Nỗi niềm người dân làng phong: Gian nan tìm kế mưu sinh

12/01/2015 08:29 GMT+7

Vào bờ là một sự thay đổi lớn của người làng phong Hòa Vân. Nhưng, khổ nỗi ở ngoài làng Vân, mọi người đều có việc để làm, trong khi vào bờ, tìm kế mưu sinh là việc vô cùng khó khăn đối với họ...

Vào bờ là một sự thay đổi lớn của người làng phong Hòa Vân. Nhưng, khổ nỗi ở ngoài làng Vân, mọi người đều có việc để làm, trong khi vào bờ, tìm kế mưu sinh là việc vô cùng khó khăn đối với họ...

Nỗi niềm người dân làng phong: Gian nan tìm kế mưu sinhKhông có việc làm, người dân chỉ trông chờ vào cứu trợ - Ảnh: D.H
Không tìm được việc làm
Ngồi trước hiên nhà của dãy nhà liền kề, cụ ông Nguyễn Lên buồn bã kể: “Hồi trước, khi còn ở làng, tui với mấy người trong nhà làm nghề biển, làm giỏi lắm, ăn trong nhà không hết còn dư ra đem đi bán, có tiền cất để dành làm việc này việc kia. Rau củ thì không thiếu vì vợ tui trồng trong vườn đủ ăn quanh năm. Chừ vô đây coi như bó tay, ngồi nhìn ra biển thở dài chớ làm chi được!”. Gia đình ông Lên, 2 vợ chồng, 4 đứa con, 1 con dâu, 1 cháu nội, cùng nhau sống trong căn nhà liền kề. Không nghề nghiệp, không việc làm, cả nhà “ăn lẹm” cả tiền bồi thường để sống, với nỗi lo lắng thường trực là đến khi người ta đòi nộp 50% tiền đất để lấy sổ đỏ, e rằng tiền đã cạn kiệt rồi.
“Ngồi không ăn thì có tiền núi cũng lở, mà chúng tôi thì chẳng ai có tiền núi cả... Những người như chúng tôi kiếm việc vô cùng khó”, ông Nguyễn Lên rầu rĩ nói. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng con cái cũng dắt nhau ra vỉa hè Nguyễn Tất Thành để dựng quán nước bán lấy tiền đắp đổi qua ngày, ai dè đó là chỗ cấm buôn bán, nên bị đuổi. Mất vốn, mất cả hy vọng kiếm chút tiền chợ...
Trong dãy nhà liền kề, nơi cửa hàng tạp hóa của bà Lê Thị Hải có lẽ thuộc hàng xôm tụ nhất. Ngay khi nhận được tiền đền bù, bà Hải quyết định mở tạp hóa. Nhưng tạp hóa ở xóm nghèo, cũng chẳng mấy khi bán được hàng. Ngày lời hơn chục ngàn, chưa đủ tiền chợ mỗi ngày, có ngày chẳng bán được gì. Chỉ trông dịp có những đoàn hảo tâm xuống tặng quà, nếu thiếu quà thì họ tạt vào mua giúp tạp hóa của bà, thì kiếm đủ bữa chợ cho gia đình. Chứ trông vào mấy đồng tiền đền bù, ăn miết cũng cạn kiệt. Hầu hết những hộ gia đình trong những dãy nhà liền kề của tổ 13, 14 này đều chung một hoàn cảnh. Họ khó khăn để tìm cho mình một công việc mưu sinh...
Loay hoay tìm giải pháp
Còn nhớ, dạo ra với làng Vân cách đây 5 năm, dù làng Vân là một ốc đảo, với nhiều người không lành lặn do bệnh tật, nhưng chí ít họ cũng đều có một cuộc sống đầy đủ. Không chỉ nhờ có trợ cấp xã hội, mà họ còn có thể tự thân chăn nuôi, trồng trọt, nên cuộc sống không dư dả nhiều nhưng không bao giờ thiếu thốn. “Khi đưa người dân làng Vân vào bờ, chúng tôi cũng rất lo lắng về vấn đề tìm việc làm phù hợp cho người trong làng. UBND quận cũng đã điều tra và khảo sát những người trong độ tuổi lao động để giúp họ tìm việc nhưng thực tế cũng không dễ dàng. Vì vậy, thực trạng người dân khó khăn trong việc mưu sinh là có thực”, ông Ông Văn Dũng, Chánh văn phòng quận Liên Chiểu thừa nhận.
Ông Dũng cho hay, quận cũng đã có một số giải pháp tức thời, như vào những dịp lễ, tết đều tổ chức những đợt hỗ trợ cho người dân ở khu vực nhà liền kề; những cá nhân tập thể muốn làm từ thiện ở khu vực quận thì cũng được giới thiệu lên giúp đỡ cho những hộ dân làng phong... Về giải pháp lâu dài, chính quyền quận cũng mong muốn, đề xuất có những chính sách nâng mức trợ cấp đặc thù cho những người dân làng phong không còn đất canh tác, không có việc làm, không có sức lao động. Bên cạnh đó cũng có cơ chế đào tạo việc làm phù hợp với thể trạng, sức khỏe, giúp họ tìm việc dễ dàng hơn...
Nhưng việc cụ thể thế nào thì lại phải chờ. Và người dân làng phong bây giờ, vẫn phải tiếp tục trông chờ vào kết quả những đề xuất ấy...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.