Trong đó, bò bía là món phổ thông ai cũng từng một lần nếm qua. Cuốn bò bía nhỏ xíu chỉ 1000 đồng nhưng giúp nhiều nhà sống khỏe.
Bên cạnh những món được bày bán trong nhà hàng, quán ăn sang trọng…người ta cũng bắt gặp đâu đó trên vỉa hè những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong… Trong số đó, có một xe bò bía tuổi đời đã 18 năm, vẫn luôn chiều hầu bao của mọi thực khách khi bán với giá 1.000 đồng/cuốn bò bía; chỉ cần 5.000 - 10.000 đồng là bạn có thể no nê.
Đó là xe bò bía của vợ chồng ông Nguyễn Văn Út (68 tuổi) và bà Nguyễn Thị Huệ (65 tuổi), ngay bên trái trường THCS Lữ Gia (quận 11, TP. HCM). Mười mấy năm nay, xe bò bía vẫn đều đặn mở cửa từ 11 giờ đến 18 giờ 30 mỗi ngày.
VIDEO: Cuốn bò bía chỉ 1.000 đồng giúp ai cũng ăn được và gia đình người bán sống khỏe
|
Với giá 1.000 đồng/cuốn, bò bía ông Út 18 năm qua vẫn luôn chiều hầu bao của mọi thực khách.
|
|
|
Bò bía tui bán giá rẻ là vì phần nhân ở trong không có thịt hay lạp xưởng như người ta. Thay vào đó là nhân ruốc đậu nhà làm. Ngày xưa, cái thời năm 2004 là tui bán 200 đồng/cuốn thôi. Sau này vật giá tăng cao quá nên tui mới nâng giá lên 300, 400 rồi giờ là 1.000 đồng/cuốn”.
|
|
|
Ông Út
|
|
|
Là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa, bò bía có hai dạng là bò bía ngọt và bò bía mặn. Bò bía ngọt với phần nhân gồm những nguyên liệu đơn giản như bánh tráng ngọt, thanh kẹo đường và cơm dừa nạo.
Đối với một cuốn bò bía mặn, thông thường sẽ gồm lạp xưởng, rau xà lách, củ đậu (hay còn gọi là củ sắn), tôm khô, rau thơm… tất cả được cắt thành sợi nhỏ và cuộn trong bánh tráng.
Nước chấm đi kèm với cuốn bò bía được làm từ tương ớt trộn với hành phi và đậu phộng rang giã nhỏ. Giá 1 cuốn bò bía như vậy thường dao động từ 5.000 – 10.000 đồng.
Tuy nhiên, bò bía của quán ông Út lại bán với giá 1.000 đồng/cuốn khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.
Lý giải nguyên nhân, ông Út cho biết: “Bò bía tui bán giá rẻ là vì phần nhân ở trong không có thịt hay lạp xưởng như người ta. Thay vào đó là nhân ruốc đậu nhà làm, lúc rim thì mình gia vị luôn để cuốn vô bò bía ăn sẽ vừa miệng. Ngày xưa, cái thời năm 2004 là tui bán 200 đồng/cuốn thôi. Sau này vật giá tăng cao quá nên tui mới nâng giá lên 300, 400 rồi giờ là 1.000 đồng/cuốn”.
Rau sống luôn được vợ chồng ông Út lựa loại tươi xanh, không bị sâu hoặc dập nát.
Chị Trúc (nhân viên văn phòng) cho biết: “Mình ăn bò bía ở đây từ năm 2000 đến giờ luôn. Theo mình thấy thì bò bía của chú Út bán rất ngon, vừa miệng. Mặc dù phần nhân chủ yếu là rau thôi, nhưng kho ruốc chú làm có mùi vị khá lạ, ăn thích lắm. Thêm nữa, giá cả so với thời buổi giờ thì ở đây thực sự quá rẻ”.
Ông Út ngày trước làm thợ sơn xe. Sau do nhu cầu sơn xe giảm và nhiều cửa hàng sơn sửa xe mở ra nên ông thất nghiệp. Con rể ông lúc bấy giờ đang bán bò bía ở quận 11, thấy cha mẹ vợ đang khó khăn nên mới chỉ ông bà cách làm bò bía để bán.
“Mới đầu cũng chỉ bán được nhiều ít gì thì cũng lai rai kiếm sống qua ngày. Không ngờ lại gắn với cái xe bò bía này đến tận bây giờ”, ông Út cười hiền.
Phần nhân đặc biệt được có tên ruốc đậu, do ông Út tự chế biến.
Mỗi sáng 2 vợ chồng phải dậy thật sớm để đi chợ mua nguyên liệu. Xà lách, củ sắn đều phải lựa loại tươi ngon, tuyệt đối không dùng rau củ bị sâu ăn, hoặc dập lá.
Phần nhân bò bía được làm từ tôm và ruốc khô xay nhuyễn, trộn chung với đậu phộng rang bỏ vỏ, giã vừa nát. Sau đó làm nóng dầu ăn, cho tỏi khô vào đảo cho dậy mùi thơm. Đổ tất cả phần tôm, ruốc, đậu vừa trộn vào, để lửa liu riu vài phút rồi tắt. Phần nhân này để nguội hẳn thì cho thêm hành phi vào trộn đều…
“Bánh tráng thì mình phải cắt sao cho khi bỏ nhân vô cuốn lại thành cuốn dài cỡ 3 đốt tay. Trước đó là mình cũng phải ủ chung với lá chuối để khi cuốn không cần dùng nước mà bánh đủ độ dẻo, tránh bị rách. Củ sắn thì đem rửa sạch rồi luộc vừa chín thôi, không để mềm quá. Luộc xong thì xả thêm vài lần nước lạnh cho sạch. Củ sắn này tui để trong cái thau nhôm, bật lửa nhỏ để giữ nóng cho đến khi bán hết”, bà Huệ nói.
Củ sắn và tương luôn được giữ nóng trên lửa liu riu cho đến khi bán hết.
Một bí quyết đặc biệt giúp những cuốn bò bía của quán ông níu chân khách suốt 18 năm qua, chính là hương vị nước chấm được làm theo công thức riêng của con rể ông.
“Nước tương chua ngọt, ăn không thấy ngán. Mình thích phần ruốc đậu trong tương nhất, lúc chấm chung ăn nghe vị bùi bùi. Tương ớt ở đây cũng cay hơn nơi khác, nên nói chung là ăn ở đâu cũng không bằng ăn quán chú Út”, một thực khách tên Liên nhận xét.
Vị trí đứng bán của hai vợ chồng suốt bao năm qua vẫn không thay đổi, chồng phải vợ trái. Bà Huệ xếp liên tiếp 6 miếng bánh tráng, cho ruốc đậu vào đầu tiên rồi mới xếp xà lách và rau thơm lên. Phần ông Út, lấy những miếng bánh tráng vợ đã xếp sẵn, cho thêm củ sắn vào và bắt đầu cuốn. Hai vợ chồng làm liền tay, nhịp nhàng từng công đoạn nhìn vô cùng bắt mắt.
Nước chấm được làm theo công thức riêng của con rể ông Út, chính là bí quyết giúp món bò bía 1.000 đồng níu chân thực khách suốt 18 năm qua.
Vì chỉ có 2 người cuốn bánh nên khách đến ăn sẽ phải chờ khá lâu. Nhưng hầu như mọi người đều vui vẻ, không ai tỏ vẻ khó chịu vì chờ đợi. Khách đến ăn bò bía sẽ có bàn ghế để ngồi, hoặc cũng có thể mua về.
“Ở đây bán từ nào giờ, chủ yếu cho dân lao động nghèo, học sinh, sinh viên… Có 2 ông bà làm, mà người nào cũng mua mấy chục cuốn trở lên hết.. Ai cũng như nhau thôi, ngồi đợi rồi nói chuyện với ông bà chủ cũng vui”, cô Thuần (ngụ quận 11) vui vẻ nói.
Ngoài lượng khách ghé mua mỗi ngày, xe bò bía còn nhận nhiều đơn hàng từ các văn phòng, công ty với số lượng từ 200 đến 500 cuốn. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng bán được 2.000 cuốn bò bía, thu lời mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.
Vợ chồng ông Út đang tất bật. Dưới đường, ba người đi xe gắn máy đứng chờ. Nét mặt họ bình thản không có vẻ gì nôn nòng. Dường như ai nấy cũng đã quen với cảnh tương này.
Ông Hòa (ngụ quận 10), tỏ vẻ hài lòng: “Bò bía này là con tui nó ăn rồi khen ngon. Nhà thì ở tận chợ Hòa Hưng mà tuần nào con tui cũng đòi chở đến ăn. Nếu bữa nào không đi được thì tui phải ghé mua đem về cho nó. Giá 1.000 đồng quá rẻ, vừa chất lượng vừa là thương hiệu riêng của người ta. Mấy lần ông già ở đây cũng nói, học sinh sinh viên không à, bán rẻ cho người ta ăn”.
Một điều lạ là khi có ai đó thắc mắc sao ông bà không đeo bao tay khi cuốn bánh, chắc chắn sẽ nhận được từ thực khách câu trả lời: “Ông bà mình ngày xưa cũng ăn bốc. Ở đây không dùng bao tay, nhưng mọi thứ đều đảm bảo chất lượng, vệ sinh… Sạch là sạch từ trong tâm mà ra”, chị Thư (công tác tại trường THCS Lữ Gia) tỏ vẻ hải lòng.
Nguyên liệu bình dân, cùng cách nấu nướng và cuốn bò bía bằng tay…cho thực khách cảm giác thân thuộc, gần gũi như ông bà, cha mẹ mình ngày xưa.
Có lẽ chính vì phần nguyên liệu bình dân, lẫn cái cách chủ quán chuẩn bị, nấu nướng và cuốn bò bía…cũng thân thuộc, gần gũi như ông bà, cha mẹ ta ngày xưa… Nên mỗi khi ăn, thực khách lại như thấy cả tuổi thơ của mình trong đó.
“Tui luôn tâm niệm một điều như vầy, khách hàng là ân nhân. Vì trong lúc gia đình tui nghèo khổ, nếu bán bò bía mà khách không ủng hộ thì làm sao cả nhà tui có được ngày hôm nay. Thêm nữa là bán buôn cái gì cũng vậy, phải có cái tâm. Mình làm sạch sẽ, đàng hoàng thì người ta quý mà lui tới hoài”, ông Út chia sẻ.
Mỗi ngày bán trung bình được 2.000 cuốn bò bía, thu nhập của cả gia đình lên đến chục triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)