Nóng trên mạng xã hội: Hào hứng xem nhật thực cuối cùng của thập niên

Hoài Nhân
Hoài Nhân
27/12/2019 09:16 GMT+7

Ngày 26.12, người dân Việt Nam được chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực hình khuyên hiếm có. Cộng đồng mạng liên tục cập nhật hình ảnh lạ mắt ghi được về nhật thực cuối cùng của thập niên này.

Nhật thực hình khuyên, vòng tròn lửa

Nhiều ngày trước, các trang thông tin về thiên văn đã đăng tải thông báo về hiện tượng nhật thực hình khuyên vào 26.12. Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời, dẫn đến sẽ che khuất hoàn toàn hay một phần mặt trời. Ngày 26.12, do mặt trăng ở vị trí xa, không thể che hết hoàn toàn mặt trời, để lại phần rìa sáng đẹp mắt nên thường gọi là nhật thực “hình khuyên” hay nhật thực “vòng tròn lửa”.
Ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore hay các nước Nam Á, Tây Á như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út... người dân có thể thấy rõ nhất nhật thực hình khuyên. Còn ở nước ta, chỉ có thể nhìn thấy nhật thực một phần. Tuy nhiên, dân mạng vẫn rất xôn xao và rủ nhau chờ xem hiện tượng này.

Một khoảnh khắc mặt trời bị “ăn” được ghi lại qua kính viễn vọng

Tài khoản Long Le đăng trạng thái: “Vòng tròn lửa cuối cùng của thập niên sẽ xuất hiện! Mọi người nhớ xem nhé, hiện tượng đặc biệt của tự nhiên đấy!”. Tài khoản Hoài Nam cũng chia sẻ một bài viết hướng dẫn xem nhật thực và hào hứng: “Cách để xem mặt trăng “ăn” mặt trời đây mọi người ơi! Nhớ dùng dụng cụ chuyên dụng, vì rất nguy hiểm khi nhìn bằng mắt thường đấy”. Nhiều CLB và hội nhóm thiên văn khắp nơi cũng tranh thủ tổ chức các buổi xem nhật thực.
Tại TP.HCM, các câu lạc bộ đặt sẵn nhiều kính viễn vọng và bán các mắt kính chuyên dùng xem nhật thực cho mọi người, ở các địa điểm như bến Bạch Đằng (Q.1), làng Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức)... Hoạt động này thu hút nhiều người dân và các hình ảnh suốt thời gian diễn ra hiện tượng được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.

Xem nhật thực tiếp theo vào 21.6.2020

Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Phạm Bùi Xuân Hoàng, trưởng CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, cho biết hiện tượng nhật thực 26.12 kéo dài từ khoảng 9 giờ 30 - 15 giờ 5 thì kết thúc. Suốt thời gian này, CLB đã thu về khá nhiều hình ảnh và video bằng các kính viễn vọng có độ phóng đại hơn 200 lần; đồng thời cũng bán được khá nhiều kính đeo chuyên nhìn nhật thực cho người dân hiếu kỳ. “Do trời Sài Gòn khá nhiều mây nên xem nhật thực nhiều lúc gián đoạn vì mặt trời bị mây che mất, nhất là lúc cực điểm. Tuy nhiên, nhìn chung cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới việc quan sát, chụp ảnh của mọi người. Khắp nơi ở VN đều chiêm ngưỡng được hiện tượng hiếm có này”, anh Hoàng hồ hởi.
Cũng theo anh, nhật thực không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng sẽ ảnh hưởng xấu đến mắt khi nhìn trực tiếp. Vì vậy, cách tốt nhất để quan sát nhật thực là nhìn gián tiếp qua màn hứng ảnh, chậu nước; còn muốn quan sát trực tiếp thì phải có tấm lọc hoặc kính đeo chuyên dụng. Thông tin thêm, anh Hoàng cho biết ngày 21.6.2020 là lần nhật thực tiếp theo mà người dân VN có thể quan sát, nhưng độ che phủ không lớn như lần này.
Đáng lưu ý, cư dân mạng dù hào hứng nhưng cũng lan truyền thông tin ngày nhật thực là... ngày xui xẻo! Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi giải thích quan điểm của người xưa về nhật thực là xấu khi: “Ngày xưa cho rằng mặt trời là hoàng thượng, là thiên tử, còn mặt trăng là hoàng hậu, các ngôi sao khác xung quanh là chư hầu. Khi khoa học chưa phát triển, người ta không biết về quỹ đạo và nguyên lý chuyển động của các hành tinh. Nên khi nhật thực xảy ra và trời tối sầm, người ta cho rằng mặt trời đã bị “ăn thịt” và gọi đó là “thiên cẩu nhật thực” hoặc “thiên cẩu thực nhật”. Khi thiên tử bị “ăn”, bị xâm phạm, tức đây là một chuyện xấu”.
Chuyên gia Uyên Mi cho biết thêm, trong nghiên cứu phong thủy, khi mặt trăng ở càng gần trái đất, có những tác động năng lượng sẽ làm con người khá mệt mỏi, dễ bực dọc. “Mà khi tâm trạng không tốt, người ta làm gì cũng dễ đổ bể, bất thành, nên hay nhìn nhận nó là ngày xui xẻo”.

Nhật thực toàn phần nhấn chìm Chilê trong bóng tối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.