Những điều kỳ lạ ở Iceland

08/01/2017 13:02 GMT+7

Iceland, xứ sở thường được người Việt biết đến với cái tên Băng Đảo quả là nơi chốn kỳ lạ nhất trong các nơi chúng tôi đã đi qua.

Những sông băng rộng mênh mông phủ trên hàng loạt ngọn núi lửa trải dài liên tiếp tạo ra nhiều khung cảnh và hiện tượng vật lý kỳ thú cứ như trong phim khoa học viễn tưởng. Trong mấy ngày rong ruổi ở miền bắc đất nước này, ai nấy cứ đi từ ngạc nhiên này đến các ngạc nhiên khác…
Hồ Mývatn kiệt tác của núi lửa
Sau khi mũi và miệng đã quen dần với không khí lẫn nước uống luôn phảng phất mùi lưu huỳnh, mắt đã quen với những giếng nước phun cao mấy chục mét rải rác dọc các trục đường chính, chúng tôi lại làm quen với một sản phẩm từ núi lửa chỉ có ở Băng Đảo.
Đó là vùng hồ Mývatn - quần thể du lịch nổi tiếng của Iceland. Mývatn rộng chưa đầy 40 km2 nhưng có đến hơn 50 hòn đảo xinh đẹp. Nước hồ không sâu, tuy vậy hệ sinh thái lại cực kỳ đa dạng với rất nhiều loài chim, vịt, cá.
Thảm thực vật, thủy sinh ở đây cũng thuộc hàng bậc nhất của Iceland. Hồ nông và khí hậu tốt, thảm thực vật dưới lòng hồ được chiếu sáng và quang hợp tốt hơn những vùng khác tại Iceland, do đó thủy sinh phát triển mạnh hơn các vùng khác tạo ra những hồ nước màu xanh trải dài.
Xứ sở Iceland hình thành do hoạt động núi lửa phun trào và cụm quần thể Mývatn là một điển hình xứng đáng để chiêm ngưỡng. Xung quanh hồ còn nhiều dấu tích của nham thạch, những miệng núi lửa, những bọt đất do núi lửa nóng chảy tạo thành, tuy nhiên sản phẩm đặc biệt nhất phải kể đến 50 hòn đảo nhỏ có tên gọi khoa học là Pseudocraters.
Các đảo này đều có lòng chảo sâu như miệng núi lửa nhưng thực ra không phải, trong lòng đảo chẳng hề có dung nham và chắc chắn sẽ không phun lửa bao giờ. Những ngọn “núi lửa giả” này được tạo ra khi dung nham nóng chảy lan trên một bề mặt ẩm ướt, chẳng hạn như chảy qua một đầm lầy, hồ hay ao và gây ra một vụ nổ hơi nước xuyên qua dung nham.
Khí nổ phá vỡ bề mặt nham thạch theo cách tương tự như một vụ phun trào nước ngầm và các mảnh vỡ bay tích tụ trong miệng núi lửa như một nét đặc biệt mà có thể xuất hiện rất giống với miệng núi lửa thực sự.
Ngoài các hòn đảo kỳ lạ, do lòng hồ lớn và tầm nhìn không hạn chế, mây vùng này lại ít hơn những nơi xung quanh đó có núi cao nên Mývatn là một nơi lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia đi săn Bắc cực quang. Vùng xung quanh dân cư thưa thớt, đêm đến ánh sáng đèn chiếu sáng gần như không có do đó ánh sáng cực quang tha hồ mà nhảy múa soi bóng xuống mặt hồ!
Do có ít thời gian nên chúng tôi chỉ dạo một vòng xung quanh hồ và tham quan nơi mà địa nhiệt còn phun trào là Námaskarð. Námaskarð nằm ở phía đông của núi Námafjall, một trong những mỏ lưu huỳnh lớn nhất Iceland. Sản phẩm du lịch nổi tiếng nhất ở đây là tắm trong các hồ khoáng hay tắm hơi từ những vòi hơi từ nguồn địa nhiệt.
Tắm xong, chúng tôi được gợi ý nên thưởng thức món bánh mì được nướng với hơi nóng địa nhiệt tên gọi Hverabrauð có mùi hương khói khác biệt. Loại bánh mì này được ủ và làm trong 24 tiếng, bán tại quán cà phê Borgi ở Dimmuborgir. Có lẽ đã quen dần với mùi lưu huỳnh nên ai nấy đều thấy bánh mì tuy hơi… thum thủm nhưng cũng khá ngon!
Những điều kỳ lạ ở Iceland 1
Sắc màu đời sống Iceland tại phố cảng Akureyri
Cách hồ Mývatn hơn 90 km, thành phố cảng Akureyri là nơi dừng chân tiếp theo của chúng tôi. Thành phố lớn thứ nhì Iceland này chỉ có vài chục tòa nhà không cao quá 4 tầng và đường phố cũng thưa thớt người. Du khách đến Akureyri chủ yếu để lên tàu đi xem cá voi và xem các vịnh biển Bắc cực hiểm trở.
Tuy vậy, khu phố cổ cũng giữ chân cả nhóm được một buổi nhờ sự độc đáo trong cách dùng vật liệu tôn nhiều màu sắc để ốp bọc quanh nhà. Tuy đây là vật liệu bình dân nhưng cách trang trí khéo léo của người dân Băng Đảo làm cho những ngôi nhà sống động, vui vẻ, nhất là trong những ngày mùa đông kéo dài khắc nghiệt.
Chúng tôi vào một nhà hàng nhỏ nhưng đông dân bản xứ để ăn tối. Thức ăn vùng này được đánh giá rất cao vì sự tươi ngon của hải sản và nét đặc trưng của văn hóa người Viking. Chủ quán đề nghị tôi dùng thử món thịt cá voi nướng với xốt mù tạt.
Từng miếng thịt cá voi được xắt mảnh nhưng sớ dai như thịt bò, quyện với xốt để tăng mùi vị ngầy ngậy. Đúng là một món ăn khó quên. Ngoài ra, Iceland còn nhiều món đặc sản khác như thịt trừu xông khói Hangikjöt, các loại cá biển tươi hoặc khô và súp hải sản. Món ăn truyền thống đêm Noel của người Iceland là món hầm từ cá mập.
Đặc sản nổi tiếng nhất phải kể đến cá mập lên men tên gọi hákarl. Thịt của loài cá mập có độc khi còn tươi, bởi vậy để ăn được người ta phải chôn chúng xuống đất trong vòng 6 - 12 tuần. Sau khi được chôn, phần lớn chất độc trong thịt cá sẽ phân giải thành amoniac. Món ăn này có vị cay và mùi của nó rất khủng khiếp, y như mùi thuốc uốn tóc.
Đa số du khách ăn hákarl chỉ để chứng tỏ sự gan dạ của mình, sau đó sẽ phải uống vội một ly Brennivin - loại rượu quen thuộc ở Iceland để át mùi. Món ăn thử thách chẳng kém là đầu cừu thui. Đầu cừu sẽ được chia làm đôi, thui cho cháy xém và sau đó đem luộc. Đầu bếp ở đây sẽ giữ nguyên mọi thứ từ lưỡi cho đến mắt để đáp ứng sở thích khác nhau của thực khách.
Đây là món ăn truyền thống phổ biến nhất ở Iceland và thật sự nếu có thể bỏ qua hình thức thì sẽ thấy phần đầu cừu chứa nhiều thịt ngon. Dễ ăn hơn một tí là blódmör, món dồi với nguyên liệu chính gồm huyết cừu, mỡ thận kết hợp với bột mì và yến mạch. Người ta thường luộc blódmör lên rồi đem chiên kỹ. Tuy nhiên, với nhiều người sành ăn, món ăn này khi để lạnh sẽ có hương vị ngon hơn rất nhiều.
Đến Iceland rồi, chúng tôi mới hiểu tại sao nơi đây thường nằm cuối danh sách những nơi nên đến trong đời. Không phải vì Băng Đảo ít hấp dẫn hay thời tiết quá khắc nghiệt mà bởi vì vùng đất này luôn quá nhiều điều kỳ lạ. Iceland mang lại ngạc nhiên cho bất kỳ ai, kể cả những du khách đã đi rất nhiều và tưởng khó có nơi nào còn làm mình bất ngờ đến sửng sốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.