Nỗi buồn ở làng Kte

12/02/2017 09:08 GMT+7

Nghe chúng tôi nói “Ngồi yên, mình chụp hình nhé!”, Đinh Mích khóc òa. “Nó bị mù vì uống rượu đấy”, một người ở làng Kte, xã Đăk Sông, H.Kon Chro (Gia Lai), giải thích.

Đinh Mích ngồi lặng lẽ một mình, run cầm cập. Bên cạnh là cái gậy, vật bất ly thân. Thấy chúng tôi nhìn với vẻ tò mò, những thanh niên gần đó cười rộ, một người trong số đó giải thích: “Nó vừa tắm xong lạnh quá nên ngồi phơi nắng cho ấm. Năm ngoái nó uống rượu nhiều quá nên bị mù...”.
Làng Kte nghèo, nhưng nhiều thanh niên cứ uống rượu đến mềm môi Ảnh: Trần Hiếu
Mù lòa bởi rượu
Đó là hậu quả sau trận rượu chí tử của Mích và 5 anh em họ. Sau trận rượu từ sáng đến chiều tối, tất cả 6 người phải đi cấp cứu vì ngộ độc rượu, một người trong nhóm tử vong. Còn Mích lâm vào tình trạng nguy kịch. Giữ được mạng sống, nhưng Mích vĩnh viễn không nhìn thấy nữa. Sau tai họa đó, Mích chỉ quanh quẩn ở nhà, người gầy xọp.

tin liên quan

Ma men tự kể: Nhậu thay... ăn
Không chỉ có bệnh nhân xơ gan, viêm gan cấp do hậu quả nhậu triền miên mà bệnh nhân viêm tụy cấp do bia rượu cũng ồ ạt nhập viện.
Đinh Hơng, một thanh niên trong làng, cũng bị mù như Mích. Ngồi bên hông cửa nhà sàn lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, Hơng lên tiếng: “Mình mù sau thằng Mích không lâu. Lần đó không nhớ uống rượu nhân dịp gì nhưng làng mình có tới 4 người chết, còn mình thì không nhìn thấy gì nữa”. Đôi mắt nâu thẫm, trong veo rất đẹp của Hơng bất động khi nhắc lại chuyện cũ. Chưa đến tuổi 30, nhưng cả Hơng và Mích trông như những người ngoài 40 tuổi.
Già làng Blin thở dài khi có người khơi lại chuyện buồn của làng: “Từ ngày dân mấy làng quanh đây không uống rượu cần mà chuyển qua uống rượu nấu, có nhiều người bị mù, bị chết. Trước đây uống rượu cần do phụ nữ tự làm thì đâu có xảy ra chuyện gì, say hôm nay, mai vẫn đi rẫy được!".
Già Blin cho biết, từ ngày xảy ra những cái chết thương tâm, dân làng ít uống rượu hẳn. Nhất là khi nghe tin ở những xã lân cận cũng có những trường hợp tương tự do uống “rượu có chất độc” (thực ra là rượu có chất methanol cao gấp nhiều lần cho phép - PV) được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng làng thì người ta mới bắt đầu sợ rượu. Còn Hơng, Mích thì chừa rượu hẳn. Tuy vậy, vẫn có những thanh niên ham vui, vẫn mua rượu về uống đến mềm môi trong những cuộc vui. Già Blin thở dài: “Đám trẻ mà cứ uống rượu kiểu này thì hư hết, lấy ai đi làm”.
Bác sĩ Phan Văn Chơi, Giám đốc Trung tâm y tế H.Kon Chro, cho biết: “Chúng tôi thường cấp cứu những trường hợp uống rượu, nhất là trong những mùa lễ hội của người bản địa, họ uống suốt ngày đêm. Đã có trường hợp vì ngộ độc rượu dẫn đến mù mắt. Những trường hợp bị ngộ độc sau khi uống rượu phải vào cấp cứu chủ yếu là do ngộ độc methanol có trong rượu. Nếu rượu pha từ cồn công nghiệp thì lượng methanol rất cao, chất này vào cơ thể sẽ rất nguy hại thần kinh, làm võng mạc bị tổn thương gây mù lòa. Phải tuyên truyền để họ bớt uống đi, hại lắm!”.
Vẫn chưa quen với việc bỗng nhiên không nhìn thấy gì nữa, Hơng chẳng dám đi đâu, đôi chân nhiều khi phát cuồng. Giờ thì cả ngày Hơng chỉ quanh quẩn ở nhà trông đứa con hơn hai tuổi để vợ và bố mẹ đi rẫy. “Cái xe mình để gỉ sét cả ra vì ngoài mình ra, cả nhà không ai biết đi cả”, Hơng nói và hướng mặt vào góc nhà, nơi đó, chiếc xe máy được trưng dụng để vắt áo quần và một vài thứ lặt vặt.
Hơng cho biết nhà làm gần 1 ha lúa, trồng thêm ít bắp nếp nữa nhưng vẫn không đủ ăn, có khi chỉ đủ tiền cày, tiền trồng bắp, tiền giống, tiền phân bón. Nhắc đến chuyện nương rẫy, Hơng buồn bã: “Giá như đừng uống rượu thì giờ này mình có thể đi rẫy làm giúp mọi người”. Còn Mích sau lần thập tử nhất sinh vì rượu, sức khỏe sa sút hẳn. “Mình không thể làm được gì giúp gia đình nữa. Cha mẹ già yếu rồi nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm rẫy…”, Mích ngậm ngùi.
Đói nghèo đeo bám
Chồng mình chết vì ham uống rượu quá. Nó uống rượu suốt ngày thôi. Trong làng này ai cũng biết. Mọi người thấy nó uống nhiều nói miết nhưng nó không nghe. Mấy đứa nhỏ học ít thôi, còn giúp mình nữa. Ba nó lúc sống không giúp mình nhiều đâu, chỉ ham vui, ham rượu
Góa phụ Đinh H’lêu
Đất Đăk Sông đã nghèo, nhiều thanh niên lại ham uống rượu. Không ít trong số này bỏ bê lên nương, chăm gia đình. Cái nghèo như nút thòng lọng thắt xuống gia đình và cuộc đời họ. Và trong những lần bị ma men hành hạ, cái đầu không còn tỉnh táo đã dẫn đến không biết bao nhiêu hệ lụy. Chuyện đánh nhau trong những cơn say phải đi bệnh viện thường xảy ra; rồi gia đình lục đục, tai nạn giao thông...
Những gia đình có người chết vì ngộ độc rượu cũng lâm cảnh khó khăn. Nhà mỗi người đều có từ 3 - 5 con nhỏ. Chị Đinh H’lêu nói: “Chồng mình chết vì ham uống rượu quá. Nó uống rượu suốt ngày thôi. Trong làng này ai cũng biết. Mọi người thấy nó uống nhiều nói miết nhưng nó không nghe. Mấy đứa nhỏ học ít thôi, còn giúp mình nữa. Ba nó lúc sống không giúp mình nhiều đâu, chỉ ham vui, ham rượu”.
Hễ có dịp về làng Kte, rất dễ thấy các chiếu nhậu. Chỉ cần vài chai nhựa đựng rượu uống không hoặc khá hơn thì quả xoài, vài món nhắm là người ta có thể ngồi lê la cả buổi. Rồi đến ngày hôm sau các “đệ tử lưu linh” không thể lên nương bởi chén chú chén anh hôm trước. Thấy mấy thanh niên trong làng đang ngồi ngất ngưởng trước nhà, chúng tôi hỏi: “Không lên rẫy à?”. Cả nhóm ngượng ngùng: “Hôm qua uống rượu nhiều, còn mệt, nghỉ đã”.
Những quán tạp hóa ở làng luôn sẵn rượu để cung cấp. Không có tiền mua rượu, chủ quán có thể cho nợ, cấn trừ một vài thứ rau củ cũng như sản phẩm từ rừng. Ở đây, hễ có dịp lễ hội thì suốt ngày người ta uống rượu thả ga, nhiều người say nằm ngả nghiêng. Hết say rồi lại uống.
Không có rượu uống hằng ngày được không? Tôi hỏi một nhóm thanh niên đang ngồi uống rượu suông bên một góc làng. “Không có buồn chứ! Từ chiều đến giờ nhóm 5 người của mình uống được hai lít rồi đó. Uống đến khuya, đi chơi rồi về!”.
Uống rượu vào say đánh người, tự tử, tham gia giao thông gây tai nạn là vấn nạn nhức nhối ở H.Kon Chro. Ông Trần Cao Nguyên, Bí thư Huyện ủy Kon Chro, cho biết: “Nạn rượu chè dẫn đến nhiều hệ lụy. Chúng tôi cũng nóng ruột lắm chứ! Huyện đã lập hẳn ban chỉ đạo về vấn đề này, cử cán bộ tới tận nhà, tận làng để tuyên truyền, động viên bà con. Tình hình có giảm nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo”.
400 vụ tự tử, 100 người chết
Từ năm 2010 đến nay H.Kon Chro có trên 400 vụ tự tử, khiến 100 người tử vong. Theo điều tra của cơ quan công an, rất nhiều vụ tự tử, nạn nhân trước đó là “đệ tử lưu linh”. Như trường hợp Đinh Hlum (34 tuổi, ở xã Ya Ma, H.Kon Chro) đã tự tử sau khi say rượu. Người trong làng nói, Hlum ham uống rượu, cứ uống rượu về là la hét, đánh đuổi vợ con chạy khắp làng. Ngày tang của Hlum, nhìn vợ cùng 4 đứa con lay lắt bên căn nhà vách ván tồi tàn, những ai có mặt không khỏi chạnh lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.