Nhịp sống đô thị: Ký ức đô thị

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/03/2018 12:11 GMT+7

Đô thị và ký ức - triển lãm của Nguyễn Thế Sơn đặt ra câu hỏi về lịch sử, về chất lượng sống ở đô thị. Và không chỉ Sơn có những câu hỏi như thế.

Nguyễn Thế Sơn, giảng viên ĐH Mỹ thuật Hà Nội, nhẹ nhàng đặt chiếc ghế màu vàng chỉ bằng đốt ngón tay xuống mặt đường bằng bìa trong bức phù điêu nhiếp ảnh Khu tập thể 364 Kim Ngưu (Hà Nội). Những chiếc ghế thường gặp ở các bãi bia hơi Hà Nội. Từ bức phù điêu, cảm giác có thể ngửi thấy mùi bia hơi xộc lên cùng với tiếng chạm cốc leng keng.
Trong một tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu khác, Sơn dựng lại Khu tập thể E1 Thái Thịnh. Những biển hiệu quán cá rồng Bin Nhím, Trung tâm kỹ thuật xe máy Honda Bình Định được dựng lại chi tiết tới từng hàng chữ trên tấm biển hiệu. Chiếc ô xanh che nắng trên vỉa hè. Từng người đi bộ. Triển lãm Đô thị và ký ức của Nguyễn Thế Sơn là thế. Ở đó, anh ngưng thời gian lại, chụp ảnh rồi dựng lại các khu tập thể - một phần của đô thị Hà Nội hiện nay, nhưng có thể biến mất trong vòng chục năm nữa.
“Các khu tập thể đang đối diện với nguy cơ bị xóa khỏi đô thị tương đối nhanh. Đặc biệt thấy rõ ở những khu như Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ - bắt đầu đang thí điểm rồi. Dự án biến những nhà tập thể ở mặt phố thành chung cư 18 - 24 tầng cũng bắt đầu rồi. Chỉ vấn đề là thời gian nữa thôi. Tôi muốn giữ ký ức đô thị đó lại”, Sơn chia sẻ.
Đề tài về ký ức đô thị được Nguyễn Thế Sơn quan tâm từ lâu. Nó cũng theo anh qua nhiều triển lãm. Anh từng có triển lãm riêng về nhà mặt phố, triển lãm riêng về biệt thự Pháp ở Hà Nội, về nhà tập thể...
Tại triển lãm Đô thị và ký ức lần này, người xem không chỉ được xem chuyện nhà tập thể. Nó còn kể về những mảng di sản kiến trúc đô thị khác như nhà mặt phố, biệt thự Pháp. Thậm chí, cả những cái cây trước và sau khi thành phố hạ cáp điện thành cáp ngầm. Nếu như ở bộ ba ảnh đầu tiên, cây cối nhằng nhịt đường dây cáp chạy qua, thì ở bộ ba ảnh thứ hai, dây cáp đã hoàn toàn biến mất. Những tác phẩm này đều bắt nguồn từ nghiên cứu xã hội học của Sơn, được thực hiện qua nhiều năm. Đề tài đôi khi giao nhau, chẳng hạn, khu Thái Thịnh vừa là nhà tập thể vừa là nhà mặt phố. Nó bị đeo thêm chuồng cọp nhô ra ở các tầng trên, bị quán xá hóa ở tầng dưới. Nó cũng kể câu chuyện chủ nghĩa tập thể chuyển sang chủ nghĩa cá thể.
Mối quan tâm xa lạ
“Di sản đô thị là di sản đang chưa được chú ý đầy đủ”, kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính chia sẻ. Ngoài hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, các di sản này cũng chưa được cộng đồng quan tâm đầy đủ. Chính vì thế, theo ông Kính, di sản này đang đối diện với việc bị mất dần, thậm chí mất rất nhanh mà không ai quan tâm. Vì thế, ngay khi làm các triển lãm liên quan, nghệ sĩ cũng gặp khó khăn.
Chẳng hạn, mới đây, dự án phố bích họa Phùng Hưng đã phải tạm dừng khi một số tác phẩm bị Hội đồng nghệ thuật phản đối. Tác phẩm bị phản đối nhiều nhất chính là tác phẩm về nhà biệt thự Pháp của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế. Ở đó, anh vẽ ngôi nhà 63 Phùng Hưng với hai phần, một phần nguyên bản từ xưa, và một phần hiện nay. Ngôi nhà đó có thật, và việc anh nghiên cứu để vẽ so sánh cũng có cơ sở. Trong dịp tết vừa qua, tác phẩm cũng là nơi nhiều người tới chụp hình. “Ngôi nhà 63 Phùng Hưng kiến trúc Pháp thuần khiết rất đẹp, nhưng nay cánh cửa bị tháo đi và thay đổi nhiều do không được xếp hạng”, ông Yên Thế nói. Tuy nhiên, hội đồng nghệ thuật không chấp nhận một ngôi nhà bị xé toạc ra thành hai phần như thế.
Có nhiều người cũng từng lên tiếng về việc giữ phần ký ức đô thị của những nhà tập thể. Trong số đó, chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành từng đề nghị, có thể giữ lại một tòa nhà tập thể nào đó để làm bảo tàng về nhà tập thể thời bao cấp. Khu Zone 9 - một khu nhà Pháp cũ đã được KTS Đoàn Kỳ Thanh biến thành một khu nghệ thuật, đúng hơn là một khu công nghiệp sáng tạo. Đó là bài toán đánh thức di sản đô thị sau khi câu hỏi về di sản được đặt ra. “Chúng ta hoàn toàn có thể tạo một nền kinh tế từ di sản kiến trúc đô thị”, KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội nói.
Một người khác, ông Martin Rama, một chuyên gia kinh tế rất yêu Hà Nội, cũng muốn sử dụng các khu tập thể cũ để kinh doanh văn hóa như thế. Hiện tại, một số khu tập thể tại Hà Nội cũng đã được tận dụng tầng 2 làm quán xá. “Nhiều cư xá trong TP.HCM bắt đầu làm thành quán cà phê. Một số khu tập thể Hà Nội, trên tầng 2 cũng bắt đầu đặt quán cà phê rồi”, Thế Sơn nói.
Cũng theo Sơn, nhiều thành phố như Berlin, London, Bắc Kinh đã sử dụng các khu nhà cũ như nhà máy, cảng… làm công trình nghệ thuật, xưởng nghệ thuật. “Đó là bài toán đã được giải ở nhiều đô thị có tính lịch sử như Hà Nội. Ở khu 798 Bắc Kinh, xưởng cơ khí đã được dùng làm xưởng nghệ thuật. Họ cũng từng đối diện với câu chuyện như mình, nhưng chính quyền và cộng đồng nghệ sĩ đã cứu được những công trình như thế”, Sơn nói. Anh cũng cho biết, sẽ tiếp tục ghi lại những mảng đời sống đô thị ở VN trong tác phẩm của mình. Đó chính là những ký ức để giữ phần hồn cho đô thị ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.