Ông già nhặt rác giữa Sài Gòn và chuyện nghĩa hiệp thích bao đồng

07/04/2018 13:33 GMT+7

Trên chiếc xe cà tàng của mình, ông Thơm trang bị vô số 'đồ chơi'. Đó là chiếc còi hú báo động, tủ thuốc cứu thương, bình chữa cháy,…Tất cả đều dùng để cứu người trong trường hợp khẩn cấp.

Chiếc xe “già” đã gắn bó với ông suốt 10 năm qua, giúp biết bao người gặp nạn. Đối với ông, nó chính là người bạn tri âm tri kỷ, gắn liền với những việc làm nghĩa hiệp của mình.
VIDEO: Ông già nhặt rác và chuyện bao đồng đầy yêu quý
Gần 40 năm “nặng tình” với rác
Ông Tống Văn Thơm (68 tuổi, quê Bến Tre) sinh ra tại Campuchia nhưng lại lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp. Cuộc sống khó khăn, ông từ biệt gia đình tự mình tìm việc kiếm sống.
Chiếc xe “độ” có một không hai của ông Thơm Ảnh: Hoài Nhân
“Từ Campuchia về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về lại Cần Thơ, thời điểm ấy, tôi được cha mẹ cho theo học trường bách nghệ của Pháp. Sau đó, tôi về Cần Thơ làm công việc trục vớt sà lan. Làm được một thời gian, tôi lên Đồng Nai lắp ráp xe ủi, xe nâng”, ông Thơm nhớ lại.
Bôn ba khắp nơi làm đủ nghề, trải qua biết bao thăng trầm, ông mới đến với nghề thu gom rác như một cái “duyên” từ kiếp trước.

“Lúc trước người dân đi qua thấy tôi lui cui gom rác, họ bịt mũi, khạc nhổ,… đôi lúc tôi cũng tự ái lắm. Bây giờ thì đỡ rồi, có người còn mời anh em chúng tôi vào nhà uống nước, cho cái bánh, gói thuốc, tuy hành động nhỏ nhưng ấm lòng”, ông Thơm bộc bạch.
Nói gì thì nói, nghề gom rác này vừa là “cầu nối” để ông gặp vợ, vừa là công cụ kiếm tiền để ông nuôi sống cả gia đình. Trước đó, ông làm công việc gom rác tại các hộ dân trong địa bàn Q.5, cho đến khi thành lập Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Q.5 (TP.HCM) thì ông được các anh em trong đoàn bầu làm chủ tịch nghiệp đoàn. Từ đó, ông đảm nhiệm công việc giám sát hoạt động của anh em.
“Vợ tôi cũng gắn bó với nghề gom rác này mấy chục năm rồi, nay tuổi già sức yếu không còn làm nổi nữa nên ở nhà làm nội trợ. Hiện tại, tôi có 3 người con, tất cả đều đã lập gia đình”, ông Thơm chia sẻ.
Tuy nghề gom rác lương ba cọc ba đồng nhưng ông Thơm vẫn gắn bó đến tận bây giờ, vì ông luôn nghĩ “mình không làm thì ai làm”. Cứ thế, ông rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của khu vực ông đảm nhiệm để thu gom từng túi rác làm đẹp cho đời.
Ông Thơm tâm sự: “Lúc trước lương ít nhưng bù lại có phế liệu, nay phế liệu giảm mà người ta còn phân loại nữa, nên thu nhập của tôi và các anh em giảm rất nhiều. Thôi thì cái nghề, cái nghiệp nó tới với mình thì mình theo, còn sức thì còn làm, làm hết nổi thì thôi”.
Xe cứu thương, chữa cháy mini
Tủ cứu thương di động, kiêm luôn xe cứu hỏa 2 bánh này được ông chế tạo và đưa vào hoạt động từ năm 2011. Ý tưởng “độ” lại chiếc xe già của ông cũng rất tình cờ. Một lần đi gom rác, ông bất cẩn nên bị thương ở chân, máu chảy rất nhiều nhưng không được ai giúp đỡ. Lúc ấy, vì không có bông băng nên ông tự lấy vải quần băng bó lại.
Xe của ông Thơm được trang bị còi báo động và bình chữa cháy mini Ảnh: Phan Định
Ông Thơm hồ hởi kể: “Tôi tự hỏi tại sao mình không gắn một cái thùng trên xe rồi bỏ bông băng, thuốc đỏ, thuốc đau đầu,… mang theo để phòng khi có ai gặp nạn mình sẽ sơ cứu giúp họ”.
Từ việc “độ” xe máy cũ thành tủ thuốc di động, ông tiếp tục gắn thêm 2 rổ sắt bên hông xe rồi bỏ 2 bình chữa cháy mini nào. Cũng nhờ 2 bình chữa cháy này, ông đã dập được nhiều vụ cháy nhỏ giúp bà con khắp nơi.
Chiếc tủ cứu thương vừa chứa thuốc vừa là văn phòng mini của ông Thơm Ảnh: Hoài Nhân
Xe của ông còn được gắn cả đèn, còi báo động, nhạc… Một điều đặc biệt nữa, đó là tất cả đều được sử dụng bằng nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời mà ông tự chế. Không chỉ giúp anh em trong đoàn rác sơ cứu khi gặp sự cố nghề, mà trên đường đi làm, ông còn giúp đỡ rất nhiều người gặp nạn. Thuốc men ông đều tự trích từ số tiền lương ít ỏi của mình ra mua.
Ông Thơm hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập Q.5 (TP.HCM) Ảnh: Phan Định
Một trong số bằng khen, giấy khen mà ông Thơm đạt được trong năm 2017 Ảnh: Hoài Nhân

Ông Thơm kể: “Mới tuần rồi, tôi gặp trường hợp thanh niên say xỉn ngã xe xuống đường, mặt mày đầy máu. Tôi liền chạy đến sơ cứu rồi chở anh ta đi bệnh viện, cũng may không sao”.
Giúp người nhưng ông không mong nhận được đền đáp. Từng có nhiều người đến trả ơn bằng tiền nhưng ông không nhận, chỉ ngỏ ý cho ông xin vài lọ thuốc, bông băng, thuốc đỏ,… để ông tiếp tục giúp người, thế là đủ.
Bản tính nghĩa hiệp là vậy, hễ thấy chuyện bất bình, ông liền ra tay tương trợ. Không những chế xe cứu thương giúp người, ông còn liều lĩnh tham gia bắt cướp trên đường. Không vũ khí, không võ thuật gì, ông chỉ “nhắm mắt, nhắm mũi” cản đường tháo chạy của bọn cướp, rồi tri hô và cùng người dân bắt gọn chúng.
Chú vẹt theo ông rong ruổi khắp nơi Ảnh: Phan Định
Chiếc xe “già” đã gắn bó với ông suốt 10 năm, cùng ông giúp biết bao người gặp nạn Ảnh: Hoài Nhân
“Trước giờ tôi sơ cứu giúp người thì nhiều, còn bắt cướp thì chỉ mới 2 vụ thôi. Mấy vụ giật giỏ xách, dây chuyền,… không thấy thì thôi, thấy là coi như tên cướp xong phim”, ông Thơm dí dỏm đùa.
Hơn 10 năm giúp người, nhưng mỗi khi ra đường, ông Thơm lại canh cánh một nỗi lo. Ông lo lại thấy người gặp nạn. Ông nói: “Tôi muốn giúp người nhưng có ai muốn ngày nào ra đường cũng gặp người khác bị tai nạn đâu”.
Năm 2016, ông Tống Văn Thơm được nhận Giải thưởng “Thương hiệu xanh”; được Tổ chức “Hành động vì môi trường & phát triển” ENDA, chương trình truyền thông doanh nhân - doanh nghiệp năm 2016 vinh danh vì đã tích cực trong hoạt động phát triển kinh doanh và công tác xã hội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.