Sinh ra và lớn lên ở làng An Khánh (Q.2, nay tách ra thành 3 phường: An Khánh, Bình Khánh, Bình An), ông Phạm Văn Lượm (58 tuổi) được người dân trong vùng biết đến với tên gọi quen thuộc là Út Tèo. Ngày ông Út Tèo còn trẻ, đây là vùng đất tập trung nhiều giang hồ có số má của đất Sài Gòn nên các tệ nạn cũng nhiều. Tới khi nơi đây được giải tỏa trắng để làm dự án, đã toàn đất trống nên tình hình trật tự cũng diễn biến phức tạp.
Vậy nhưng một phần nhờ những hành động nghĩa hiệp của ông Út Tèo, hiện là trưởng ban bảo vệ dân phố phường An Khánh mà những người dân quanh đây yên tâm sinh sống.
‘Khắc tinh’ của giang hồ quận 2
Không khó để chúng tôi có thể tìm gặp được ông Út Tèo vì người dân ở đây ai cũng biết. Ông Út Tèo có vẻ ngoài đen nhẻm, khuôn mặt có phần hốc hác nhưng giọng nói thì cực rắn rỏi và dứt khoát.
tin liên quan
Bảo vệ dân phố ở TP.HCM được tuyển chọn như thế nào?Ông Út Tèo kể, trước khi làm việc cho khu phố mình sinh sống thì ông làm nhân viên trục vớt ở cảng Sài Gòn và công ty Ba Son. Đến khi phường thành lập Ban bảo vệ dân phố, ông được phân công giữ chức vụ Trưởng ban điều hành - Trưởng ban bảo vệ dân phố. Từ đó, ông bắt đầu chặng đường “trừ gian, diệt ác” từ đó.
Theo lời ông Út Tèo, khu vực An Khánh ngày trước là nơi tập trung của nhiều dân anh chị bảo kê, cướp có súng ngắn mang theo người như Tài “Ba Đô”, Lệ què, Dũng bia… Ở khu gần cảng nên nơi đây có đủ thứ tệ nạn, từ gái “nhảy tàu” đến dân bán kẹo cao su 'ép' (tức là ép phải mua, không mua là không xong).
Do rành rọt từng ngõ ngách địa bàn nên ông Út Tèo thường xuyên đi “tuần tra”, thấy có đánh nhau, cướp giật là ông bất chấp nguy hiểm nhảy vào xử lý ngay rồi mới gọi công an đến.
|
tin liên quan
Karaoke xóm, cán bộ xã đo tiếng ồn bị hành hung đến nhập viện: Xử lý nghiêmÔng Út Tèo kể, khoảng trước năm 2006, các vụ buôn bán ma túy tập trung đông tại khu gò mả giáp mé sông Sài Gòn. Đây là khu vực công an cũng khó vào được vì có cảnh giới. Sau khi được mật báo, ông Út Tèo tìm hiểu thì biết được lý lịch, quy luật hoạt động của nhóm này và phối hợp cùng công an triệt phá ngay sau đó.
Một vụ khác khiến ông Út Tèo nhớ mãi đó là vụ truy đuổi cướp vào năm 2010, khi cảm thấy không thể thoát thân được nữa, tên cướp quăng xe rồi nhảy cầu Thủ Thiêm, cây cầu mà theo lời ông Út Tèo, "10 người nhảy thì hết 9 người chết". Không để tên cướp thoát thân, với sẵn “nghề thợ lặn” ông Út Tèo lao mình xuống nước rồi đẩy tên cướp bơi vào bờ trước khi tóm gọn.
“Đến nay, nhiều trường hợp tui bắt ma túy như vụ Tâm Anh, Lem, chắc đi tù chưa về hoặc tử hình rồi, chỉ còn mỗi Tài “Ba Đô” với vài người nữa nhưng cuộc sống của họ giờ khác lắm, họ khép mình, không còn lộng hành “vỗ ngực xưng tên” như ngày trước”, ông Út Tèo chia sẻ.
|
Không chỉ tham gia bắt cướp hay ma túy, hiện nay ông còn tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, đánh nhau trên địa bàn. Ông cũng còn là người túc trực bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn, vớt xác chết trôi sông,…
“Chuyện tiếp xúc với xác là chuyện bình thường. Lúc trước tôi làm thợ lặn mỗi khi tàu chìm tôi còn lặn xuống để vớt mấy chục cái xác, thậm chí xác đã trương sình nổi lên tận la phông của tàu tôi còn nắm xác kéo xuống để đẩy ra ngoài nữa, huống chi mấy chuyện này”, ông Út Tèo bình tĩnh kể.
'Bây giờ tụi nhỏ rất là liều không giống như ngày xưa đâu...'
Nghĩa hiệp là thế, hễ nghe ở đâu có cướp giật, đối tượng buôn bán ma túy là ông Út Tèo lại tìm đến cùng phối hợp với lực lượng chức năng để tham gia giải quyết, góp phần đem lại sự bình yên cho bà con.
tin liên quan
Người bắt cướp bị bắn nát mặt, vươn lên cơ ngơi tiền tỉ: Khoảnh khắc đạn khạcNói về số lần ông giằng co với các đối tượng xấu, ông Út Tèo bảo có cố nhớ mấy cũng không biết kể đến bao giờ mới hết. Vạch áo và kể lại “tiểu sử” của những vết sẹo trên người, ông Út Tèo khiến chúng tôi “nổi da gà”.
Chỉ tay vào vết sẹo trên vai xuyên tới gần trước ngực, ông Út Tèo kể: “Năm 2006, sau khi bắt xong vụ ma túy lớn, bắt cả đầu nậu luôn, thì 1 tháng sau bị đâm như thế này. Còn nhiều vết khác nữa nhưng vết này là nặng nhất. Lúc đó tưởng chết thôi chứ sống gì nổi nhưng rồi cô thấy đó, bị đâm mấy nhát mà tôi có chết đâu”.
Còn vết sẹo ở ngang sườn xuyên từ lưng ra phía trước, ông Út Tèo giải thích là do trong một lần đuổi cướp bị đâm chống cự. Lúc đó máu chảy nhiều, chóng mặt nhưng ông không dám rút dao ra mà cố đuổi theo để tóm cho được tên cướp.
Nhiều lần như vậy đã tạo nên một “mối thù” giữa ông và đàn em của những đối tượng bị ông bắt. Do đó, Út Tèo nhiều lần bị kẻ xấu trả thù, đánh lén, mỗi lần như vậy trên người ông lại có thêm một vết sẹo mới.
|
Ông Út Tèo trăn trở: “Bây giờ tụi nhỏ nó rất là liều không giống như ngày xưa đâu. Tụi nó nói là làm chứ không lén lút như ngày xưa. Công an mà tụi nó còn dám chống nói chi là mình. Nên giờ tôi làm gì cũng phải kín đáo chứ không là mạng sống này cũng mong manh”.
Vậy mà nhiều thế hệ giang hồ, tội phạm sau khi trở về từ nhà tù đã tìm đến ông để hỏi cách hòa nhập cộng đồng.
Công việc của ông Út Tèo đầy khó khăn, nguy hiểm, thu nhập chẳng bao nhiêu, nhưng đối với ông được làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh cho bà con là niềm hạnh phúc lớn lao của chính bản thân ông rồi. Ông khẳng định: “Bắt cướp, bảo vệ bình yên cho xóm làng như số mệnh của mình rồi, còn sức khỏe là tôi còn làm”.
Bình luận (0)