Ô cửa sổ

20/05/2018 20:02 GMT+7

Dịp đó, gia đình tui có một sự kiện, đó là kỷ niệm ngày cưới, tạm thời đặt tên cho nó là đám cưới “sắt tây”.

Ban đầu tui có ý định vào dịp đó tui sẽ rủ chồng làm một vài việc động trời: Ví như là chàng thì diện một bộ vest thiệt mốt, tui chọn một cái váy thiệt điệu rồi vô ảnh viện chụp ảnh “nghệ thụt”, xong phóng lên một cái thiệt là to (cũng thiệt là sến luôn) nhưng rồi nghĩ lại, đem về treo lên ngượng chết đi được, hơn nữa chụp ảnh to vậy cũng… tốn tiền lắm, e thôi. Hoặc là hôm đó, tui sẽ thuê bao luôn một cái “rờ sọt”, có thể là cách biệt trên một hòn đảo nhỏ nào đó, chỉ có sóng biển, cây lá với mây trời, gió mát trăng thanh. Tui sẽ bảo người ta thắp thiệt nhiều nến, chưng thiệt nhiều hoa, gia đình tui sẽ ăn tối trong ánh sáng lung linh và hương thơm nhẹ nhàng, trong tiếng nhạc thiệt dịu êm được phát ra từ chiếc loa giấu kín đáo đâu đó trong những lùm cây. Rồi thì tui sẽ hát tặng chồng tui một bài hát mà anh ấy thích, các con tui sẽ kể cho cả nhà nghe những câu chuyện hài hước của mình. Sau đó, khi đã khuya rồi, tui sẽ buồn ngủ díp mắt lại và cứ thế mà ngủ, chồng hoặc con tui sẽ rón rén mắc màn cho tui để khỏi làm tui trở giấc (chỗ có cây thì dễ có muỗi, mà tui không thích ngủ với máy điều hòa nhiệt độ cho lắm, chịu khó mắc màn đi!). Hoặc là…

Nhưng rồi coi lại lịch công tác thì dịp đó tui đang bận túi bụi vì phải thực hiện một chương trình truyền hình trực tiếp đêm ca nhạc gây quỹ từ thiện. Con trai tui sau thắng lợi vang dội ở hội diễn văn nghệ khoa thì sẽ đi A Lưới biểu diễn giao lưu với các chiến sĩ bộ đội. Con gái thì đang vào cao điểm của một “dự án kinh doanh”. Còn chồng tui thì chắc cũng cơ man nào là việc... Vậy nên tui tạm thời lơ đi đã.
*
Nhưng dù sao, với tui, đây cũng là một cái mốc quan trọng. Vậy thì cứ “tự sướng vui đi” bằng cách tổ chức trước cho mình một cuộc liên hoan bằng cách trở về với kỷ niệm chẳng hạn (người ta viết báo cáo sơ kết cũng phải làm vậy mà). Tui vốn có tính “nhớ lâu, thù dai”, nên chỉ cần giơ tay chạm vào nắm cửa của căn phòng ký ức là tất cả những vui buồn, đau đớn, hạnh phúc đều nhảy tưng tưng lên réo gọi rồi. Nhưng lần này thì thông cảm nghe, dịp quan trọng thì phải chọn, tất nhiên phải chọn cái vui vui xí, vậy là tui đưa tay chạm vào một ô cửa sổ của mình…
Đó là một ô cửa của tầng 3 giảng đường Trường Tổng hợp (nay là Trường Khoa học Huế).
Hồi đó, tôi 18 tuổi.
Mỗi buổi tối, cứ tầm 7 giờ, “lão già” lại sang chọn cho tôi một vài cuốn sách rồi áp giải lên giảng đường. Hồi đó sinh viên đa số ở ký túc xá, đi học được nhà nước bao cấp, không có ai phải làm thêm hay thuê nhà trọ giống bây giờ. Công bằng mà nói, những buổi tự học như thế có khoảng một phần ba thời gian là dành cho việc viết giấy trao qua đổi lại (giống như chat bây giờ). Thỉnh thoảng, cũng có giải lao, các sinh viên thường ra đứng ở hành lang, bên những ô cửa sổ được mở cách nhau khoảng 50 cm để hóng gió. Tôi với “lão già” hẹn hò vậy mà cũng được mấy tháng rồi, thỉnh thoảng cũng hay ra đứng như vậy, tôi một ô, lão một ô.
Tự nhiên hôm đó, lão đứng chung luôn với tôi bên một ô cửa (có âm mưu rồi! Thế mà sao hồi đó mình lại không nâng cao cảnh giác nhỉ? Nếu như mình mà nâng cao cảnh giác, mình đứng sang ô kia thì biết đâu?). Thế rồi lão nói với tôi rằng, tuần tới lớp lão (năm thứ hai) sẽ học quân sự một tháng. Lão là bộ đội về nên được miễn, có thể lão sẽ xin nghỉ để ra quê.
- Ờ... Anh ra quê giúp ba mẹ đi.
- Đố em khi nào anh vô?
- Ủa, nghỉ một tháng thì hết một tháng sẽ vô chớ sao.
Lão im lặng, hình như lão hơi buồn. Các cô gái khác khi người yêu thông báo sắp đi xa, hình như phải giãy nảy lên: Em sẽ nhớ anh sao chịu nổi, em hổng chịu đâu… đầy nũng nịu chớ sao lại như tôi nhỉ? Thực ra, tôi cũng là một kẻ hay nói năng khiêu khích, lại cũng hơi dè dặt trong thể hiện tình cảm nhưng mà lúc đó chắc lão nhận thấy tôi nói điều đó ra với tất cả sự hồn nhiên chân thành (mà không hồn nhiên chân thành làm sao được, vì tôi đâu có biết người ta xa người yêu thì sẽ thế nào).

Lão cứ im lặng như thế, 5 phút, hay 10 phút trôi qua tôi cũng không biết (vì khi đứng bên người mình thích thì khái niệm thời gian không chính xác được). Rồi bất ngờ, lão đưa tay sang nắm lấy bàn tay tôi. Trời đất ơi! “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tôi như bị điện giật, tôi định la một tiếng nhưng sau lưng, trong phòng kia có nhiều người đang học, dòng điện ấy chạy khắp người, tim tôi đập thình thình (nhưng mà nói thiệt là tôi thấy cũng rất dễ chịu). Mấy phút như thế nhỉ, không biết, nhưng sau đó lão vào phòng ôm sách vở, tôi về phòng tôi, lão về phòng lão. Đêm đó tôi ngủ với một cảm giác thật lạ lùng.
*
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì lão đã được một người bạn chở lên tàu để về quê từ lúc nào rồi. Lão đi, mang theo của tôi những tiếng cười thơ trẻ. Lão để lại cho tôi những buổi chiều với khoảng sân mênh mông, những chiếc ghế đá bên những gốc xà cừ cổ thụ xao xác lá. Những buổi tối một mình đi lên 64 bậc cầu thang để đến với dãy hành lang hun hút vẫn sáng đèn. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra rằng tôi đã nhớ một người đến như vậy.
Sau này đôi khi tôi tự hỏi, điều gì đã cột tôi và lão lại làm một. Số phận? Kiếp trước có mắc nợ? Cũng có thể, nhưng có một điều chắc chắn mà tôi biết đó là có sự góp phần rất quan trọng của cái nắm tay bên ô cửa sổ kia. Sự giáo dục theo truyền thống có phần khắc nghiệt đôi khi không hẳn đã có tác dụng. Ví như tôi chẳng hạn, biết đâu chỉ vì một cái nắm tay thôi mà cuối cùng chấp thuận cưới luôn gã làm chồng!
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Tôi, cùng với cuộc hôn nhân của mình cũng đã trải qua nhiều thác ghềnh bão gió. Con trai tôi bây giờ đã lại là sinh viên ở đó.
Ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường, tôi đã từng có một âm mưu. Đó là hôm ấy, tôi sẽ rủ chồng và con trai mình trở lại đứng bên ô cửa đó, giữa hai người đàn ông, tôi sẽ để cho những ngọn gió lùa vào mái tóc đã bắt đầu ít đi của mình, tôi sẽ đưa mắt nhìn ra khoảng sân có rất nhiều cây lá mà mỗi độ vào thu, hễ có một cơn gió là đua nhau rơi rơi xuống khoảng sân chấp chới như những đàn bướm vàng rất đẹp. Ở đó, ngày hè, có những sợi nắng xuyên qua tán lá lung linh đậu xuống mặt đất. Nơi đó, những ngày mới hẹn hò, “lão già” đã làm tặng cho tôi một bài thơ về “giọt nắng” mà những chữ đầu của mỗi câu ghép lại sẽ là “TÔI YÊU CÚC PHƯƠNG”. Nhưng tôi sẽ không nói cho họ biết đâu.
*

Tôi bỗng thấy bâng khuâng, biết bao nhiêu thế hệ sinh viên đã từng đứng ở nơi đó, có bao nhiêu trong số họ có cùng với tôi một kỷ niệm? Và trong vẩn vơ, đôi khi tôi chợt mỉm cười, biết đâu, có một hôm nào đó, con trai tôi sẽ lại vô tình đến đứng bên ô cửa ấy, hẳn nhiên rồi. Hơn nữa, bây giờ sinh viên đông, không giống hồi chúng tôi, mỗi lớp tối đa cũng chỉ 30 người, nên nếu có đứng ở đấy chắc cũng sẽ hai người chung một ô. Có cô gái nào đã vô tình đứng bên con mình không nhỉ?
Một phần tư thế kỷ, một cô gái tuổi 18 bây giờ đã là một phụ nữ U.40. Tôi, một người vợ từng nhiều lúc thấy trái tim mình tan nát nhưng cũng không ít khi thấy mình thật hạnh phúc. Một người mẹ đã biết đôi khi để các con có được những nụ cười phải biết để lại phía sau cả một đại dương nước mắt. Một người đàn bà đã biết nhiều khi để hạ nhục kẻ thù của mình chỉ cần một nụ cười. Để cảnh cáo hoặc từ chối một hành vi ỡm ờ nào đó của đàn ông ví như bị người ta giả vờ vô tình nắm tay thì giả ngọng giả ngô rên lên: “Ối anh ơi, em vốn nhạy cảm lắm, anh để cái tay thế này là em đoản mạch ngay!” (đàn ông vốn dĩ đa số ưa phong tình nhưng lại rất ngại gặp phải một cô một bà cứ bô bô đem chuyện ấy ra mà đi khoe, lộ mánh của họ). Để xã giao cũng đã từng bắt tay vô số đàn ông. Ấy vậy mà sao mỗi lần nhớ tới ô cửa ấy, lòng vẫn cứ bâng khuâng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.