Sau khi ly hôn, bà Nguyễn Thị Lâm (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) đã phải theo
kiện tới 9 phiên tòa, 2 lần kháng nghị để đòi tài sản, mà vẫn chưa
xong.
Bà Lâm và con trai Trần Văn Hà - Ảnh: Phạm Đức |
Năm 1997, bà Nguyễn Thị Lâm và ông Trần Hải Hưng (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) quyết định “đường ai nấy đi” và được TAND H.Quỳ Hợp xét xử, chấp thuận cho ly hôn. Tòa cho ông Hưng được sở hữu tài sản trị giá 74,192 triệu đồng, bà Lâm sở hữu tài sản trị giá 21,795 triệu đồng. Bà Lâm không đồng ý với việc phân chia này vì hai vợ chồng bà còn 1 tài sản chung là 23 ha rừng keo nhưng Tòa không chia. Tháng 3.1998, TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm, tuyên hủy phần chia tài sản, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại.
Lần này, bà Lâm yêu cầu tòa sơ thẩm xem xét phần tài sản còn “bỏ sót” này, nhưng Tòa trả lời keo còn nhỏ, chưa có cơ sở để định giá nên không xem xét để chia tài sản. Sau đó, TAND tỉnh Nghệ An lại đưa vụ án chia tài sản sau ly hôn ra xét xử phúc thẩm, nhưng cũng không xem xét 23 ha rừng keo theo yêu cầu của bà Lâm. Bà Lâm phải làm đơn ra Tòa Tối cao tại Hà Nội để rồi sau đó nhận được câu trả lời: “không đủ căn cứ để xem xét”.
Năm 2002, bà Lâm làm đơn khởi kiện ra TAND H.Quỳ Hợp, yêu cầu chia 23 ha rừng keo cho bà. Tuy nhiên, TAND H.Quỳ Hợp trả lời “không đủ cơ sở để xém xét”. Sau nhiều năm đi “kêu” khắp nơi, năm 2007, TAND H.Quỳ Hợp thụ lý đơn của bà Lâm nhưng sau đó lại ra quyết định đình chỉ vụ án. Bà Lâm khởi kiện lên TAND tỉnh Nghệ An và Tòa này đã ra quyết định hủy quyết định đình chỉ vụ án của TAND H.Quỳ Hợp, chuyển hồ sơ cho TAND H.Quỳ Hợp tiếp tục giải quyết vụ án. Ngày 24.8.2010, TAND H.Quỳ Hợp đưa vụ án ra xét xử nhưng chỉ công nhận 7,8 ha rừng là có keo, trị giá 222,997 triệu đồng, trong đó ông Hưng được hưởng 194,997 triệu đồng, bà Lâm hưởng 28 triệu đồng.
Bà Lâm lại kháng cáo vì cho rằng diện tích rừng keo chỉ có 7,8 ha là không đúng, việc định giá không khách quan và yêu cầu phải chia cho bà 50 % số tài sản này. Ông Hưng cũng kháng cáo, cho rằng đây là tài sản riêng của ông nên bà Lâm không được hưởng.
Giá trị tài sản mỗi lúc 1 kiểu
Ngày 29.3.2011, TAND Nghệ An xử phúc thẩm, tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Hưng, chấp nhận một phần kháng cáo của bà Lâm. Tòa định giá tài sản rừng keo trị giá hơn 1 tỉ đồng; trong đó ông Hưng được hưởng 623,2 triệu đồng, bà Lâm hưởng 415,5 triệu đồng. Ông Hưng sau đó kháng cáo vì cho rằng, bà Đặng Thị Hoa, vợ sau của ông có công chăm sóc rừng từ năm 1999 đến thời điểm tòa định giá tài sản, nên bà Hoa cũng phải được hưởng quyền lợi. Ngày 26.3.2014, Tòa Dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo quyết định kháng nghị của TAND Tối cao, tuyên hủy bản án của TAND tỉnh Nghệ An và của H.Quỳ Hợp vì không đưa bà Hoa vào để xem xét giải quyết là “thiếu sót, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hoa, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Cuối tháng 4.2015, TAND H.Quỳ Hợp lại đưa vụ án này ra xét xử và tuyên: khu rừng keo có giá trị 468 triệu đồng, trừ tiền phải nộp cho lâm trường gần 140 triệu đồng, còn lại ông Hưng được hưởng 243,75 triệu đồng, bà Lâm hưởng 35 triệu đồng, bà Hoa hưởng 50 triệu đồng. Viện KSND tỉnh Nghệ An sau đó ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm này vì “chưa chính xác và vi phạm trong việc định giá tài sản”, yêu cầu TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm đúng trình tự.
Cuối tháng 9.2015, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục xử phúc thẩm vụ án này, công nhận giá trị tài sản chung của rừng keo để chia là 610,132 triệu đồng, trong đó bà Lâm được hưởng 203,377 triệu đồng, phần còn lại là của ông Hưng và bà Hoa. Tuy nhiên, bà Lâm tiếp tục gửi đơn kháng án vì cho rằng, tòa tính giá của rừng keo quá thấp, gây thiệt thòi cho bà, việc chia tiền công chăm sóc cho bà Hoa là không đúng vì bà Hoa không chăm sóc rừng.
Bà Lâm cho biết, 18 năm qua, bà đã quá khổ sở để đi đòi công bằng cho mình. Có thời điểm, tòa bác đơn, không xử nữa, bà lặn lội ra Hà Nội gõ cửa cơ quan công quyền nhưng cũng bị từ chối. Thấy mình bị đối xử thiếu công bằng, bà tiếp tục làm đơn, kiên trì đi thưa kiện để hy vọng tòa phải xem xét lại. “Tôi đã kiệt sức. Sau khi chia tay, tôi một nách nuôi 2 con nhỏ, phải đi ở nhờ khắp nơi, làm thuê kiếm sống và đi đòi quyền lợi cho mình. Lẽ ra, việc phân chia tài sản này đã được xử xong từ lâu nhưng tòa xử không công bằng…”, bà Lâm than thở.
Bình luận (0)