Nông dân Đà Nẵng khóc ròng vì lúa ngập nước nảy mầm sau bão số 5

14/09/2021 10:20 GMT+7

Nhiều ruộng lúa chín ngập sâu trong nước, nảy mầm do vướng bão số 5… khiến nông dân Đà Nẵng khóc ròng. Vì thiếu phương tiện máy gặt để thu hoạch nên "mưa bão ập đến, lúa nảy mầm hết rồi. Chúng tôi biết kêu ai đây?".

Không kịp gặt lúa chạy bão 

Do ảnh hưởng của bão số 5 Conson, những ngày qua thời tiết tại TP.Đà Nẵng có mưa lớn liên tục gây ngập úng nhiều khu vực. Đặc biệt, nông dân phía tây TP.Đà Nẵng khổ sở khi lúa đến thời điểm thu hoạch bị ngã la liệt, ngập sâu trong nước, nảy mầm...

Nông dân trắng tay sau bão số 5 vì mưa lớn ngập nặng, lúa nảy mầm trong nước

Chiều 13.9, PV Thanh Niên có mặt tại đồng ruộng thuộc thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Dù trời tạnh mưa, nhưng diện tích lớn lúa vẫn còn ngập trong nước. Nhiều ruộng lúa đến thời điểm thu hoạch bị ngập nên hạt chín nảy mầm dài 5 - 7 cm. Nhà nông quá xót ruột khi chứng kiến cảnh này, vì công sức cả mùa vụ tần tảo giờ trắng tay. Họ kéo nhau ra đồng cố gặt lúa thủ công, được chừng nào hay chừng đó...

Nông dân khổ sở vì lúa ngã la liệt, ngập sâu trong nước dẫn đến nảy mầm

NGỌC HÂN

Đứng thất thần nhìn đám lúa ngã la liệt, nảy mầm dưới nước, bà Trần Thị Phẩm (trú thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, H.Hòa Vang) cho biết hôm 8.9 khi chưa có thông tin về bão số 5, với kinh nghiệm gặt lúa tránh mưa bão hằng năm, nhiều người đã đến gặp trưởng thôn Phú Sơn Tây để sắp xếp thuê máy gặt, lên lịch gặt sớm. 
Nhưng rất tiếc, trưởng thôn hẹn vài ngày nữa mới có thể thuê xe đến gặt, trong khi các thôn khác đã gặt xong.
“Kinh nghiệm mùa vụ hè thu thì phải gặt sớm hơn, tuy nhiên cấp thôn hẹn mãi không có máy gặt. Mưa bão ập đến, đồng trắng nước, lúa nảy mầm hết rồi. Chúng tôi biết kêu ai đây?”, bà Phẩm ủ dột.

Nhiều lần nông dân kiến nghị cấp thôn, xã xin gặt sớm tránh mưa bão nhưng chờ mãi không thấy máy gặt...

NGỌC HÂN

Bà Trần Thị Phẩm than phiền vì lúa ngã la liệt, nảy mầm dài 5 - 7 cm

NGỌC HÂN

Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Thương (trú thôn Phú Sơn Tây) cũng tất bật ra đồng gặt lúa đang ngã rạp dưới nước, mong vớt vát chút ít. “Có người cắt lúa chín mang đến tận trụ sở xã để yêu cầu thuê máy gặt. Cấp xã chỉ về thôn, trưởng thôn thì nói ráng chờ vài hôm sẽ có máy gặt. Bây giờ lúa hư hại như vậy thử hỏi chúng tôi lấy gì ăn? Dịch bệnh đã quá khổ sở, ráng chăm đám ruộng thì giờ mất trắng”, bà Thương nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, toàn bộ diện tích lúa thuộc thôn Phú Sơn Tây đều chưa được gặt trước bão số 5, trong khi đó các thôn khác ở xã Hòa Khương như Gò Hà, La Châu, thôn 5… đã gặt xong từ 10 ngày trước.

Bật khóc khi nhìn lúa ngã đổ

Những ngày qua, nông dân có lúa bị ngã, nảy mầm đã huy động người thân, hàng xóm ra đồng gặt thủ công. Vì quá tiếc lúa, họ đành phải quay lại cảnh gặt tay của hơn 10 năm về trước. Những năm gần đây, khi có máy gặt đập liên hợp thì dụng cụ gặt thủ công không được sử dụng nữa, máy tuốt lúa thủ công cũng không còn.
Vậy nên, chuyện phải ra đồng cắt lúa, gánh về nhà đập thủ công vớt vác công sức cả mùa vụ... đã xáo trộn ít nhiều sinh hoạt của nhà nông, tất nhiên cũng không hiệu quả. "Nhiều người bị đau lưng, sức khỏe kém đâu làm thủ công được. Như tôi bây giờ chỉ biết chờ máy gặt, cứu được chừng nào thì mừng chừng đó…”, bà Phẩm nói.

Lúa tại khu vực thôn Phú Sơn Tây không được thu hoạch kịp thời đã nảy mầm sau bão số 5

NGỌC HÂN

Đã có người bật khóc khi ra thăm đồng sau bão số 5. “Người dân cầu cứu đưa máy gặt đến gặt, nhưng họ cứ nói lúa chưa chín. Chúng tôi ai cũng mong gặt sớm...", một nông dân ở thôn Phú Sơn Tây bức xúc.
Các nông dân cho biết việc thu hoạch lúa lâu nay phải theo kế hoạch của thôn, đại diện thôn sẽ đi thỏa thuận thuê máy và lên thời gian gặt. Điều này nhằm tránh trường hợp người dân tự tổ chức không đồng bộ, máy gặt di chuyển để gặt đám ruộng phía trong trước sẽ ảnh hưởng đến các đám ruộng khác ở phía ngoài. 
Lý giải về việc không thể thu hoạch “chạy” bão số 5, ông Phan Công Khôi, trưởng thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương) cho biết những năm trước, bà con thuê máy gặt tại H.Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và khu vực tỉnh Quảng Ngãi. Giờ không có máy gặt do dịch bệnh nên người dân biết lúa chín nhưng đành chịu. Mấy đợt trước, cũng may chính quyền xã trao đổi sớm với các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, họ làm sớm thì mới hỗ trợ khu vực thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương).
“Toàn thôn Phú Sơn Tây có 12 héc ta lúa là nguồn thu chính của 100 hộ dân. Đợt này, chưa kịp gặt thì bão số 5 cũng đến. Người dân mới gặt chỉ được 1 héc ta nhưng cũng không kịp phơi, mưa mấy ngày liền ảnh hưởng rất nhiều”, ông Khôi nói.

Nhiều diện tích lúa tại xã Hòa Khương bị ngã đổ, nảy mầm

NGỌC HÂN

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết trên địa bàn xã hiện còn khoảng 30 ha lúa chưa được thu hoạch. Trong đó, có 20 ha còn xanh và 10 ha đã chín được 70 - 80%.
Những ngày vừa qua, do vướng mưa bão nên chưa thể thu hoạch. Với diện tích lúa ngã đổ, nảy mầm do ngập úng, đến ngày 13.9 nước vẫn chưa rút hẳn nên việc thống kê cụ thể gặp khó khăn. Ông Trí cũng cho hay địa phương thiếu hụt phương tiện máy gặt.
“Tại xã Hòa Khương chỉ có 2 máy gặt, mọi khi thu hoạch thì địa phương phải thuê máy gặt ở các xã lân cận. Việc thu hoạch gặp khó do mưa bão. Có khả năng sáng 14.9, chính quyền sẽ thống kê diện tích ngã đổ, nảy mầm để báo cáo huyện đưa ra các phương án hỗ trợ bà con”, ông Trí nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.