Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Sài Gòn lãng quên đường thủy trên Thanh Niên số ra ngày 10.4.
Sông rạch TP.HCM khá lý tưởng cho vận tải đường thủy - Ảnh: M.K |
Đầy tiềm năng
Ai cũng nhìn thấy tiềm năng rất lớn của giao thông đường thủy tại TP.HCM. Cái lợi lớn nhất là luồng tuyến đã có sẵn, đường thủy đi qua hầu như mọi quận huyện và kết nối với các tỉnh lân cận. Trước đây, khi hay tin một công ty bất động sản đầu tư khu nhà ở cao cấp tại Long An và kết nối khu này với TP.HCM bằng đường thủy, bằng tàu cao tốc tôi lấy làm vui. Tôi tưởng tượng sẽ có một ngày TP.HCM phát triển như các nước châu Âu, cảnh trên bên dưới thuyền, phố xá thì tấp nập chắc sẽ rất thú vị. Tiếc rằng viễn cảnh ấy cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Nguyễn Thanh Hùng (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM)
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi thì đường thủy Sài Gòn vẫn có nhiều khó khăn, nhất là đường thủy liên tỉnh. Khó khăn thứ nhất là thủy triều, ảnh hưởng đến việc bố trí đi lại của tàu thuyền và cả người dân. Ngoài ra, đối với tàu, thuyền lớn còn bị cản trở bởi tĩnh không (khoảng cách mặt nước cao nhất đến gầm cầu). Hiện nay một số cầu trên tuyến sông quá thấp, tàu thuyền lớn không thể qua được. Ngoài ra, không như đường bộ, đường sông rất khó khăn trong việc tìm bến đậu, trạm chờ khách. Ðể giải quyết được hai trở ngại này trong bối cảnh đất chật, người đông như hiện nay là vấn đề không hề dễ dàng.
Vũ Ngọc Mạnh (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM)
Quá phức tạp để đầu tư
Tôi cho rằng đường sông TP.HCM không phải bị lãng quên mà là quá phức tạp để đầu tư nên nhiều nhà đầu tư bỏ chạy. Giao thông đường thủy đâu phải chỉ có sông, có biển là đủ mà cần phải có bến bãi và kết nối được với giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do ít chú trọng đến giao thông đường sông nên những khu vực có thể để làm bến đậu đã không được “xí phần” từ trước. Vì thế đến nay, đa số “mặt tiền sông, rạch” đều đã có chủ, muốn đầu tư một bến đậu hay cầu cảng là vô cùng khó khăn với nhà đầu tư.
Nguyễn Thúy Hạnh (P.14, Q.10, TP.HCM)
Nên có sự liên kết
Để giao thông đường thủy từ TP.HCM kết nối tốt với các tỉnh lân cận cần phải có một sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để phát triển đồng bộ. Hiện nay với hệ thống luồng tuyến chằng chịt kết nối từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận được xem là một nguồn tài nguyên "trời cho". Tuy nhiên, như thế thôi chưa đủ. Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có này, các địa phương đều phải đầu tư, cải tạo những bến bãi, điểm kết nối phù hợp, nạo vét luồng tuyến. Tất nhiên phải làm đồng bộ ở các tỉnh thành chứ tỉnh này làm tỉnh kia không hàng hóa biết tập kết ở đâu, tàu thuyền đậu nơi nào?
Đỗ Phước Khánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Vì sao ế khách
Khi tour đường thủy tại TP.HCM đi vào hoạt động thì ai cũng phấn khởi, muốn một lần được tham gia. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay các tour này vẫn không đông khách. Đúng là nếu chỉ đi trên thuyền rồi về thì đáng chán, cần khai thác thêm các dịch vụ khác như quà lưu niệm, chụp ảnh, nhà hàng, cà phê hay các điểm vui chơi khác. Mong rằng cùng với sự phát triển của giao thông đường thủy, trong tương lai sẽ là sự phát triển của các tour du lịch đường thủy, mang lại nét đặc trưng cho TP.HCM.
Ngô Phong Lan (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)
Trần Hữu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nguyễn Khánh Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)