Một loại động vật chân đốt xuất hiện cả một năm qua gây hại cho vùng rau TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng đến nay cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong nước vẫn chưa xác định được tên khoa học cũng như nguyên nhân xuất hiện của loài này.
“Siêu sâu” và trứng - Ảnh: Chi cục BVTV Lâm Đồng cung cấp
|
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng, loài này có cơ thể nhỏ, mảnh khảnh, rất dễ gãy thành các mảnh, có 6 - 12 đôi chân tùy thuộc vào các giai đoạn tuổi. Cơ thể chúng thường có màu trắng và chia làm 2 phần đầu và thân rất dễ phân biệt - phần đầu có râu. Con trưởng thành có chiều dài khoảng 0,5 - 2 cm, sống toàn bộ cuộc đời trong đất và việc tìm chúng rất khó bởi khi bị lộ chúng chui vào các kẽ hở trên đất và biến mất rất nhanh. Chúng đẻ trứng quanh năm, nhiều nhất vào mùa xuân và mùa thu, trứng nở trong 25 - 40 ngày ở nhiệt độ từ 10 - 21oC, ở 25oC trứng nở trong khoảng 12 ngày.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lâm Đồng, cho biết loài động vật chân đốt này được Chi cục phát hiện vào năm ngoái đang gây hại cục bộ “lổm chổm” ở một số vườn rau tại Đà Lạt. Chúng gây hại trên nhiều loại cây trồng như: bó xôi, cà rốt, hành, xà lách, cải bắp, cải thảo, dâu tây… và thường gây hại mạnh vào mùa mưa. Chúng tấn công vào bộ rễ, nhai phần chóp rễ từ lúc cây mới trồng cho đến 30 ngày tuổi làm cho cây sinh trưởng chậm, còi cọc, giảm năng suất...
Cũng theo ông Hưng, sau khi phát hiện, Chi cục cũng đã nhờ một số chuyên gia ở lĩnh vực côn trùng trong nước nghiên cứu, nhưng đến nay chưa biết tên khoa học cũng như nguyên nhân do đâu mà xuất hiện loại sâu này ở Đà Lạt. “Trên thế giới có đến 200 loài “siêu sâu” này, chúng ta chưa biết loài nào xuất hiện ở Đà Lạt; chúng là loài bản địa hay du nhập theo đường nhập nội giống cây trồng…? Việc xác định loài cũng rất khó khăn, không phải một sớm một chiều là làm được. Hơn nữa, nếu trong ngân hàng gen không có con này thì lấy đâu xác định? Hiện chúng tôi đang chờ kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia trong nước, nếu trong thời gian đến mà không có kết quả thì sẽ nhờ chuyên gia nước ngoài”, ông Hưng nói.
Hiện trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng chưa có sản phẩm đăng ký phòng trừ “siêu sâu” gây hại này. Theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, bà con có thể rải vôi để hạn chế mật độ “siêu sâu” hoặc có thể xông hơi, khử trùng đất, luân canh cây trồng với những cây ít mẫn cảm hơn với sự gây hại của chúng”… “Hiện “siêu sâu” gây hại chưa đến mức nguy hiểm nhưng nguy cơ về lâu dài không phải không có. Hơn nữa việc phòng trừ nếu không đúng cách và sử dụng thuốc hóa học không đúng sẽ để lại dư lượng, ảnh hưởng đến chất lượng rau an toàn. Chi cục cũng đang nghiên cứu xác định loài và xác định 1 số loại thuốc để phòng trừ có hiệu quả hơn. Trong tháng 4 đến, chúng tôi sẽ làm mô hình diện rộng để khuyến cáo, tập huấn, hướng dẫn và phổ biến cho nhân dân cách phòng trừ…”, ông Lại Thế Hưng cho biết.
Bình luận (0)