Hào phóng phát vé số, rắc rối chuyện đòi tiền

28/12/2015 15:12 GMT+7

Hiện nay, phổ biến tình trạng “bạn nhậu” thường hào phóng vung tiền mua vé số rồi phát cho các “chiến hữu”. Không ít trường hợp bạn bè quay mặt, tranh chấp với nhau khi vé số trúng thưởng.

Hiện nay, phổ biến tình trạng “bạn nhậu” thường hào phóng vung tiền mua vé số rồi phát cho các “chiến hữu”. Không ít trường hợp bạn bè quay mặt, tranh chấp với nhau khi vé số trúng thưởng.

Từng có nhiều vụ tranh chấp xung quanh tờ vé số - Ảnh minh họaTừng có nhiều vụ tranh chấp xung quanh tờ vé số - Ảnh minh họa
Ngày 24.12, Thanh Niên có bài “Kiện đòi bạn nhậu 2 tờ vé số đặc biệt” liên quan đến việc anh Nguyễn Hoàng Tuấn (26 tuổi, ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) gửi đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Bạc Liêu đề nghị buộc… bạn nhậu phải trả lại 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt .
Anh Tuấn trình bày, ngày 6.10, trong lúc nhậu với 5 người bạn, anh mua 5 tờ vé số loại 10.000 đồng/tờ, do Công ty xổ số Bạc Liêu phát hành, mở thưởng cùng ngày. Mua xong, anh đưa anh Lâm Văn Vui (ngụ cùng địa phương, nhậu chung) giữ giùm. Nào ngờ, 2 trong 5 tờ vé số trúng giải đặc biệt với tổng giá trị giải thưởng 3 tỉ đồng. Anh Tuấn yêu cầu anh Vui trả số tiền đã trúng số. Ngược lại, anh Vui không đồng ý trả lại tiền trúng số vì cho rằng vé số đó là anh Tuấn cho Vui.
Tùy giao dịch để xử lý
Theo thạc sĩ Huỳnh Văn Út, thẩm phán TAND TP.Cà Mau, để giải quyết những tranh chấp như trên phải lấy và phụ thuộc vào lời khai của các nhân chứng. “Nếu những người trực tiếp chứng kiến sự việc đều thừa nhận anh Tuấn là người bỏ tiền ra mua, đưa Vui giữ giùm thì chủ sở hữu của tờ vé số là anh Tuấn... Ngược lại, có sự thống nhất lời khai anh Tuấn mua nhưng đã cho anh Vui thì quyền sở hữu tờ vé số lúc này là của anh Vui.
Cũng theo thạc sĩ Út, người Việt có tập quán, tập tục khi nhậu, cà phê với nhau thường hào phóng mua vé số rồi chia cho mỗi người vài tờ.
“Thực tế, thời điểm “phát” vé số, người mua nói rằng “cho anh em” thì người được cho, nếu trúng được hưởng trọn bộ. Nếu người mua “gửi” để bạn “giữ giùm” thì đây là hình thức gửi giữ tài sản bằng miệng (có người làm chứng) và theo quy định pháp luật, tiền trúng số phải thuộc về người bỏ tiền ra mua nếu hai bên không có thỏa thuận gì”, thạc sĩ Út nói.
Tiến sĩ Lê Minh Hùng (trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết sẽ có 3 hướng giải quyết cho những tranh chấp tương tự, rằng ưu tiên giải quyết khi có bằng chứng chứng minh bản chất của quan hệ đó là quan hệ gì. Nếu kết quả chứng minh mua xong gửi giữ thì phải trả lại cho người mua hoặc dù mua nhưng cho rồi thì bên nhận có quyền sở hữu tờ vé số.
Ngoài ra, theo TS Hùng, khi không chứng minh được thực chất là giao dịch gì thì xử theo tập quán địa phương. Nếu ngôn ngữ lời nói trong giao dịch không rõ ràng thì giải thích theo cách hiểu của người dân địa phương đó. Tập quán của những người bạn bè ngồi uống cà phê, nhậu nhẹt với nhau thông thường khi mua phát cho mỗi người một tờ được hiểu là "mua cho"” mua xong tặng riêng một ai trước bàn nhậu phải tuyên bố rõ ràng. Còn đưa cầm giùm và không ai nghe "cho riêng" thì là gửi giữ tài sản.
“Không chứng minh được cho riêng hay gửi giữ tài sản bằng miệng, giải thích tập quán cũng không xong thì có thể xét xử theo hướng tiền lệ của Nhật Bản khi các bên tranh chấp quyền sở hữu. Theo đó, không xác định được và không ai chứng minh được một cách thuyết phục là của ai thì tòa án sẽ chia đôi tài sản. Đó là cách giải quyết hợp tình người, dễ chấp nhận, không tạo ra sự xung đột thái quá về tâm lý, xã hội và tinh thần”, TS Hùng nói.
Năm 2011, chị Nguyễn Thị Lành (H.Bến Lức, Long An) bán thiếu “bằng miệng” cho anh Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) 20 tờ vé số. Sau khi dò thấy 20 tờ vé số này trúng thưởng, chị Lành lập tức gọi điện cho anh Tuấn nói “anh mang 200.000 đồng tới quán cà phê trả cho tui đi. Mấy tờ vé số anh mua trúng độc đắc rồi nè”. Tưởng chị Lành nói đùa, nhưng sau khi ra quán cà phê, anh Tuấn mới biết chuyện trúng thiệt. Chia vui cùng mọi người trong quán một lúc, để cảm ơn chị Lành, anh Tuấn đã rút một tờ vé số trúng kèm 200.000 đồng, nói: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.