Liệt sĩ trở về sau 39 năm ở Campuchia: Ăn Tết đoàn viên hạnh phúc

Phạm Đức
Phạm Đức
06/02/2019 13:02 GMT+7

Mấy chục năm lưu lạc xứ người, ông Phạm Văn Bình năm nào cũng làm mâm cơm để đón năm mới. Tết Kỷ Hợi này là cái tết đoàn viên đầu tiên của liệt sĩ "trở về sau 39 năm... hi sinh ở Campuchia" trên quê hương.

Sau 41 năm đằng đẵng lưu lạc xứ người (39 năm được công nhận liệt sĩ), ông Bình (65 tuổi, trú tại thôn Mỹ Thuận, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ được người thân tìm thấy vẫn còn sống thông qua mạng xã hội Facebook và đưa về nhà vào ngày 7.11.2018.

Tết Kỷ Hợi năm 2019, ông sẽ có một cái Tết đoàn viên đầu tiên bên người thân ruột thịt đúng nghĩa trên quê cha đất tổ.

Muốn về quê hương nhưng không có tiền

Ông Bình chính là nhân vật trong bài viết “Liệt sĩ trở về sau 39 năm… hi sinh ở Campuchia” đăng trên Thanh Niên Online vào ngày 8.11.2018, một ngày sau khi ông trở về nhà.

Ngày ông Bình trở về, có cả nụ cười và nước mắt người thân, bạn bè vì quá xúc động

Ông Bình lên đường nhập ngũ vào tháng 9.1977 và 1 tháng sau thì ông tham gia chiến dịch chiến đấu tại Campuchia, được phân vào đơn vị thông tin thuộc Đoàn 8, Quân Khu 9, đóng tại tỉnh Kampong Thom. Đầu năm 1979, khi đang trên đường đưa thông tin liên lạc từ Trung đoàn lên cho Sư đoàn, ông bị quân Pol Pot phục kích bắn bị thương. May mắn ông được dân bản ở huyện Baray (tỉnh Kampong Thom) đi rừng cứu sống. Kể từ đó, ông Bình mất toàn bộ giấy tờ tùy thân, hoàn toàn mất liên lạc với đồng đội và đơn vị. Hành trình lưu lạc của ông cũng bắt đầu.             

Ông Kể: “Sau khi được dân bản người Campuchia cứu sống và cưu mang một thời gian, tôi đã đi xin rất nhiều công việc để kiếm tiền. Tuy nhiên, biết mình không phải là dân bản địa, người dân bên đó dù thương tình cho mình vào làm nhưng trả tiền công rất thấp, chỉ đủ mua đồ ăn hằng ngày”. Đến năm 2004, ông Bình được một người phụ nữ lấy làm chồng và sinh sống tại một bản làng người dân tộc Khmer ở tỉnh Prey Veng, Campuchia.           
Về phía người thân, sau khi nhận giấy báo tử ghi: “Vào tháng 9.1977, ông Bình nhập ngũ vào đơn vị Đoàn 8, Quân khu 9, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Hi sinh ngày 21 tháng 2 năm 1979, trong trường hợp chiến đấu mất tin”, họ lập bàn thờ lo hương khói.

Hẳn mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao suốt thời gian dài như thế, ông Bình không sớm tìm đường trở về quê hương? Ông Bình trào nước mắt: “Tôi muốn trở về quê hương lắm nhưng… không có tiền”. 

Ông Bình thắp nhang cho bố mẹ đã khuất
Ông Bình chụp ảnh kỉ niệm cùng vợ và con gái trước khi chia tay về Việt Nam

Mãi đến tháng 10.2018, khi ông đang làm công nhân cho một công ty cao su do người Việt Nam làm chủ. Ông được chính giám đốc công ty này đăng tải thông tin tìm người thân cho ông trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó ông mới kết thúc hành trình lưu lạc của mình. Ngày trở về, bố mẹ và vợ chồng người anh trai duy nhất cũng đã mất. Người thân của ông chỉ còn lại những đứa cháu, con của anh trai.

Vẫn đón tết cổ truyền Việt Nam khi lưu lạc ở Campuchia

Ông Bình nói rằng ở đất nước Campuchia, Tết cổ truyền diễn ra vào 3 ngày 14, 15 và 16 của tháng 4 trong năm. Tiếng Campuchia gọi là “Chol Chnam Thmay”, nghĩa là vào năm mới. Trong 3 ngày đó, mỗi gia đình làm mâm cỗ, đội lên chùa dâng cho các vị sư để cầu bình an, mong mưa thuận gió hòa. Vào ngày cuối cùng thì lên chùa xin nước về để tắm gội, nhằm gột rửa những thiếu sót, lỗi lầm của năm cũ.

Hàng ngày, ông Bình phụ giúp vợ chồng người cháu các công việc vặt trong gia đình

“Ở chỗ tôi sinh sống, dân bản còn khó khăn lắm nên họ tổ chức ăn tết cũng rất đơn giản, mỗi gia đình chỉ làm mâm cơm đơn sơ để ăn với nhau. Đặc biệt, bên này họ không chúc tết, mừng tuổi nhau, không cúng bái tổ tiên tại nhà và không có các điều kiêng kỵ”, ông Bình nói.                                                                                       

Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông Bình và gia đình bên vợ hàng năm vẫn tổ chức đón Tết cổ truyền của Việt Nam vào ngày 1.1 âm lịch ngay tại Campuchia.

“Tôi đã kể cho vợ và gia đình bên vợ về các phong tục, tập quán và Tết cổ truyền ở Việt Nam. Nhờ vậy mà họ đã đồng ý cho tôi tổ chức ăn tết của người Việt. Năm nào cùng vậy, ngày đầu tiên của năm mới, tôi và gia đình bên vợ tụ họp nhau lại để gói bánh tét, làm mâm cơm và chúc nhau những điều tốt đẹp khi xuân sang”, ông Bình tâm sự.

Đón cái tết đoàn viên

Trở lại thăm ông Bình vào một ngày cuối năm, tôi thấy da dẻ ông bớt nhợt nhạt và dáng vóc của ông bớt tiều tụy hơn 2 tháng trước tôi gặp.

Bữa cơm sum vầy sau những tháng ngày lưu lạc

Kể từ ngày trở về, ông được vợ chồng người cháu, con trai đầu của anh trai chăm sóc. Đứng trước cây đào phai trồng trước nhà, ông Bình chăm chú ngắm nghía một vài bông hoa nở vội khi Tết chưa sang, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ.

Ông bảo: “Bữa giờ về nhà tôi được anh em họ hàng và bạn bè đến thăm hỏi liên tục. Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tôi rất háo hức khi lần đầu tiên được đón tết tại quê hương sau 41 năm xa cách".                                                                                   
Tôi hiểu sự háo hức của ông là như thế nào. Bởi vào 1976, khi vừa tròn 22 tuổi là lần cuối cùng ông được đón tết cùng với gia đình để năm sau lên đường nhập ngũ. Hồi đó, dù hoàn cảnh của gia đình và người dân vô cùng thiếu thốn, nhưng dịp tết đến xuân về, gia đình nào cũng tổ chức gói bánh chưng, bánh tét và mổ con heo chia nhau. Những ngày đầu năm mới, ông cùng những thanh niên và thiếu nữ trong thôn rủ nhau đi chơi suốt 3 ngày mới về nhà. Đi đến đâu, mọi người đều mừng tuổi, chúc tết, vui không thể nào tả hết.

Trong thời gian mà ông lưu lạc, những ký ức đó vẫn luôn ào về vào những ngày đầu năm mới. Đặc biệt là khi người dân Campuchia ăn Tết cổ truyền.

Ông Bình vui vẻ cho hay năm nay ông đã mua vài bộ áo quần mới để sum vầy bên con cháu trong ngày tết. Còn đối với các cháu ông, họ cho biết tết năm nay tổ chức lớn hơn, để ăn mừng niềm vui “hội ngộ” vì đã tìm được người chú sau bao năm thất lạc. 
[VIDEO] Liệt sĩ trở về sau 39 năm hi sinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.