Những chứng nhân lịch sử ngành điện - Kỳ 4: 'Binh nhì' và sự phát triển của A0

26/12/2014 10:26 GMT+7

Trưởng thành từ vị trí 'binh nhì' của công tác điều độ hệ thống điện đến vị trí lãnh đạo của Điều độ quốc gia, ông Trần Minh Khâm, nguyên giám đốc đầu tiên của Điều độ quốc gia gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành điện.

Trưởng thành từ vị trí “binh nhì” của công tác điều độ hệ thống điện đến vị trí lãnh đạo của Điều độ quốc gia, ông Trần Minh Khâm, nguyên giám đốc đầu tiên của Điều độ quốc gia gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành điện.

Những chứng nhân lịch sử ngành điện: Kỳ 4: “Binh nhì” và sự phát triển của A0Ngành điều độ đã trưởng thành từ những con người đầy nhiệt huyết - Ảnh: Huy Hùng
Tốt nghiệp ĐH Bách khoa khóa 5, sau một thời gian ngắn công tác tại nhà máy điện, ông Khâm được chuyển về Trung tâm điều độ (Trung tâm) hệ thống điện miền Bắc từ vị trí thấp nhất, như ông gọi là “binh nhì”, đến vị trí giám đốc trung tâm. “Điều độ là lĩnh vực hẹp, đòi hỏi chuyên môn, có lẽ vì thế, khi tôi từ Trung tâm miền Bắc lên công tác tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, lại được đưa về làm công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Trung tâm hệ thống điện Quốc gia (A0) sau này”, ông Khâm chia sẻ.
Năm 1992, với vai trò một “cựu binh” điều độ giàu kinh nghiệm, ông Khâm là người đầu tiên được đưa về Ban chuẩn bị sản xuất của Trung tâm hệ thống điện Quốc gia. Trung tâm được thành lập chỉ hơn một tháng trước khi khởi động hệ thống 500 kV, nhưng cơ sở cho hoạt động của nó đã được ông và các đồng nghiệp đầu tiên khẩn trương chuẩn bị từ gần 2 năm trước đó.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Khâm kể cả nước có 2 hệ thống điện miền Nam và miền Bắc, miền Trung chỉ có lưới điện địa phương. Có một nghịch lý tồn tại lúc đó là miền Nam thiếu điện gay gắt, trong khi miền Bắc dư thừa khả năng phát do nguồn cung lớn từ nhiệt điện Phả Lại và thủy điện Hòa Bình. Thời điểm đó, phía Trung Quốc đặt vấn đề mua điện của VN, Bộ Năng lượng có văn bản đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép xuất khẩu điện sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt lúc đó, sau nhiều cuộc họp đã quyết định “không bán điện sang Trung Quốc”, và chính ông đưa ra quyết định lịch sử: Xây dựng hệ thống 500 kV Bắc - Nam đầu tiên của nước ta. Công trình gồm gần 1.500 km đường dây, 5 trạm biến áp và bù, tổ hợp thiết bị phục vụ cho Điều độ quốc gia. Quyết định không thông qua ý kiến của Bộ Chính trị lúc đó đã mang lại không ít sóng gió cho công trình cũng như những người thực hiện, bản thân ông Võ Văn Kiệt cũng đã chuẩn bị cho tình huống từ chức nếu công trình thất bại.
Ngày 5.4.1992, công trình đường dây 500 kV khởi công và đã hoàn thành 2 năm sau. Theo ông Khâm, sức ép khi xây dựng công trình rất lớn, không chỉ từ dư luận mà còn do nguồn vốn hạn chế và đây là lần đầu tiên phía Việt Nam đảm nhận thiết kế và thi công đường dây 500 kV.
Đầu năm 1993, Bộ Năng lượng đã quyết định chuyển Ban chuẩn bị sản xuất thành Chi nhánh A500 điều độ quốc gia (gọi tắt là chi nhánh A6) để tiếp tục công tác chuẩn bị khi đường dây 500 kV chính thức đóng điện. Ông Khâm cho biết “những ngày tháng đó rất khó khăn, nhất là về nhân lực, khi số lượng kỹ sư đã kinh qua công tác về điều độ quốc gia rất ít. Thu nhập không cao, kết quả của công trình chưa chắc chắn nên không phải ai cũng muốn đầu quân cho A0.
Ngày 11.4.1994, Bộ Năng lượng ra quyết định thành lập Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) vì toàn bộ công trình 500 kV đã xong phần xây dựng và lắp đặt, nay cần được thí nghiệm. A0 có nhiệm vụ quản lý vận hành toàn bộ thiết bị, trước hết là tiến hành hàng loạt thí nghiệm trước khi đóng điện.
“Những kỹ sư vận hành rất trẻ về tuổi đời nay lần đầu tiên làm chức trách trưởng ca điều độ, nên không khỏi ngỡ ngàng và đôi khi phải dựng giám đốc dậy vào đêm khuya để hỏi về tình huống xử lý cụ thể”, ông Khâm nhớ lại. Phía Úc cũng cử một số kỹ sư hỗ trợ.
Từ 11.4 tới khi hòa điện vào ngày 27.5.1994 là những ngày dường như không ngủ của cả cơ quan. Kết quả là an toàn tuyệt đối và đạt mục tiêu của tổ hợp công trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.