“Đã leo lên con thuyền này rồi thì phải đi đến cùng dù sóng có to đến cỡ nào. Mùa dịch Covid-19, tôi chấp nhận đóng cửa cả những quán vừa khai trương, tháng nào cũng bù lỗ, không có tiền đưa vợ con, còn mang nhà đi cầm. Nhiều đêm mất ăn, mất ngủ, chỉ sợ phá sản, nhưng không chỉ là tâm huyết của mình mà còn là miếng cơm manh áo của 250 nhân viên nên phải cố gắng”, anh Trần Quốc Thịnh – người đồng sáng lập chuỗi quán ăn chuyên món gà ở Sài Gòn mở đầu câu chuyện.
Giám đốc ngân hàng tay ngang mở quán ăn
Tôi hẹn gặp anh Thịnh (40 tuổi) trong những ngày TP.HCM cấm các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ trên 30 người cùng lúc. Quán ăn của anh với không gian rộng lớn, hai tầng lầu nay vẫn sáng đèn nhưng chỉ kê vài bàn ở tầng trệt để đón khách. Vài khách đến muộn không có chỗ ngồi đành quay về, anh Thịnh nhìn tôi cười tiếc nuối: “Bàn thì còn nhiều nhưng phải vậy thôi, chung tay cùng TP để phòng dịch cho hết nhanh thì mọi thứ mới quay lại bình thường, lỗ thì cũng đã lỗ rồi”.
8 năm làm ngân hàng khi đang giữ vị trí giám đốc phòng giao dịch ở khu vực Q.2 với mức thu nhập đáng mơ ước, anh bỏ ngang ra mở quán ăn chuyên về món gà cùng một người bạn khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
|
|
Anh Thịnh gọi năm 2018 là năm “hoàng kim” của mình khi chuỗi các quán ăn được đông đảo khách hàng đón nhận. Anh chăm chút tìm nguồn nguyên liệu, gia vị, ngay cả muối chấm cũng được anh thử nghiệm nhiều lần để ra được hương vị ưng ý nhất.
Vì hoạt động chuỗi nên yêu cầu đặt ra là hương vị ở tất cả các quán đều phải như nhau, anh mở bếp trung tâm, phân phối bằng xe chuyên dụng nguyên liệu, món đến nhà hàng và đặt yêu cầu các chi nhánh phải tuân thủ đúng tỷ lệ. Mỗi ngày đều có người đi kiểm đếm bằng các thông số đo chi tiết.
|
Mất ăn, mất ngủ
Ông chủ chuỗi quán ăn kể, sau mùa dịch đầu tiên, giãn cách xã hội nên toàn bộ các quán ở TP.HCM phải đóng cửa, lúc này các quán mới set-up còn chưa kịp khai trương, thậm chí có quán ở Q.Phú Nhuận, vừa khai trương xong hôm trước thì hôm sau phải đóng cửa.
|
Để có dòng tiền duy trì được hoạt động, chuỗi quán ăn của anh Thịnh thường tùn ra nhiều chương trình khuyến mãi với đối tác là các app giao đồ ăn. Nhiều thời điểm, số đơn mang đi chiếm khoảng 60% tổng đơn hàng hằng ngày.
|
|
Anh cho rằng khi đã bước ra làm kinh doanh thì phải sống chết cùng nó. Cũng đôi lần anh nghĩ sợ khó khăn quá sẽ phá sản, đất đai, nhà cửa thế chấp trong ngân hàng mất trắng thì cả nhà phải ra ở trọ làm lại từ đầu. Nhưng vốn là người lạc quan nên khi gặp chuyện khó khăn quá, anh lại trầm ngâm suy nghĩ về lý do mình bắt đầu để cố gắng.
“Trước đây chưa làm thì nhà còn, làm càng lớn lên thì nhà không còn, ngân hàng giữ giùm hết rồi, sơ sẩy một cái là mình không còn gì hết. Tôi cũng cảm ơn vì có một người vợ đồng lòng, vợ mình chấp nhận dùng hết nguồn lực của gia đình để hỗ trợ cho chồng trên con đường đam mê phát triển kinh doanh”, ông chủ chuỗi quán ăn bộc bạch.
|
|
Ông Nguyễn Đăng Tiến (65 tuổi, Q.Gò Vấp) cùng gia đình là khách quen của chuỗi quán ăn này. Theo ông Tiến nhận xét, giá cả các món ở đây đều phải chăng, cách chế biến đa dạng nhưng hương vị không đổi nên cả nhà 3 thế hệ ông thường đến quán dịp cuối tuần.
|
Anh Nguyễn Đức Lạc (22 tuổi, đối tác của BEAMIN) cũng cho biết anh thường nhận được đơn của khách đặt mua món ăn tại chuỗi quán ăn này, nhất là trong mùa dịch. Theo anh Lạc, mùa dịch đi giao đồ ăn tuy có nguy hiểm nhưng được phục vụ cho mọi người, lại có thu nhập trong mỗi đơn nên anh thấy công việc khá thú vị.
Bình luận (0)