Những mảnh đời ở trại phong bỏ hoang

02/12/2017 14:42 GMT+7

Những bệnh nhân trong căn phòng rêu phong, ủ dột, xung quanh là cây hoang, cỏ dại... ở trại phong Đá Bạc như nằm bên lề xã hội.

Trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) được thành lập từ năm 1968. Tới năm 2013, bắt nguồn từ chủ trương di dời về cơ sở mới ở xã Đông Yên, H.Quốc Oai (TP.Hà Nội), trại bắt đầu bị bỏ hoang. Cũng từ đây, trại thành nơi nương nhờ của 10 bệnh nhân xin ở lại, bởi họ đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với nơi này, bất chấp khó khăn gian khổ.
Sống với 700.000 đồng mỗi tháng

Cụ Liên kể, cuộc sống những người còn ở lại Đá Bạc thường xoay quanh 700.000 đồng tiền trợ cấp của nhà nước. Mỗi tháng, cụ thường mua 15 kg gạo hết khoảng 150.000 đồng. Mỗi bữa, cụ nấu nửa bát gạo rồi ăn cả ngày. Mỗi tháng, chi khoảng 100.000 đồng mua thực phẩm, số tiền còn lại dùng vào việc mua thuốc men và trang trải sinh hoạt cá nhân. Thiếu thốn, cuộc sống khó khăn, các cụ đều phải tự trồng rau ở khoảnh vườn nhỏ, nuôi gia cầm... và sống nhờ lòng hảo tâm.


Đường dẫn vào trại phong Đá Bạc nằm dưới ngọn núi Chân Chim hun hút, xung quanh toàn cây rừng, phải đi qua khu nghĩa địa âm u, cô tịch. Ẩn sau những lùm cây dại cao vút đầu người, 3 dãy nhà cấp 4 của trại phong hiện ra hoang tàn.
Vậy mà nhiều năm trước, 3 dãy nhà kia còn là khu điều trị cho hàng chục bệnh nhân phong. Lúc cao điểm, số bệnh nhân lên tới 150 người.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng chỉ hơn chục mét vuông, tuềnh toàng, cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, quê ở H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) vui mừng lắm. Cụ bảo, trại thi thoảng mới có người lui tới, nên hễ có ai tới là quý lắm.
Cụ Liên cho hay, cụ vào trại này năm 24 tuổi, giờ đã bước sang tuổi 81, tính ra cũng hơn nửa thế kỷ gắn bó. Hơn 4 năm trước, khi nhận được thông báo trại phong Đá Bạc chuyển về cơ sở mới, cụ buồn bã cả tuần. Qua nhiều ngày suy nghĩ, cụ quyết định bám trụ lại Đá Bạc.
Trong số những người ở lại với Đá Bạc đến nay, còn có cụ Nguyễn Thị Sợi (76 tuổi, quê ở H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), cùng cụ Liên là hai bệnh nhân đến trại từ những ngày đầu mới thành lập. Trong tiềm thức của cụ Sợi, hồi đó xã hội còn kỳ thị với những người mắc bệnh phong, dân gian thường gọi với cái tên ghẻ lạnh: “hủi”.
Họ không dám tiếp xúc, không lại gần và càng không dám sống chung do sợ lây. Những người như cụ Liên, cụ Sợi và nhiều người khác bị xa lánh, hắt hủi. Cụ Sợi bảo, có không ít bệnh nhân phong, do không thể vượt qua được mặc cảm với người đời, nỗi đau thể xác, đã phải tìm tới cái chết.

tin liên quan

Chuyện 'nhường chồng, kiếm con' kỳ lạ ở Hồ Xá
Tại quầy hàng rau quả chợ Hồ Xá có một người phụ nữ, dù không còn trẻ nhưng khuôn mặt vẫn phảng phất nét xuân sắc, mặn mà của thời con gái. Đằng sau đó là cả một câu chuyện kỳ lạ không ngờ tới...
Hỏi vợ cho chồng
 Cụ Sợi vẫn nhớ như in, hồi mới vào Đá Bạc có quen và đem lòng nhung nhớ một người con trai quê lụa Hà Tây. Người đó thường giúp cụ mỗi khi cơn đau tới, còn cụ thì chăm sóc người đó những lúc trái gió, trở trời. Rồi hai người quyết định cưới nhau, xây dựng tương lai ở mảnh đất chỉ toàn đá ong, rừng hoang và nghĩa địa. “Sau đó, tôi sinh được một đứa con gái. Đứa con không chỉ là hạnh phúc cá nhân tôi, mà là ánh lửa hy vọng của cả trăm người ở trại phong Đá Bạc”, cụ Sợi cười nhớ lại.
Bữa cơm của các cụ ở Đá Bạc thật đạm bạc Ảnh: Hà An
Sau vài năm chung sống, gia đình cụ bước vào những tháng ngày dằn vặt, day dứt khi gia đình chồng cụ Sợi bắt chồng cụ phải về quê lấy vợ, bởi họ không thể chấp nhận có con dâu bị hủi. Cuộc đấu tranh giữa ở lại và ra đi khiến tâm trí ông rối bời. Đúng lúc đó, cụ Sợi đi đến quyết định táo bạo: hỏi vợ cho chồng.
Để thực hiện việc này, cụ đêm ngày khuyên chồng nên về quê báo hiếu cha mẹ. Ban đầu chồng không nghe, cụ Sợi liền phân tích đạo nghĩa trước sau. Cuối cùng, chồng cụ cũng nghe lời vợ. Ngày trở về, cụ Sợi cũng về theo chồng cùng cơi trầu têm hình cánh phượng. Ở nhà, gia đình nhà chồng đã làm mối con trai mình với người con gái khác. Cụ Sợi đem theo cơi trầu cùng ông đi hỏi vợ, động viên ông hãy vẹn nghĩa đôi bên. Sau lễ hỏi vợ cho chồng, cụ Sợi trở về căn phòng nhỏ, úp mặt xuống giường khóc thâu đêm. “Tôi nghĩ, chia ly là đau đớn, nhưng tôi phải hy sinh để cuộc sống này tốt đẹp hơn”, cụ Sợi tâm sự.
Cụ Liên cũng kể, như bao thiếu nữ chốn thôn quê khác, tuổi thơ của cụ gắn liền với chăn trâu, cắt cỏ, ruộng đồng... Đến năm 14 tuổi, người con gái đang độ trăng tròn bỗng phát hiện những nốt mẩn đỏ, ngứa, sau đó cô được chẩn đoán mắc hủi. Cũng từ đó, cô thiếu nữ xinh đẹp như rơi vào địa ngục, người thân, họ hàng xa lánh. Thậm chí, có lúc, cô định khép lại cuộc đời bằng cách quyên sinh... Đến năm 19 tuổi, cô được đưa vào trại phong Quả Cảm ở Bắc Ninh.
Khi vào trại phong Quả Cảm, cô gái Liên lúc đó phải lòng người đàn ông cùng cảnh ngộ. Họ tổ chức đám cưới không người thân, không đón rước. “Chúng tôi lấy nhau xong thì trại bước vào đợt di tản lớn. Tôi phải chuyển vào trại phong ở Nghệ An, còn chồng thì ở lại trại Quả Cảm. Hồi đó, chiến tranh triền miên nên liên lạc giữa vợ chồng có những lúc gián đoạn đến mấy năm trời. Năm 1965, khi chiến tranh leo thang ra miền Bắc, trại phong ở Nghệ An cũng bị ném bom. Sau đó, chính quyền trả bệnh nhân về chỗ cũ lánh nạn. Vậy là tôi được đoàn tụ với chồng tại trại phong Quả Cảm sau 7 năm xa cách. Đến năm 1980 thì chuyển về trại phong Đá Bạc, rồi ở từ bấy đến nay”, cụ Liên nhớ lại.
Muốn gần con cháu
Cụ Liên lập gia đình từ hồi còn ở trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh. Khi con lên 7 tuổi, cụ cho con đi ở đợ một gia đình tốt bụng tại Sóc Sơn. Sau đó, chồng cụ cũng mất vì tuổi già và bệnh tật, cụ sống một mình, ngày đêm nhung nhớ đứa con rứt ruột đẻ ra. Nhưng thật may mắn, con trai của cụ vẫn thường xuyên vào thăm nom. Đến nay, con trai cụ đã lấy vợ, sinh con và muốn đón cụ về ở cùng. Nhưng cụ chưa muốn về.
“Người ta bảo, sống vô gia cư, chết vô địa táng. Tôi sẽ ở đây đến khi nào nhắm mắt xuôi tay. Anh em, họ hàng tôi không nhớ ai nữa. Có đứa con chăm ăn, chăm làm thế này là tôi mãn nguyện rồi. Chỉ mong chúng nó yên tâm làm ăn, nuôi dạy con cái nên người”, cụ Liên tâm sự.
Cụ Liên trong căn phòng trạm xá Đá Bạc Ảnh: Nam Anh
Giống như cụ Liên, cụ Sợi cũng sinh được một người con gái và theo gia đình nhà chồng. Thỉnh thoảng, chị vẫn vào thăm nom sức khỏe cụ. Nhưng cuộc sống con cái còn nhiều khó khăn, vợ chồng đều đi làm thuê nên cụ Sợi không muốn mình làm ảnh hưởng nhiều đến công việc của con. Cụ cũng muốn ở lại trại phong Đá Bạc đến khi nào nhắm mắt xuôi tay...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch xã Minh Phú (H.Sóc Sơn), cho biết phần lớn những người đang sống ở trại phong Đá Bạc đã có con cái, cũng sống tại địa phương. Họ muốn tuổi già sống gần bên con cháu chứ không di chuyển đến các trại khác. Năm 2013, nhà nước có kế hoạch giải tán trại phong Đá Bạc để làm doanh trại quân đội. Sau đó, các bệnh nhân phong được di chuyển đến trại phong Xuân Mai. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng doanh trại quân đội chưa được triển khai, cho nên vẫn còn 10 bệnh nhân ở lại trại cũ. Hiện, trại phong Đá Bạc cũng không có nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.