Sạp báo vỉa hè là nét văn hóa đô thị: Cần linh hoạt cho các sạp báo

15/03/2017 13:02 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 14.3 đăng bài Sạp báo vỉa hè là nét văn hóa đô thị .

Sản phẩm đặc thù
Duy trì các sạp báo vỉa hè cũng là duy trì văn hóa đọc. Báo chí là sản phẩm đặc thù, do đó cần linh hoạt, làm sao người đi bộ có đường để đi, mà người bán báo cũng có thể đưa sản phẩm báo chí đến người đọc. Các sạp báo có thể thu gọn lại, và chính quyền cũng nên du di đôi chút, do thời gian bán báo chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ trong ngày.
Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Không chỉ mưu sinh
Tôi đã gặp rất nhiều người làm nghề bán sách báo. Thực ra, ở cái tuổi ngoài 60 họ có thể giải nghệ vì con cháu có thể chu cấp được nhưng họ vẫn muốn bán. Bán báo, bán sách là mang thông tin, mang tri thức đến với người đọc, vừa bán họ vừa có cái để đọc và chia sẻ cho người cùng đọc. Đó là những lý do nhiều người già vẫn nặng nợ với nghề bán sách báo. Vì vậy, xin đừng tước đi niềm vui ấy của người bán cũng như của nhiều người đọc khác. Hãy làm hết sức có thể để người bán sách báo có mặt bằng nhỏ để bày bán, vui với nghề, phục vụ người đọc.
Đỗ Văn Đức (Q.2, TP.HCM)
Làm đẹp quầy sách báo
Xin đừng gán ghép sách báo như những loại hàng hóa khác. Nhiều gia đình bán sách báo từ đời này qua đời khác, họ yêu sách báo và yêu nghề. Do đó, chính quyền cần bố trí những khu vực hợp lý để họ bày bán. Bên cạnh đó, người bán sách báo cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn trật tự vỉa hè, không bày sách báo tràn lan, bày trên nền đất, cần tạo nên nét đặc trưng, thẩm mỹ, văn hóa cho quầy để thu hút không chỉ người mua sách báo trong nước mà còn cả du khách. Một quầy sách báo đẹp, văn hóa thì chẳng ai nỡ dẹp, nỡ đuổi.
Huỳnh Minh Hoàng (Q.Đống Đa, Hà Nội)
Thói quen
Khi còn là học sinh cấp ba, tôi và lũ bạn đều là khách hàng quen thuộc của sạp báo vỉa hè gần trường, ai cũng có cảm giác nôn nao đợi từng cuốn báo tuổi học trò số mới nhất, rồi tiếp tục hồi hộp chờ đợi những cuốn truyện tranh mới... Lớn lên thì thói quen ghé sạp báo mua báo ngày, báo tuần, báo tháng đã trở thành thói quen. Một ngày không đọc báo khi uống cà phê là rất khó chịu. Đọc đã trở thành nếp, thành văn hóa của nhiều người dân thành phố. Việc đọc sẽ gặp khó khăn khi sạp báo không còn nữa. Mong chính quyền lưu tâm đến vấn đề này.
Trần Thị Lan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Khéo co thì ấm
Ông bà ta có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Người bán báo cũng cần thu gọn mặt bằng lại một chút, để dành chỗ cho người đi bộ, miễn người mua vẫn thấy mình bán. Khách mua báo cũng có ân tình lắm, mua báo chỗ nào quen rồi là ghé mua hoài. Vì vậy, người bán báo cũng nên tùy cơ ứng biến, chỉ trưng bày ít báo đang phát hành ngày hôm đó, bán hết báo này thì trưng bày báo khác. Nếu thu xếp gọn, đẹp thì người mua vẫn mua, chính quyền vẫn không đẩy đuổi.
Nguyễn Lan Phương (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Ngoài báo ngày thì tôi còn bán tạp chí. Người mua chỉ mua khi nhìn thấy tờ tạp chí. Do đó, nếu không cho bán báo ở sát vỉa hè thì chẳng bán được tờ tạp chí nào. Báo ngày thì đã có lượng bạn đọc cố định, khách đến mua thì mình mang ra, nhưng tạp chí thì cần phải trưng bày. Rất mong chính quyền tạo điều kiện để tôi được bán báo trên vỉa hè từ sáng sớm đến 12 giờ trưa mỗi ngày.
Trần Văn Nam (bán báo trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.1, TP.HCM)
Chính quyền nên bố trí đặt các ki ốt sách báo ở một số nơi thuận lợi trên vỉa hè, cho tư nhân đấu thầu để bán. Việc này vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Bên cạnh bán sách báo ở vỉa hè thì có thể bày bán báo, tạp chí, thông tin du lịch, quảng cáo... ở các siêu thị nhỏ, cửa hàng tạp hóa.
Võ Thị Phương Ánh (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.