Sáng kiến phục vụ dân ở TP.HCM

12/03/2018 10:33 GMT+7

Các phường ở TP.HCM có những sáng kiến để người dân dễ dàng tố giác tội phạm, phản ánh sai phạm, nộp hồ sơ... đến cơ quan chức năng.

Công khai số điện thoại, thưởng nóng
Để người dân tiện lợi trong việc gọi điện phản ánh những thông tin sai phạm, tố giác tội phạm, UBND P.Tân Thành (Q.Tân Phú) đã in số điện thoại của bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường và số điện thoại trực ban công an phường vào móc chìa khóa phát đến từng hộ gia đình.
Theo bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND P.Tân Thành, từ năm 2014 phường từng in sổ, trong đó có ghi tất cả các số điện thoại của lãnh đạo phường, nhưng qua thời gian cuốn sổ không phát huy hiệu quả.
Từ tháng 6.2017, UBND P.Tân Thành đã triển khai làm 6.500 móc khóa phát đến các hộ dân, phòng trọ trên địa bàn; đến nay đã nhận tổng cộng hơn 200 cuộc điện thoại, tin nhắn phản ánh về gây rối trật tự công cộng, xả thải nước, rác ra môi trường không đúng nơi quy định; xây dựng trái phép; tiếng ồn từ các quán cà phê, quán nhậu, vũ trường; tin báo cháy và tin tố giác tội phạm.
Sau khi tiếp nhận tin báo của người dân, lãnh đạo phường sẽ chỉ đạo các cán bộ chuyên môn xuống hiện trường giải quyết ngay. Bà Cúc cho biết, nhiều vụ trộm, cướp giật bắt được thủ phạm cũng nhờ… cái móc khóa.
Từ tháng 8.2016, UBND P.2, Q.Phú Nhuận lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của người dân trên địa bàn phường. Theo đó, chương trình có tên “Vì phường 2 - Phú Nhuận bình yên” treo băng rôn ghi rõ “khi cung cấp thông tin về tội phạm hoặc tệ nạn xã hội trên địa bàn phường đến số điện thoại (028) 38444813 thì cá nhân, tổ chức được thưởng từ 200.000 - 5.000.000 đồng”.
Ông Tạ Duy Thiện, Chủ tịch UBND P.2, cho biết phường đã tổ chức trao thưởng cho 2 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo tin tố giác có giá trị, tham gia truy bắt những tên trộm, cướp giật trên đường.
Điển hình như năm 2017, một người chạy xe ôm trên địa bàn P.2 phát hiện một nghi phạm có dấu hiệu buôn bán ma túy nên đã gọi đến đường dây nóng của phường báo đặc điểm nghi phạm. Lập tức, lãnh đạo phường đã chỉ đạo lực lượng công an cử trinh sát theo dõi nghi phạm và phá được một đường dây buôn bán ma túy.
Trong khi đó, UBND P.Đa Kao (Q.1) đã nghiên cứu xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 10.2017 website www.phuongdakao.gov.vn để giúp người dân thực hiện các giấy tờ hồ sơ đăng ký về các lĩnh vực như: tư pháp - hộ tịch; địa chính - xây dựng; LĐ-TB-XH; thông báo về điện, nước; tiếp nhận đơn thư, hình ảnh phản ánh, tố giác tội phạm…
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch UBND P.Đa Kao, trước đây để đăng ký hồ sơ về giấy khai sinh, giấy phép xây dựng… người dân phải lên phường chờ đợi, xin mẫu để đăng ký và hẹn ngày tới lấy. Nay, người dân ở nhà, vào địa chỉ www.phuongdakao.gov.vn vào mục cần tìm sẽ có mẫu rồi điền vào đó.
Người dân chụp ảnh những giấy tờ liên quan đính kèm theo là hoàn tất. 7 ngày sau, người dân mang giấy tờ gốc liên quan, lên phường đọc tên hồ sơ sẽ được cán bộ phường kiểm tra và trả kết quả. Với cách này, người dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Lãnh đạo P.Tân Thành (Q.Tân Phú, TP.HCM) đến nhà trao móc khóa cho người dân Ảnh: Công Nguyên
Làm tốt mới được tăng thu nhập
TP.HCM có 322 phường, xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện của TP. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn đã có những “sáng kiến vì dân phục vụ”, đóng góp tích cực vào thành công chung của TP, từ việc cải cách hành chính, an ninh trật tự, tổ chức lại vỉa hè, lòng đường, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo..., thể hiện được bản lĩnh khi đối diện với các vấn đề khó khăn.
“TP đã xây dựng đề án nâng cao thu nhập dựa trên hiệu quả công việc. Phường nào làm không tốt thì không thể nói đến chuyện được tăng thu nhập”, ông Phong nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.