Những chứng nhân lịch sử ngành điện - Kỳ 3: Cựu thứ trưởng và sáng kiến người thợ máy

19/12/2014 09:15 GMT+7

Hoạt động cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến năm 1945, giải phóng miền Bắc năm 1954, ông Vũ Hiền (tên thật là Nguyễn Xuân Truyền), nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực cũ, được cấp trên đưa về công tác tại bộ phận điện lực thuộc Bộ Công thương.

Hoạt động cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến năm 1945, giải phóng miền Bắc năm 1954, ông Vũ Hiền (tên thật là Nguyễn Xuân Truyền), nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực cũ, được cấp trên đưa về công tác tại bộ phận điện lực thuộc Bộ Công thương.


Ông Vũ Hiền bên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

>> Những chứng nhân lịch sử ngành điện - Bài 2: Sức mạnh Việt Nam trong ngành điện
>> Những chứng nhân lịch sử ngành điện - Kỳ 1: Giữ vững nguồn điện trong bom đạn

Ông Vũ Hiền cho rằng đó là cái duyên của mình vì trước kia đã học tại trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội, vẫn được gọi vui “tráng men” công nghiệp. Làm việc trong ngành điện lực cũng là mơ ước của ông, vì được đem lại ánh sáng văn minh phục vụ đất nước và người dân. Được đưa về cơ sở làm cán bộ lãnh đạo tại các nhà máy lớn khi đó, như nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, Đa Nhim..., năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Điện lực.
Gắn bó với ngành điện 40 năm, kỷ niệm sâu sắc của ông không chỉ là những ngày tháng sống mái dưới bom đạn Mỹ để giữ vững hoạt động của thủy điện Thác Bà, mà còn là nhiều kỷ niệm vui “toát mồ hôi”. Những ngày giáp Tết Đinh Dậu năm 1957, khi ông mới được đưa về làm Giám đốc nhà máy điện Hải Phòng thì nhận được giấy mời hỏa tốc của đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng về việc một tàu biển lớn của nước ngoài không may bị đắm, đã được trục vớt, nhưng toàn bộ máy phát điện và các động cơ điện của tàu đều bị hư hỏng vì ngấm nước mặn khá lâu. Phía chủ tàu tha thiết nhờ huy động sức mạnh từ một thành phố công nghiệp của VN giúp họ sửa chữa tất cả động cơ tàu, trong thời gian 1 tháng.
“Tôi hoang mang đến cực độ, trời rét căm căm mà đổ mồ hôi hột, nhưng vẫn quyết tâm khó mấy cũng phải làm bằng được. Ngay sau đó, tôi về tập trung một cuộc họp bất thường với cán bộ công nhân kỹ thuật bậc cao của nhà máy để thảo luận thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo thành phố giao cho. Vấn đề đặt ra lúc này là làm cách nào xử lý được mặn?”, ông Hiền nhớ lại.
Lúc đó, rất nhiều ý kiến nêu ra nhưng đều không khả thi, vì trên thế giới thời điểm đó chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng nhiễm mặn, huống hồ chỉ có 1 tháng để xử lý. May mắn khi đang bế tắc thì có sáng kiến của một bác công nhân sửa chữa động cơ điện bậc cao là Nguyễn Văn Hồ, đưa ra giải pháp đem toàn bộ số máy móc, động cơ đó bỏ vào nồi luộc để rửa mặn, cứ vài tiếng lại thay nước một lần đem ra nếm thử hết mặn thì đạt tiêu chuẩn.
Ngay lập tức cả nhà máy điện bắt tay vào công việc luộc máy, 3 goòng đẩy than được dùng làm nồi, 7 sít-te củi được đưa về nhà máy làm nhiên liệu sửa chữa cho tàu. Dù đang là những ngày Tết, nhưng đông đảo cán bộ, công nhân viên nhà máy điện đã tự nguyện tham gia công trường luộc máy ở sân sau Sở điện lực Hải Phòng. Công trường rực sáng ánh điện với hàng trăm lao động, đầy ắp tiếng cười.
Luộc máy xong là đến giai đoạn sấy khô, thử cách điện sơn tẩm. Công việc được tiến hành xen kẽ nhau nên chỉ mất 15 ngày để hoàn thành. Đại diện nhà máy chở thiết bị được sửa chữa tốt đến cảng, giao tận tay cho chủ tàu trước con mắt vô cùng ngạc nhiên và khâm phục của họ. Kết thúc một chiến tích của nhà máy.
Không chỉ là những kỷ niệm vui, ngành điện với ông còn là truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của anh em cán bộ công nhân cùng nhau lập nên chiến tích: sửa chữa phục hồi thủy điện Thác Bà giữa bom đạn Mỹ. Anh em công nhân bất chấp tính mạng làm thêm cả ban ngày, khi có báo động lại rút lui vào hầm. Tổ máy số 2 đã hoàn thành trước thời hạn 3 ngày, kịp thời cung cấp điện chống úng, cứu lúa cho đồng bằng sông Hồng.
Đã ở tuổi ngoài 90, nhưng cựu Thứ trưởng này vẫn không quên những cán bộ, công nhân đã gắn bó cùng ông trong quãng đời làm việc trong ngành điện, và luôn tâm nguyện được truyền nhiệt huyết yêu nghề cho các thế hệ kế tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.