nghề, nguồn gốc của cộng đồng làm gốm này.
“Nhiều thế hệ đều gắn bó với nghề gốm, nó gắn bó với máu của họ. Những người thợ làm những sản phẩm thủ công với sự tôn trọng và say mê... Đó là kỹ năng bằng tay, mắt và sự cẩn thận tỉ mỉ khi làm từng sản phẩm”, Bert nói sau những ngày theo sát đời sống của người dân làng gốm.
Gắn bó với người dân làng gốm, Douwe và Bert nhận ra rằng những sản phẩm gốm họ làm ra những sản phẩm gốm nhưng lại không phải là những sản phẩm thích ứng với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, khi du khách đến với làng gốm, họ cũng không có được sự kết nối văn hóa với làng nghề, bởi các nghệ nhân không có được sự linh hoạt. Vì vậy, làng gốm dù đã tồn tại lâu đời, nhưng vẫn không thực sự khởi sắc, đời sống người dân gắn bó với nghề cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi cảm thấy người nghệ nhân làng gốm không thả nội tâm của mình vào tác phẩm, họ làm theo một lối mòn, không có sự sáng tạo lẫn tâm hồn... Chúng tôi đã đến Công viên đất nung Thanh Hà với một nhiệt huyết, và tình cảm gắn bó với người dân, nên với kinh nghiệm nghệ thuật của mình, chúng tôi sẽ giúp người dân làng nghề tìm được hướng đi tốt cho mình”, Douwe và Bert cùng chia sẻ.
Và hướng đi mà Douwe và Bert muốn giúp người dân làng gốm, không chỉ là làm ra những sản phẩm gì, mà kết nối như thế nào với du khách đến với làng gốm... Và một chương trình tham quan làng gốm theo Douwe và Bert là họ không dẫn dắt mà muốn giúp những người tham gia tự khám phá những điều đơn giản nhưng rất sâu xa trong cuộc sống hàng ngày của người dân làng gốm. Tất cả được thiết kế rất tự nhiên, giản dị. Người tham dự cảm thấy thoải mái vì mình được hòa nhập, được cảm thấu sâu sắc nền văn hóa đất nung của làng gốm cổ... Và đó chỉ mới là những bước đi ban đầu mà Douwe và Bert muốn mang đến cho người dân làng gốm Thanh Hà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.