Nóng trên mạng xã hội: Bật khóc khi đưa tin ở Trà Leng

Huy Đạt
Huy Đạt
02/11/2020 08:48 GMT+7

Trước những đau thương không gì bù đắp nổi, nhiều phóng viên, nhà báo trực tiếp có mặt ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đã không kìm được cảm xúc của mình. Nhiều người đã quỵ xuống, bật khóc, thậm chí phải tạm dừng tác nghiệp...

 Đau đớn tột cùng

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một nam phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng, H.Nam Trà My (Quảng Nam) ôm máy quay khóc nghẹn khi lực lượng chức năng đưa thi thể một cháu bé bị đất đá vùi lấp ra. Bức ảnh được phóng viên Hoàng Thế Lực, công tác tại Báo điện tử Chính phủ, ghi lại và đăng lên trang cá nhân với dòng trạng thái: “Người phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam quay máy đi chỗ khác, anh nghẹn khóc khi một em bé được đưa ra từ bùn đất”.
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Trà Leng, H.Nam Trà My khiến nhiều người ám ảnh ảnh: HUY ĐẠT

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Trà Leng, H.Nam Trà My khiến nhiều người ám ảnh

ẢNH: HUY ĐẠT

Theo tác giả bức ảnh, tại hiện trường, bùn đất sạt lở kinh hoàng, lực lượng công binh cũng như phóng viên phải nương lên từng tấm ván gỗ, khúc cây để tránh bị sụt lún. Không ai bảo ai, mọi người đều bước đi nhẹ nhàng vì biết đâu dưới lớp bùn đất là thi thể các nạn nhân. “Lúc mọi người kéo lên một em bé từ trong lớp bùn đất, sình lầy, anh Trung dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi bật khóc nức nở. Anh quá xúc động...”, anh Hoàng Thế Lực chia sẻ.
Nhân vật trong bức ảnh là nhà báo Đoàn Hữu Trung (TTXVN tại địa bàn Quảng Nam). Tối 1.11, chia sẻ với Thanh Niên, nhà báo Đoàn Hữu Trung cho biết hơn 30 năm lăn lộn hiện trường nhiều vụ tai nạn, thảm họa, nhưng đây là lần đầu tiên anh khóc nghẹn phải đóng máy, không thể tác nghiệp. “Cháu bé bị vùi lấp gần 1 m, khi lực lượng chức năng đưa thi thể cháu bé lên, tôi đã quỵ xuống. Bé gái tầm 2 tuổi thôi, như con cháu mình, toàn thân chỉ có một màu bùn, nằm sấp... Lúc đó, tôi đứng quá gần chứng kiến nỗi đau tột độ. Với mọi người ở đó, kể cả những tướng lĩnh chỉ huy từng xông pha trận mạc cũng đều nghẹn ngào. Và thật sự, tận bây giờ khi đã rời hiện trường về lại nhà, tôi vẫn ám ảnh hình ảnh đó. Cháu bé nhỏ xíu, như một búp bê vậy... Thật đau xót!”, nhà báo Đoàn Hữu Trung chia sẻ.

Những nước mắt tuyệt vọng đầy ám ảnh trong thảm nạn sạt lở ở Trà Leng

Ám ảnh giữa đại ngàn

Để ghi được những hình ảnh, thước phim nhằm truyền tải thông tin kịp thời đến bạn đọc, những nhà báo, phóng viên của nhiều tờ báo, trong đó có Thanh Niên đã để lại sau lưng sự lo lắng của tòa soạn, gia đình, lao tới hiện trường vụ thảm nạn.
Là những phóng viên đầu tiên tiếp cận hiện trường, nữ PV Diệu Bình (Báo Dân Việt) nghẹn ngào cho biết cô nhận lệnh từ Đà Nẵng chi viện cánh Quảng Nam. Khi ấy, cả gia đình cô đã không ăn hết bữa cơm khi nhận tin dữ từ Quảng Nam. Nữ PV đeo ba lô, bắt đầu chuyến công tác trong sự lo lắng của ba mẹ. “Nhận tin báo vụ thảm nạn, tay chân tôi cứ run lên. Suốt quãng đường từ Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam, lòng tôi cứ không ngừng nguyện cầu và thậm chí còn cầu mong rằng đó chỉ là thông tin sai. Nhưng rồi, mọi sự đau buồn liên tiếp ập đến”, PV Diệu Bình kể.
Để đến được hiện trường, Diệu Bình cùng nhiều đồng nghiệp theo đoàn công binh từ rạng sáng, liên tục bị chặn lại bởi cây ngã đổ và nhiều điểm sạt lở vì bão số 9. Nhưng cô không kể về nỗi vất vả, hiểm nguy mình phải vượt qua, mà nghẹn ngào chia sẻ về nỗi đau những người còn lại ở Trà Leng: “Nỗi đau quá lớn, tôi đã khóc khi phỏng vấn người cha 77 tuổi mất cả gia đình sau một buổi đi rẫy ở Trà Leng. Nỗi đau không biết kéo dài đến bao giờ đối với những người ở lại”.

Theo dấu quạ đen trên sông Tranh, tìm người Trà Leng đang mất tích vì sạt lở

 
Là những người con miền Trung, lại đối mặt với thảm nạn tang thương ở Trà Leng, những nhà báo vẫn cố gắng bám trụ, dầm mình trong mưa lũ chỉ mong mang thông tin đến bạn đọc một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Phát hiện cồn đất lạ trên sông Tranh khi tìm người mất tích ở Trà Leng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.