Sinh viên trở lại trường, sà vào nhau trong vòng tay chào hỏi, như để bù lại cho đủ những thiếu hụt tương tác xã hội trong những ngày giãn cách. Con người khó lòng thoát khỏi cái tâm thức bản năng mình là một cá thể bị ràng buộc cố hữu trong mối quan hệ với quần thể xã hội. Bao nhiêu câu nhắc sẽ là đủ để họ tự giữ mình lại trong một khoảng cách được cho là an toàn để duy trì giãn cách xã hội tự giác?
Chưa kể, nếp sống đô thị có những kịch bản tiếp xúc gần không thể tránh khỏi. Tôi nhìn thấy sinh viên xếp hàng vào thang máy, có ý thức giữ cự ly giữa người trước với người sau dựa trên những vạch màu chỉ định trên sàn nhà. Nhưng ngay sau đó thôi, trong thang máy, họ sẽ phải đứng san sát nhau. Đi thang bộ lên lầu 6, lầu 7 để tránh một hoàn cảnh tiếp xúc gần như thế khó lòng là một lựa chọn chủ động của họ, trừ phi bị bắt buộc.
Một anh đang trong thang máy, không đeo khẩu trang, bỗng oang oang hỏi người đi cùng: “Hết giãn cách rồi đi thang máy có sợ không mày?”. Người trả lời cũng oang oang, và cũng không đeo khẩu trang: “Sợ chớ sao không sợ. Đứng gần như vầy mà không sợ mới lạ”. Rồi cả hai cùng cười ha hả.
Một người có ý quay đầu lại liếc hai người vừa nói, vẻ khó chịu. Hai anh kia nháy mắt ra hiệu cho nhau, ý là có người đang khó chịu kìa, rồi lại cười ha hả. Cửa thang máy mở, nhiều người vội bước ra, không rõ đã đến tầng lầu họ cần đi chưa. Tôi chợt nghĩ, chẳng lẽ đây sẽ là cái trạng thái “bình thường mới” sẽ diễn ra trong xã hội, cái trạng thái mà những người có ý thức phòng dịch có trách nhiệm sẽ phải chịu đựng rất khổ sở trước rất nhiều những kiểu hành vi xã hội thiếu ý thức và mất lịch sự như hai anh bạn nói trên?
Các chai cồn rửa tay vẫn để sẵn ở cửa ra vào các cơ quan, quán xá. Nhưng có vẻ chúng đã sớm trở thành một thứ đồ có tính biểu trưng cho sự thỏa mãn quá sớm về thành công của Việt Nam trong đợt đối phó dịch Covid-19 vừa qua. Ở một điểm dịch vụ tôi đến, tôi hỏi chai cồn rửa tay, thì cô nhân viên quán bèn cúi xuống góc tường lấy lên đưa cho tôi với một ánh mắt có phần e ngại. Không biết cô ấy cảm thấy ngại vì đã không thực hành đúng những chỉ định duy trì các kiểm soát chống dịch sau giãn cách xã hội, hay là ngại cái sự cẩn thận quá mức không cần thiết của tôi?
Một anh chạy xe máy trên đường, bỗng kéo khẩu trang ra và khạc nhổ ra đường. Bình thường, đó đã là một hành vi thiếu văn minh đáng lên án. Còn trong hoàn cảnh chống dịch, đó là một thứ tội.
Nguy cơ bùng phát và lây lan dịch ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM rõ ràng là rất khó lường, nên điều có ích nhất để ngăn chặn rủi ro này là duy trì một số thực hành sự cẩn trọng trong nếp sống, trong thói quen tương tác xã hội để bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác.
Vào thang máy thì nên thế nào để không chỉ giữ phép lịch sự, không làm phiền người khác mà còn để khỏi trở thành kẻ thiếu ý thức hành xử phòng chống dịch. Kinh doanh mua bán thì đừng quên duy trì những mức hỗ trợ tốt nhất có thể để bảo vệ khách hàng của mình, tức cũng là bảo vệ cơ hội làm ăn của mình. Ngoài đường thì nên như thế nào để không gây tội cho người khác.
Lời khuyên “Hãy thiết lập trạng thái bình thường mới” chỉ có thể có ngữ nghĩa cụ thể, rõ ràng trong từng hoàn cảnh tiếp xúc xã hội của bạn. Chẳng có Chính phủ nào có thể định nghĩa một danh sách quá chi tiết cho điều này để cấm hay là không cấm. Chẳng có ai giải nghĩa thay cho bạn, mà bạn phải tự giải nghĩa rõ ràng cho chính bản thân mình.
Bình luận (0)