Chiếc ghe trôi nổi trên dòng nước ở Sài Gòn là nhà, là tổ ấm của nhiều gia đình. Ngoài người nông dân, trong chiếc ghe ấy còn chứa đựng, vun vén những đứa trẻ. Số phận của chúng cũng lênh đênh, nổi trôi y như con nước: Vừa chập chờn, vừa dạt dào nhưng cũng đầy mãnh liệt.
Từ lâu, dọc các dòng sông, con kênh ở Sài Gòn đã xuất hiện nhiều thuyền bè neo đậu, ra vào tấp nập để chở chuối, dừa, cam… từ khắp các tỉnh miền Tây đổ về. Ghe là nhà, ăn ở và buôn bán, kiếm tiền mưu sinh của họ.
Cuộc sống nổi trôi, những đứa trẻ sinh ra cũng… trôi nổi theo. Còn ít tuổi quá thì ở lại với cha mẹ trên ghe, tập tành đến tuổi đi học thì được gửi gắm về với ông bà dưới quê.
Xa cha mẹ tìm con chữ, vậy là ở cái tuổi non nớt, chúng phải tập sống quên. Mấy ngày đầu hè, trời Sài Gòn dịu mát. Nhìn nụ cười, niềm hạnh phúc của đám trẻ khi rời quê, được lên Sài Gòn gặp cha mẹ như làm cho không khí càng mát mẻ, êm dịu thêm.
|
Cuộc sống tập quên
Tôi ghé thăm mối “ruột” của mình – anh chị tư bán trái cây, quê dưới Bến Tre trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Hôm nay, vợ chồng anh chị đón Hạ Vi, đứa con gái năm nay tròn 12 tuổi. Vừa mới nhận thưởng 10 cuốn vở tinh thơm mùi giấy, Hạ Vi liền xếp đồ rồi cùng người anh bà con đón xe đò lên Sài Gòn với cha mẹ.
Trên chiếc ghe xập xệ, anh tư dẫn tôi qua chiếc ghe “hàng xóm” kế bên ngồi trò chuyện. Chị vợ thì ngồi trên bờ bán trái cây.
Dáng Hạ Vi nhỏ nhắn, mảnh khảnh, học lớp 6 nhưng chỉ nặng 23 kg. Mới từ dưới quê lên nhưng con bé cứ nhảy nhảy, nói nói y như con sóc. “Con vui lắm chú. Từ nay con được… bán chuối giúp cha mẹ rồi!”. Con bé mừng mừng.
|
Anh tư tên thật là Nguyễn Văn Liêm. Bôn ba ở xứ Sài Gòn này từ lúc còn là chàng thanh niên mới 19, giờ đã 42 tuổi, một vợ và hai con.
Cuộc sống vốn lênh đênh, nổi trôi mấy chục năm nên quen. Hai đứa con, từ lúc mới sinh cũng yên giấc trên chiếc ghe chật chội, đầy muỗi và đong đưa theo từng con sóng dạt dào.
|
Tôi hỏi Hạ Vi dưới quê có đi học thêm không, con bé liền gằn giọng nói lúc trước thì có, được ít hôm bị đám bạn theo sau chọc suốt, rồi nó không dám bén mảng đến nhà cô học nữa.
“Con tả văn đó chú. Khi làm bài tập ở lớp, con tả lại cảnh cha mẹ con cực khổ bán chuối trên Sài Gòn. Đáng lẽ không ai biết, tại bạn lớp trưởng đi phát bài rồi… đọc lén. Thế là mấy ngày sau, đám bạn chuyền tai nhau cứ theo ghẹo, nói cái con bé bán chuối mà cũng đòi đi học thêm”. Ái ngại, Vi nói câu mất, câu được cho tôi và cha nó, cùng chú bạn ghe hàng xóm cùng nghe.
Tự nhiên ai nấy lặng thinh, cha con bé gải gải đầu nói: “Mày khùng quá, lần sau cứ nói cha mẹ kinh doanh vàng, hay buôn bất động sản trên Sài Gòn gì đó…”. Vừa nghe, tự nhiên đôi mắt con bé long lanh, rồi trả lời cha: “Ủa, hông lẽ buôn bất động sản trên dòng kênh… đầy ô nhiễm hả. Rồi lỡ người ta nghe kinh doanh vàng kêu mình cho cục vàng thì làm sao. Bán chuối thì bán chuối, có gì phải sợ”.
|
Nhìn từng túi rác to chảng mà người dân vừa vứt xuống dòng nước, trôi gần đụng mạn ghe, con bé khẳng khái: “Kỳ vừa rồi thi môn nào cũng 10, trừ mỗi môn văn là được 9 thôi. Con tự học đó, vừa khỏi bị ghẹo vừa đỡ tiền cho cha mẹ còn gì, tháng 400 ngàn chứ ít đâu”.
Con là tất cả
Trời chập choạng tối, bên mé sông trên đường Trần Sịnh Soạn, quận 7 cũng nhộn nhịp không kém. Những giỏ trái cây được người dân bày biện khá bắt mắt, từ cam, dừa, chuối, sa pô chê đều có. Dọc đường này cũng trên dưới mười mấy hai chục chiếc ghe neo đậu, bán trái cây.
|
Lan Anh năm nay 4 tuổi. Rời ghe, về dưới quê ở với ông bà nội được một năm nay để học mẫu giáo. Mỗi chiều Sài Gòn, Lan Anh cùng mấy đứa trẻ khác trong “xóm ghe ngụ cư” tụm năm, tụm ba ríu rít với nhau. Đồ chơi của tụi nhỏ là mấy trái dừa mà khách đã uống vứt lại.
Rồi trong không gian vài mét vuông, đám trẻ cứ thầm thì nhỏ to trên chiếc ghe chật hẹp, chơi trò gì đó chẳng ai mà đoán được.
Hai vợ chồng chị Hà miệt mài mưu sinh trên Sài Gòn. Nhà là ghe, cuộc sống vốn không ổn định nhưng con cái thì khác, phải được học hành ngon lành.
“Tui thường về quê lắm. Cỡ tháng mấy là về một lần hà, chứ nhớ chịu sao nổi. Phải lo cho nó được học hành đàng hoàng, chứ mai mốt nó cũng trôi nổi, bôn ba xứ người như mình sao đành được”. Chị Hà lo cho tương lai đứa con gái bé bỏng.
Cũng trên mảnh đất Sài Gòn, lại có một nơi khác còn khá trù phú về thiên nhiên. Cuộc sống của họ lên đênh trên sông đi đánh cá, bắt tôm cua và sống luôn trên ấy. Những đứa trẻ sống ở đó lại khác, luôn nhanh nhẹn và từ nhỏ, đã tập tành bơi lội, thuần thục nhiều loại sống dưới sông và rừng ngập mặn.
|
Bình luận (0)