Những người 'vô hình' - Kỳ 3: Tâm si đa, nửa thế kỷ 'tôi đi tìm tôi'

28/12/2017 09:12 GMT+7

Ít ai biết cho đến lúc sắp bước vào tuổi 62, nhờ một “phép màu” bất ngờ, bà Trương Thị Hồng Tâm (tác giả hồi ký Tâm si đa Vượt lên cái chết ) mới có thể chạm vào chiếc thẻ căn cước công dân của mình.

“Không biết mình... là người nước nào !”
Trong đơn gửi cơ quan chức năng xin làm thẻ căn cước công dân, bà Tâm viết: “Năm 1966, ba mẹ đều lập gia đình riêng. Do không sống được với ba và mẹ kế, nên tôi bỏ nhà đi tìm mẹ ruột. Kể từ đó, tôi sống không chồng con, lang thang ngoài công viên, nhà lồng chợ, vỉa hè, gầm cầu...”. Còn trong hồi ký Tâm si đa Vượt lên cái chết, bà Tâm kể về tuổi thơ của mình lăn lóc chốn bụi đời rồi bị trượt dài với chuỗi ngày nghiện ngập, trộm cắp, làm gái mại dâm.
[VIDEO] Điều ước của má Tâm "si-đa"
Hàng chục năm qua, sau khi đã hoàn lương, bà Tâm tận tình cảm hóa những người đồng cảnh, chăm sóc nhiều bệnh nhân AIDS, tham gia nuôi dạy nhiều lứa trẻ mồ côi, trẻ đường phố, trẻ nhiễm HIV...
Tuy nhiên, bà Tâm nhìn nhận hành trình làm lại cuộc đời của bà đầy gian truân. Không có chứng minh nhân dân (CMND), bà khó lòng xin được việc làm nếu không có người đứng ra giới thiệu, bảo lãnh. Bà cũng không thể đi tàu lửa, máy bay hay thuê nhà trọ theo cách bình thường như bao nhiêu người khác. Những lúc đau ốm, bà “không dám” đến bệnh viện điều trị vì không có bảo hiểm y tế (BHYT). Thậm chí, khi dành dụm mua được chiếc xe gắn máy cà tàng, bà cũng phải nhờ người khác đứng tên.
“Nhiều khi rất tủi thân bởi mình cũng là người dân VN, ăn cơm VN, uống nước VN, nói tiếng VN, ở trên đất nước VN, nhưng không có cái gì công nhận mình là công dân VN. Riết rồi mình không biết mình đang ở nước nào nữa! Mình đã cố gắng sống tốt, lôi kéo được biết bao nhiêu con người trở về con đường sáng, làm giảm phần nào gánh nặng cho xã hội, nhưng thân phận mình chẳng khác gì một kẻ vô thừa nhận”, bà Tâm chua xót.
Những người 'vô hình': Nửa thế kỷ 'tôi đi tìm tôi'1
Sau hàng chục năm trời mòn mỏi chờ đợi, bà Trương Thị Hồng Tâm (Tâm si đa) nay đã có giấy tờ tùy thân Ảnh: Ngọc Dương
Những người 'vô hình': Nửa thế kỷ 'tôi đi tìm tôi'2
“Tâm si đa” không giấu giếm rằng có những lúc chán nản, bà gồng mình tự đấu tranh với những câu hỏi như chực chờ sẵn trong đầu: Mình sống tốt để làm gì? Hay là mình quay lại đường cũ?... Rồi những khi đi tiếp cận, động viên những người lầm lỡ, họ “chất vấn” lại khiến bà lúng túng: “Bà làm nhiều việc tốt, được đài này báo kia mời phỏng vấn mà đợi hoài còn chưa có giấy tờ. Tụi tui là thành phần bất hảo, sao dám mơ ước người ta cấp cho?”.
“Phép màu” xuất hiện

Nhiều khi rất tủi thân bởi mình cũng là người dân VN, ăn cơm VN, uống nước VN, nói tiếng VN, ở trên đất nước VN, nhưng không có cái gì công nhận mình là công dân VN

Bà Trương Thị Hồng Tâm

Sau nhiều năm đằng đẵng gửi đơn đến nhiều nơi xin làm giấy tờ tùy thân, mãi đến năm 2008, bà Tâm mới được trích lục giấy khai sinh tại Q.2, TP.HCM.
Lần đầu tiên cầm bản sao khai sinh do cơ quan nhà nước cấp, có ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh của mình, bà Tâm mừng còn hơn trúng số độc đắc. Bà ngỡ từ đây đến ngày cầm được CMND sẽ không còn bao xa nữa, nhưng...
“Đã có rất nhiều người hứa giúp tôi làm CMND nhưng không thành. Hồi tôi ra mắt quyển hồi ký Tâm si đa Vượt lên cái chết năm 2012, một nhà báo là trung tá công an hứa giúp tôi có được CMND trong vòng 1 tháng. Sau đó tôi có gọi điện mấy lần, ảnh đều bảo là đang chờ xác minh”, bà Tâm kể.
Đến tháng 6.2017, bà Tâm “gõ cửa” Báo Thanh Niên. Trước tình cảnh bế tắc của bà, một số PV của báo, trong đó có PV Đình Phú đã vào cuộc hỗ trợ bà Tâm.
Theo PV Đình Phú, quy trình làm giấy tờ cho bà Tâm như sau: Muốn làm được căn cước công dân thì phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu phải có nhà ở và đăng ký tạm trú. Để làm thủ tục đăng ký tạm trú thì cần phải có giấy CMND - cái mà bấy lâu nay bà Tâm muốn có nhưng đành “bó tay”!
Lúc 10 giờ 30 ngày 28.12, tại hội trường Báo Thanh Niên, chương trình Chạm vào ước mơ - Điều ước của Tâm si đa sẽ phát trực tiếp trên thanhnien.vn, YouTube, trang Facebook Báo Thanh Niên.
Chỉ với “tài sản” duy nhất là bản sao giấy khai sinh bà Tâm đưa, PV Đình Phú đã liên hệ nhiều nơi để từng bước tháo gỡ vướng mắc cho bà Tâm. Cạnh đó, anh làm thủ tục cho bà mượn nhà anh (P.An Phú, Q.2) để ở...
Và điều kỳ diệu đã, đang đến với Tâm “si đa”: Ngày 19.10.2017, bà Tâm đã có sổ hộ khẩu riêng theo hình thức tách hộ cùng số nhà. Tiếp đó, bà nhận được giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân vào chiều 28.12.2017.
Vừa mừng vừa hồi hộp, bà Tâm trải lòng: “Nếu không có sự hỗ trợ của Báo Thanh Niên và các cơ quan ở Q.2, tôi không biết đến bao giờ mới có được giấy tờ tùy thân. Cho nên tôi ao ước nhà nước rà soát lại, tạo điều kiện cho những người như tôi còn có con đường để phấn đấu, để thấy rằng nếu mình tu tâm sống tốt, thì sẽ có được giấy tờ. Phải có giấy tờ mới mong có công ăn việc làm đàng hoàng và ổn định cuộc sống, như vậy tệ nạn cũng sẽ bớt đi”.
Có thể tháo gỡ được, nếu...
Những người 'vô hình': Nửa thế kỷ 'tôi đi tìm tôi' 4
Bị thoái hóa khớp không đi được nhưng mỗi ngày bà Trà bốn bận bò lết gần 400 bậc thang để bán vé số Ảnh: Như Lịch
Khu vực hành lang sát cầu thang lầu 4, lô 8, cư xá Thanh Đa (P. 27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hàng chục năm nay đã trở thành nơi trú ngụ của vợ chồng ông Hồ Đắc Tá (75 tuổi) và bà Dương Thị Trà (68 tuổi), quê ở H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện ông bà bán vé số kiếm sống và có hoàn cảnh đáng thương: Tất cả năm người con đều qua đời, ông bà bệnh tật liên miên, không có giấy tờ tùy thân... Năm 2015, chúng tôi từng phản ánh tình trạng suốt nhiều năm liền, ông bà mong muốn có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh nhưng không thể có được, bởi không đăng ký được tạm trú, không có CMND. Sau đó, chúng tôi hay tin: từ tháng 8.2016, ông bà đã có được BHYT (kinh phí mua BHYT của bà Trà được Ban Công tác Mặt trận KP.2 vận động người dân hỗ trợ). “Kỳ công” này có sự đóng góp lớn của ông Nguyễn Văn Dậu, Tổ trưởng tổ 14, KP.2, P.27 và sự linh hoạt giải quyết của lãnh đạo P.27, Q.Bình Thạnh.
Ông Dậu kể: “Trước đó, tui đưa chuyện ông bà bị bệnh, cần thẻ BHYT ra khu phố nhưng không giải quyết được. Tui đi gặp Chủ tịch UBND P.27 và trình bày hoàn cảnh ông bà. Chủ tịch phường hướng dẫn tui qua nhờ công an phường chứng cho ông bà một giấy tạm trú dài hạn từ hồi đó đến giờ. Có giấy xác nhận tạm trú rồi, tui qua mua BHYT nhưng người ta đòi phải có CMND của ông bà thì mới bán, với lý do là khi đi khám bệnh, giấy tờ đâu ông bà trình ra để chứng minh thẻ bảo hiểm đó là của mình? Tui đi gặp người phụ trách hội người cao tuổi trong phường, nhờ làm cho ông bà giấy chứng nhận hội viên có dán hình ông bà và mộc đỏ của hội. Nhờ đó, họ mới tạm chấp nhận”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.