Trước diễn biến phức tạp của dich viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, nhóm nghiên cứu thuộc khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa điều chế thành công dung dịch rửa tay kháng khuẩn, sản xuất theo thành phần và tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Dung dịch rửa tay “made in Bách khoa Đà Nẵng”
Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang, dung dịch rửa tay thời dịch virus Corona, người dân muốn mua được những mặt hàng này tại TP.Đà Nẵng phải thức dậy từ mờ sáng, đứng xếp hàng tại các tiệm thuốc tây. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có hàng để mua.
Hiểu được những khó khăn thời dịch, nhóm giảng viên thuộc khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã lên phương án nghiên cứu dung dịch rửa tay sát khuẩn chuẩn “made in Bách khoa Đà Nẵng”. Chỉ sau 2 ngày, chiều ngày 5.2, nhóm nghiên cứu đã cho ra mắt sản phẩm nhằm phục vụ học sinh, sinh viên khi có lịch đi học trở lại.
|
|
PGS.TS Nguyễn Đình Lâm cho biết, đồng hành cùng cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh, các giảng viên khoa Hóa trong vòng 2 ngày đã sản xuất thành công dung dịch rửa tay sát khuẩn theo thành phần và tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Dung dịch có hương hoa hồng rất dễ chịu, đặc biệt không gây khô da.
“Bình dung dịch rửa tay sát khuẩn sẽ được đặt tại các khu giảng đường, hành lang, phục vụ sinh viên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ban đầu, trường ĐH Bách khoa đã hỗ trợ cho trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) và trường THCS Kim Đồng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) mỗi trường 20 - 30 bình (loại bình 500ml)”, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm nói.
Tuy nhiên, ông Lâm cho biết không thể sản xuất số lượng lớn nhằm phục vụ cộng đồng vì vỏ chai đạt chuẩn có giá cao trong khi hiện nay nguồn hàng nhập khẩu lại khan hiếm nên việc mua vỏ chai gặp nhiều khó khăn.
“Về hóa chất có thể dùng để sát khuẩn buộc phải chọn ra được những thành phần đảm bảo theo tiêu chuẩn và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng tôi đã chọn dùng cồn thực phẩm dù giá thành cao, chứ không dùng ethanol công nghiệp. Vì ethanol thực phẩm ít tạp chất hơn, đảm bảo sự an toàn”, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm giải thích.
Gửi con nhỏ quyết tâm chế dung dịch rửa tay
Nhóm nghiên cứu điều chế dung dịch rửa tay sát khuẩn gồm 10 giảng viên khoa Hóa. Những ngày gần đây họ đã phải chạy đôn chạy đáo thu xếp việc gửi con nhỏ nhờ người trông giữ. Cô Lê Lý Thùy Trâm, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học, cho biết trong những ngày sinh viên được nghỉ học, cô Trâm và các đồng nghiệp vẫn có mặt tại phòng thí nghiệm để nghiên cứu điều chế dung dịch.
Cô Trâm cho biết vì học sinh được nghỉ học nên các thầy cô trong khoa phải đưa con về quê, nhờ ông bà, họ hàng trông giữ để có thể chuyên tâm nghiên cứu.
|
“Trong những ngày các con nghỉ học, chúng tôi đã tìm cách gửi con ở nhiều nơi, may mắn chúng tôi được gia đình ủng hộ hết sức. Thật sự vui khi giờ đây đã có dung dịch rửa tay kháng khuẩn theo tiêu chuẩn để phục vụ sinh viên, chứ sinh viên làm gì có tiền để trang bị hết được”, cô Trâm nói.
TS.Ngô Thái Bích Vân (giảng viên khoa Hóa, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) là người có con nhỏ tuổi nhất trong nhóm giảng viên. Khi trường mầm non có thông báo nghỉ học, cũng là lúc ý tưởng nghiên cứu dung dịch nước rửa tay sát khuẩn phục vụ sinh viên được cấp trên phê duyệt và yêu cầu nhanh chóng triển khai. Cô Vân đã gửi con cho ông bà trông giữ, hằng ngày vẫn đến phòng nghiên cứu làm việc cùng các đồng nghiệp. “Làm công việc nghiên cứu, trong thời điểm cả xã hội ra sức phòng chống dịch bệnh, chúng tôi cũng muốn góp một phần sức của mình trang bị giúp học sinh, sinh viên”, TS.Vân chia sẻ.
|
|
Cũng theo cô Trâm, với những kiến thức chuyên môn, nhóm nghiên cứu đã rất kĩ lưỡng trong việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào. Hiện nay trên mạng xã hội truyền nhau công thức điều chế nước rửa tay diệt khuẩn tại nhà, tuy nhiên tính an toàn của các loại nguyên liệu là điều cần quan tâm vì dung dịch, cũng giống như mỹ phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến da tay.
"Nhóm đã nhiều lần làm thử nghiệm hiệu quả diệt khuẩn của sản phẩm bằng nhiều phương pháp, tất nhiên là không đạt hiệu quả 100% nhưng hiệu quả sản phẩm mang lại rất cao", cô Trâm cho biết.
Bình luận (0)