Cha mẹ ly hôn: Những đứa trẻ sẽ lớn lên thế nào?

14/05/2016 14:05 GMT+7

Hẳn nếu là người trong cuộc, bạn sẽ lo lắng cho con mình nếu trẻ có ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân không thành của bố mẹ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này.

Trẻ nhanh chóng lấy lại tinh thần
Ly hôn ảnh hưởng đến hầu hết trẻ em trong thời gian ngắn, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng đứa trẻ nhanh chóng lấy lại tinh thần sau đó. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trẻ em gặp các vấn đề nghiêm trọng khi cha mẹ ly hôn.
Một nghiên cứu vào năm 2002 của nhà tâm lý học E. Mavis Hetherington và sinh viên Anne Mitchell Elmore, ở Trường ĐH Virginia (Mỹ), nhận thấy nhiều trẻ bị ảnh hưởng sau khi cha mẹ ly hôn chỉ trong thời gian ngắn, các ảnh hưởng như lo lắng, giận giữ, sốc hay mất niềm tin. Những phản ứng này ở trẻ thường mất đi hoặc giảm đáng kể sau khoảng 2 năm đầu. Chỉ có số ít trẻ phải chịu đựng lâu hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2001 của nhà xã hội học Paul R. Amato, ở Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ), cũng cho thấy sự khác biệt giữa trẻ có cha mẹ ly hôn và trẻ sống cùng cha mẹ, nhưng không đáng kể.
Khi đánh giá thành tích học tập, các vấn đề tình cảm, hành vi, mối quan hệ xã hội,... đối với những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đến tuổi thiếu niên, nghiên cứu này cho thấy không có sự khác biệt nhiều so với những đứa trẻ sống cùng cha mẹ. Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn vẫn học tốt, cư xử tốt,... khi đến tuổi vị thành niên.
Trẻ trưởng thành mới bị ảnh hưởng
Sự ảnh hưởng từ sự đổ vỡ của bố mẹ thường rõ rệt đối với những trẻ trưởng thành
Các vấn đề bắt đầu xuất hiện đối với những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn khi chúng trưởng thành.
Trong cuốn “The Unexpected Legacy of Divorce: A 25 Landmark Study”, do tác giả Judith Wallerstein, ở Trường ĐH California (Mỹ), cùng đồng nghiệp, xuất bản năm 2000, cho thấy hầu hết những người trưởng thành có cha mẹ ly hôn khi còn nhỏ đều gặp các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm hay gặp khó khăn với các mối quan hệ trong cuộc sống.
Hai nhà tâm lý học Joan B.Kelly đến từ Corte Madera (Mỹ) và Robert E. Emery, đến từ Trường ĐH Virginia, trong một bài báo năm 2003 đã kết luận, những người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ có xu hướng gặp khó khăn đối với các mối quan hệ. Như họ thường gặp khó khăn khi xây dựng và duy trì mối quan hệ thân thiết với ai đó khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn và ít thân thiết với cha mẹ hơn.
Dù vậy cũng có nghiên cứu lại cho rằng hầu hết trẻ có cha mẹ ly hôn sẽ có khả năng tự điều chỉnh tốt hơn khi lớn lên.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2002 với tựa đề “For Better or For Worse: Divorce Reconsidered”, đồng tác giả Hetherington và John Kelly nghiên cứu trong 25 năm về những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn và trẻ sống cùng cha mẹ. Họ nhận thấy có 25% người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ gặp các vấn đề nghiêm trọng về hòa nhập, tình cảm hay tâm lý. Trong khi con số này ở trẻ sống cùng cha mẹ là 10%.
Mối quan hệ của người trẻ với mẹ và các thành viên khác trong gia đình vẫn vậy hoặc cải thiện hơn sau khi cha mẹ ly hôn. Trong khi đó, mối quan hệ với cha họ lại trở nên xấu đi thấy rõ.
The Guardian
Và chỉ với con số khác biệt giữa 2 nhóm là 15%, nghiên cứu này cho thấy các vấn đề về tình cảm, tâm lý người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ với người trưởng thành sống cùng cha mẹ từ nhỏ không khác biệt là mấy.
Một khảo sát đăng ngày 22.11.2015 trên tờ The Guardian, của Phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), cho thấy mối quan hệ của người trẻ với mẹ và các thành viên khác trong gia đình vẫn vậy hoặc cải thiện hơn sau khi cha mẹ ly hôn. Trong khi đó, mối quan hệ với cha họ lại trở nên xấu đi thấy rõ.
Ly hôn sớm, con cái gặp vấn đề sức khỏe ở tuổi 50
Một nghiên cứu mới đây làm sáng tỏ những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn sẽ chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe.
Hai nhà xã hội học Jason Thomas ở Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) và Robin Hognas ở Trường ĐH Louisville (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu phân tích từ 15.000 người trưởng thành sinh năm 1958 ở Anh, Scotland và xứ Wales để nghiên cứu ảnh hưởng của việc cha mẹ ly hôn lên sức khỏe của con cái họ trong cuộc sống sau này.
Trẻ có khuynh hướng chống đối hoặc khó bảo lúc nhỏ nhưng khá hơn khi lớn lên
Nghiên cứu này xuất bản trên Tạp chí Longitudinal and Life Course Studies. Nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 7 tuổi trải qua thời gian cha mẹ ly hôn chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe hơn so với những đứa trẻ lớn hơn.
Hai nhà xã hội học khám phá ra rằng việc ly hôn của cha mẹ khi trẻ còn nhỏ có liên quan đến sức khỏe con cái ở tuổi 50 trở nên tệ hơn.
Việc cha mẹ ly hôn khi con còn nhỏ cũng liên quan đến sự phát triển về thể chất và gây ra các vấn đề về sức khỏe ở tuổi 50.
Việc cha mẹ ly hôn sớm cũng tạo nên những hành vi không mong muốn ở trẻ khi trưởng thành gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, ví dụ như trẻ hút thuốc lá. Bởi một người có cha mẹ ly hôn thường đối mặt với sự căng thẳng về tâm lý lẫn tình cảm khiến họ tìm đến việc hút thuốc.
Dù nghiên cứu này chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa các hành vi không mong muốn khi cha mẹ ly hôn thì 2 nhà xã hội học đã chứng minh rằng cha mẹ ly hôn sớm sẽ làm giảm hạnh phúc của con cái dù là sau vài chục năm nữa.
Ly hôn tốt hơn cãi nhau trước mặt trẻ
Trong cuốn sách tựa đề How to tell the kids của tác giả Vikki Stark, xuất bản vào năm 2015, phỏng vấn hơn 100 đứa trẻ và người lớn có cha mẹ ly hôn, cho thấy ly hôn không phải nguyên nhân chính khiến trẻ bị tổn thương nhiều nhất mà là xung đột giữa cha và mẹ trong thời gian dài.
Những phản ứng như khóc, giận giữ hay bị tổn thương được coi là bình thường ở trẻ sau khi cha mẹ ly hôn. Nhưng làm sao có thể làm giảm nguy cơ tổn thương cho trẻ?
Stank cho rằng trẻ cảm thấy được an ủi hơn khi biết cha mẹ chúng dù ly hôn nhưng vẫn hiểu và chấp nhận với cảm giác của chúng. Một điều rất quan trọng đối với trẻ là chúng phải được cảm thấy không cô đơn với những cảm xúc của mình. Bỏ qua cảm xúc của con cái trong gia đoạn này là lỗi cha mẹ thường mắc phải.
Một lời khuyên cho những người muốn ly hôn là nên thảo luận xem họ sẽ nói gì với con cái. Và tùy vào độ tuổi, họ sẽ phải giải thích lý do khiến họ phải ly hôn. Nhất là giải thích những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau ly hôn đối với cuộc sống của đứa trẻ. Sự trung thực của cha mẹ với con cái lúc này sẽ khiến trẻ ít bị tổn thương hơn khi chúng lớn lên. Trung thực nhưng cha mẹ tránh chê bai nhau trước mặt con cái.
Trên tất cả, trẻ vẫn cảm thấy tốt hơn khi cảm nhận được tình thương từ cha mẹ sau ly hôn.
Nhiều người khi chứng kiến cha mẹ ly hôn trong sự thân thiện, ít tranh cãi, và vẫn cảm nhận được tình thương từ cha mẹ chia sẻ rằng họ cảm thấy ổn dù cha mẹ ly hôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.