‘Ở Việt Nam đi 200 m cũng leo lên xe máy’

28/09/2016 17:25 GMT+7

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, tâm lý 200 m cũng leo lên xe máy khiến bản thân ông khi đi xe đạp đến các cơ quan nhà nước đều bị nhìn bằng ánh mắt kỳ lạ.

Tại Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội vào sáng 28.9, ông Hùng cho rằng để giải bài toán về hạn chế giao thông cá nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc phát triển loại hình vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm thì xe đạp chính là giải pháp kết nối hữu hiệu giữa các điểm trung chuyển, các bến xe, nhà ga trong thành phố.
Việt Nam từng là thiên đường xe đạp trước thập niên 90, nhưng hiện nay để phục hưng xe đạp thì thách thức lớn nhất chính là xe máy. “Xe máy tiện dụng, tính tiếp cận rất cao bởi xe đạp đi ở đâu thì xe máy có mặt ở đó, thậm chí còn đi nhanh và xa hơn. Ở Việt Nam đi 200 m cũng leo lên xe máy, người dân không thích đi xe đạp vì phương tiện này tiêu biểu cho cái cũ, lạc hậu và nghèo. Nhưng nhiều nước như Đan Mạch hay Hà Lan lại đang muốn thoát khỏi ôtô và quay trở về xe đạp. Phải chăng đây là vòng xoáy của phát triển giao thông. Chúng ta phải nhận thức lại, đi bằng gì tiết kiệm nhất và thỏa mãn chuyến đi”, ông Hùng nói.
Theo tính toán, khoảng 40 - 45% số chuyến đi tại các đô thị hoàn toàn có thể đi xe đạp ở cự ly 4 km. Ngay chính bản thân ông có lúc trải nghiệm đi bằng xe đạp nhưng đến các cơ quan Chính phủ họ nhìn với ánh mắt “hơi lạ”.
Khi đề án hạn chế xe máy vào nội đô đưa ra, các chuyên gia và người dân đều đặt câu hỏi nếu hạn chế xe máy đi bằng gì? Nhưng chưa ai đặt vấn đề xe đạp là một lựa chọn. Để đề án có chỗ đứng cho xe đạp công cộng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội trong không gian phố đi bộ nên cho phép xe đạp đi vào, xem xét những đoạn tuyến phố mật độ giao thông cao nhưng tốc độ không quá 30km/giờ thì xe đạp và các xe khác tham gia lưu thông bình thường mà không cần phải phân làn giao thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng đi xe đạp trong điều kiện hiện nay có thể gây nguy hiểm. Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông nhìn nhận, xe đạp đi chung dòng xe máy ở nước ta tai nạn giao thông rất dễ xảy ra bởi đường dành cho xe đạp quá hẹp, đi chung dòng xe máy.
“Xe đạp phù hợp với cự ly 5 km trở lại, nó tạo ra hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng như Nhật Bản, Hà Lan... đã làm. Tuy nhiên, sự thua kém về tốc độ, tính tiện ích và văn minh cùng với quy hoạch giao thông đơn sơ thì xe đạp vẫn có thể chỉ là loại phương tiện "thiên cổ", chưa thể thay thế và cạnh tranh xe máy... Xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai", ông Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.