Nỗi niềm người dân làng phong: Hạnh phúc được hòa nhập

08/01/2015 10:09 GMT+7

Tháng 8.2012, 66 hộ dân với 142 khẩu của làng phong đã được đưa vào bờ sau hơn nửa thế kỷ sống ở vùng biệt lập - thôn Hòa Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). Niềm hạnh phúc được sống cuộc sống hòa nhập hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân...

Tháng 8.2012, 66 hộ dân với 142 khẩu của làng phong đã được đưa vào bờ sau hơn nửa thế kỷ sống ở vùng biệt lập - thôn Hòa Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). Niềm hạnh phúc được sống cuộc sống hòa nhập hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân...

Nỗi niềm người dân làng phong: Hạnh phúc được hòa nhậpBộ đội biên phòng giúp đưa người dân vào bờ hồi tháng 8.2012
- Ảnh: B.N
Niềm vui được vào bờ
Trước khi di dời vào đất liền, một người dân làng phong tâm sự với Thanh Niên: “Tui hỏi cô, ở đây đời sống quả có khó khăn, nhưng bù lại được cái đất vườn rộng rãi, muốn trồng cây, nuôi con gà, con vịt còn được. Chứ về thành phố sống chật chội, nhà cửa phân lô... biết làm gì ra tiền. Nhiều người trong làng sợ mỗi thứ này”.
Năm 1968, những cư dân đầu tiên - vốn là những bệnh nhân phong - đã cùng nhau ra Hòa Vân sống cuộc sống biệt lập, bởi vào thời điểm đó, theo quan niệm của mọi người, bệnh phong là một căn bệnh khó chữa, dễ lây... Những bệnh nhân phong sống cùng nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, lập gia đình với nhau và sinh con đẻ cái, trở thành một ngôi làng tràn ngập tình làng nghĩa xóm.
Người dân ở đây ngoài việc sống với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cộng đồng thông qua những chuyến hàng từ thiện; thì những người còn sức khỏe, có thể lao động đều cùng nhau sống bằng nghề nông, hoặc đánh bắt hải sản ở vùng biển này để mưu sinh... Cuộc sống họ thực sự hạnh phúc, bởi cùng nhau sẻ chia được mọi vui buồn. Nhưng, nỗi niềm không được hòa nhập là một trong những trăn trở lớn nhất của người dân làng Vân. Từ năm 1998, nhiều người dân làng Vân đã hoàn toàn hết căn bệnh phong, và không lây nhiễm bệnh cho người khác. Vào bờ, để con cái thuận tiện cho việc phát triển tương lai, và sống cuộc sống hòa nhập thực sự là mong mỏi của người dân làng Vân.
Và tháng 8.2012, thực sự là ngày vui với người dân làng Vân, khi họ chính thức được vào bờ, được sống trong đất liền chứ không còn là khu đảo biệt lập như trước đây. Đó là khi TP.Đà Nẵng thu hồi đất làng Vân cư trú để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp cao cấp Hòa Vân với kinh phí đầu tư hơn 5 tỉ USD. Những người dân làng Vân được vào bờ và ở trong khu nhà liền kề được xây dựng khang trang tại P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, trở thành những cư dân của tổ 13 và 14.
“Vào bờ thì tốt rồi, chúng tôi không phải lo ngăn sông cách trở, gió bão cũng đỡ lo lắng bị cô lập... Nhưng điều chúng tôi lo nhất đó là vào bờ bị bà con trong bờ phân biệt đối xử, như vậy thì con cái chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Xứng, người đại diện cho làng Vân lúc bấy giờ chia sẻ. Nhưng với sự giúp đỡ, tuyên truyền của chính quyền địa phương, lo sợ đó của người dân làng phong đã được gỡ bỏ. Cuộc sống trong bờ của người dân không bị sự kỳ thị của người dân địa phương, nên họ dần dà hòa nhập...
Vui trong âu lo
Tết Quý Tỵ là cái tết đầu tiên ấm áp của người dân làng Vân trong dãy nhà liền kề được xây dựng khang trang, cùng những món quà của những cá nhân, đoàn thể đã mang đến cho họ niềm vui không gì tả hết. “Dù những cái tết ở ngoài làng Vân trước đây cũng ấm áp với tình làng nghĩa xóm, nhưng cái tết này đối với chúng tôi thực sự có ý nghĩa, bởi tất cả đều mới mẻ. Chúng tôi được chính quyền cho giường, bàn, ghế, bếp, quạt, lại cả gạo để ăn tết...”, ông Xứng đại diện cho người dân chia sẻ những xúc cảm của mình.
Những cụ ông, cụ bà ở tuổi “thất thập cổ lai hy” như cụ ông Trịnh Khen, cụ Nguyễn Thị Thi vốn sống gần cả cuộc đời mình ở làng Vân, thì niềm vui được đón tết trong đất liền khi ấy hiển hiện trong nụ cười, ánh mắt... “Cứ ngỡ là giấc mơ đó mấy cháu!”, cụ Thi vui vẻ nói.
Không chỉ được sống cuộc sống hòa nhập, những người dân làng bị di chứng của bệnh phong ngày ấy còn được hưởng mức trợ cấp với mức từ 420 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng mỗi tháng. Những đứa trẻ của làng Vân có được môi trường học tập tốt, trường ở gần nơi mình cư trú, không đi đi về về trong gió bão như trước đây. Việc khám và điều trị bệnh mỗi khi trái gió trở trời cũng thuận tiện hơn, bởi trạm y tế với thuốc men đầy đủ ngay bên cạnh họ, không phải di chuyển quá xa... Một cuộc sống yên bình, hạnh phúc như mong muốn của người dân làng phong những tưởng đã thành hiện thực.
Nhưng, còn có quá nhiều điều xảy ra đằng sau hạnh phúc hòa nhập với cộng đồng mà họ từng ao ước...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.