Những người miền Tây ăn tết với…'Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không'

Thanh Dũng
Thanh Dũng
07/02/2019 10:12 GMT+7

Ở miền Tây, có nhiều người dù không còn trẻ nữa nhưng vẫn giữ thói quen cứ tết đến lại mang bộ truyện tranh Tề Thiên đại thánh xuất bản từ hơn 50 năm trước ra đọc, như để nhớ về những cái Tết thời thơ ấu…

Bác sĩ Phan Huy Cường (đang công tác ở TP.Cần Thơ) cứ nghỉ tết lại lôi  bộ truyện tranh Tề Thiên đại thánh do NXB Buổi Sáng phát hành trong thập niên 60 ra xem lại từng trang một cách say sưa. Đây là bộ sách được giới yêu thích truyện tranh xem là sách quý, với nét vẽ tay hiếm hoi của thời xưa.

Một số tranh vẽ lão Trư trong Tề Thiên Buổi Sáng THANH DŨNG


Trong các nhân vật, Cường thích nhất nhân vật Trư Bát Giới bởi “nửa thần, nửa quỷ”, nhưng bản tính gần gũi với đời thực, là hình mẫu đại diện cho những ham muốn tầm thường và rất đời thường, như: ham ăn, tham của, nhát gan, ngốc nghếch, lười biếng, nhẹ dạ, mê gái…

Ông Cường nói các nét vẽ Bát Giới nhìn đơn giản nhưng phác họa đầy đủ chân tướng, trang phục Bát Giới mặc từ đầu tới cuối chỉ có cái áo thụng đen nhưng vẽ đủ cách nên nhìn không nhàm, tư thế Bát Giới cầm bồ cào 9 răng đánh với yêu quái cũng muôn hình muôn dạng, không hình nào trùng lắp nhau, mỗi nét vẽ đều bộc lộ được tính cách Bát Giới. Mặc khác, tuy là truyện tranh nhưng lời văn ví dỏm và thâm sâu, hợp với các lứa tuổi.

Ông Cường nói mỗi lần xem lão Trư lại nhớ về thời thơ ấu, nhớ lại thời đứa nào cũng bé xíu, ngồi quây quần nghe đọc truyện tranh này.  Hồi đó, ông nội bác sĩ Cường cũng hay kêu ông đi thuê sách Tề Thiên về đọc cho ông nội nghe trong mấy ngày tết.

Truyện tranh Tề Thiên đại thánh Buổi Sáng giờ trở thành hàng hiếm


Anh Nguyễn Lê Duy (35 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, An Giang) cứ hối tiếc hoài vì ngày xưa lỡ dại bán sách lão Trư để lấy tiền chơi game. Mười năm sau, tuổi chín chắn hơn, hối tiếc bộ sách xưa nên Duy cố săn lùng nhưng tới nay chưa được cuốn nào.

Quen mấy người bạn thân có bộ sách cổ này, Duy hỏi mượn đọc trong dịp ngày tết cho đỡ ghiền nhưng bị từ chối thẳng: “Sách đó hiếm lắm, có giận trách tôi làm hiểm tôi cũng không cho mượn”...

Truyện tranh liên quan đến lão Trư đã ra nhiều đầu sách nhưng ai đã đọc qua hình ảnh lão Trư của cuối thập niên 60 rồi thì dành trọn tình đầu cho bộ này và xem nó là bộ tranh kinh điển, là dấu ấn của tuổi thơ khi mong đến tết có được vài đồng lì xì để mua lão Trư đọc cho sướng.

Ngày xưa 1 cuốn lẻ (10 cuốn lẻ đóng thành 1 tập dày) giá 2 đồng, sau tăng lên 3 đồng, khá đắt đỏ đối với trẻ em ở chợ huyện.

Hơn 51 năm trôi qua, trang sách vẽ lão Trư đã ố vàng, giấy có chỗ rách tơi tả, chữ cũng mờ dần nhưng giá sách không ngừng tăng cao. Hiện 1 bộ sách đẹp giá trên 20 triệu đồng, còn lại tầm giá 7- 13 triệu đồng/bộ. Giá cao ngất nhưng tung lên có người mua liền, kể cũng lạ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.