Siêu bão số 9 đổ bộ: Triệu người miền Trung, ai cũng thấy 'kinh hoàng' giữa cuồng phong

Theo đại diện trung tâm KTTV Quốc gia, 12 giờ hôm nay 28.10 bão số 9 sẽ vào bờ. Siêu bão số 9 đổ bộ, gió to, mưa lớn, hàng triệu người miền Trung dọc từ Đà Nẵng , Quảng Nam, Quảng Ngãi vừa trú ẩn vừa thốt lên rằng: "Quá kinh khủng!".

Bạn đọc có thể chia sẻ thông tin người thân, tình hình người thân của mình trong vùng siêu bão số 9 quét qua, hoặc để lại lời chúc mong bà con miền Trung vượt qua thiên tai lần này trong phần: bình luận ở cuối bài. 

>> LIÊN TỤC CẬP NHẬT

Quảng Ngãi bà con thót tim trước mưa gió

Trao đổi với PV Thanh Niên lúc 11 giờ sáng nay, chị Phạm Thị Hương (40 tuổi) ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, chị và toàn bộ các thành viên trong gia đình đã đến khách sạn Đức Long (xã Bình Chánh) để trú ẩn. Hiện tại, có hơn 300 người dân đang trú ẩn cùng gia đình chị.

VIDEO: Bão số 9 quét qua kinh hoàng ở TP.Quảng Ngãi, đường phố với mưa như trút nước và gió giật thổi bay nhiều thứ

Chị Hương cho biết, điện nước đã bị cúp từ sáng sớm. Hiện tại sức gió rất lớn, nước biển đã dâng lên gần 2m, nhìn ra ngoài, thấy cây cối bị quật đổ, nhà cửa tốc mái khiến chị “thót tim”. Gia đình chị ở nhà cấp 4, lại gần biển nên dù có thực hiện các biện pháp chằng chống nhà cửa trước bão, chị cũng cảm thấy rất lo sợ. Được lệnh di tản của địa phương, gia đình chị cùng các hộ dân xung quanh lập tức đến nơi trú ẩn, chỉ kịp mang các đồ dùng thiết yếu nhất và giấy tờ tùy thân.

Sức gió quá mạnh khiến nhiều nhà dân ở xã Bình Chánh, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi bị tốc mái

Ảnh: CTV

“Tôi thực sự cảm thấy kinh hoàng trước sức mạnh của cơn bão này. Tôi mong rằng, gia đình tôi và những người xung quanh có thể an toàn đi qua cơn bão”, chị Hương thốt lên. 
Chị Trần Thị Thìn (44 tuổi, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể nhà chị gần khu vực sông Trà Bồng, lại là nhà cấp 4 đã xuống cấp nên khi nghe bão, 3 mẹ con chị tranh thủ di dời. Chồng chị mất cách đây 4 năm khi làm nghề cá trên biển, chị phải một mình di dời đồ đạc lên trên gác cao và đi sơ tán có phần khó khăn. “Tình hình gió và nước dâng hiện tại chắc nhà tôi phải ngập tới nóc. Chắc nhà tôi giờ chẳng còn gì”, chị Thìn buồn bã.

Toàn cảnh thiệt hại thảm khốc vì bão số 9 càn quét miền Trung

Gió quá mạnh, lực lượng dân quân tiến hành phải chèn cửa để cản sức gió

Ảnh: CTV

Hơn 300 người đến sơ tán tại khách sạn Đức Long, xã Bình Chánh, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi

Ảnh: CTV

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ tịch xã Bình Đông, H.Bình Sơn cho biết tình hình bão hiện tại rất phức tạp, gió giật khoảng cấp 10 đến cấp 12. Địa phương đã di dời gần 6000 người đến 8 địa điểm khác nhau trên địa bàn xã. Tại mỗi điểm sơ tán đều có các lực lượng dân quân, công an hỗ trợ cho người dân. Hiện tại, địa phương chưa thể ghi nhận được thiệt hại, tuy nhiên đã có nhiều nhà dân bị tốc mái và bị ngập.
“Ngay khi bão vừa dứt, chúng tôi lập tức sẽ triển khai công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão và ổn định cuộc sống”, ông Vũ cho biết thêm.
Hiện nhiều bà con tại Quảng Ngãi cho biết mưa to đến rất to đã khiến mức nước sông Trà Bồng dâng cao, gây ngập một số nhà dân ven sông. Hiện tại chính quyền địa phương đã sơ tán những hộ dân sống ven biển tại thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, H.Bình Sơn đến các trường học để tránh trú bão.

Bão số 9 vừa tàn phá, bão số 10 lại hăm he đe dọa miền Trung

Một nhà dân ở xã Tam Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam) bị tốc mái

ẢNH:MẠNH CƯỜNG

Kết nối với ông Đỗ Minh Dương (42 tuổi, ngụ tại H.Bình Sơn) được biết gió tại đây đã rất lớn, gây gãy đổ nhiều cây cối trên địa bàn. Tại khách sạn nơi ông Dương lưu trú (xã Bình Chánh, H.Bình Sơn), bão đã làm sập mái hiên trước cửa khách sạn, nhiều cây cối xung quanh gãy đổ. Ông Dương kể thêm hiện tại Quảng Ngãi mưa to đến rất to đã khiến mức nước sông Trà Bồng dâng cao, ngập một số nhà dân ven sông. Những hộ dân sống ven biển tại thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh thì được chính quyền địa phương đã sơ tán đến các trường học để tránh trú bão.

VIDEO: Người Quảng Ngãi khiếp sợ trước gió bão số 9 (Clip được quay tại Khách sạn Đức Long, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn do anh Đỗ Minh Dương cung cấp)


Bão đổ về, Quảng Ngãi tan hoang cửa nhà

 Mưa bão đổ về càng lúc càng mạnh khiến nhiều căn nhà ở Quảng Ngãi chịu hư tổn nặng nề. Theo chia sẻ của ông Phạm Quang Chuân (ngụ thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), mưa hiện rất lớn và gió thổi mạnh.
“Dù tâm bão chưa vào nhưng nhiều nhà đã bay nóc, cây cối gãy đổ khắp nơi”, ông Chuân kể. Trước tình hình khủng khiếp, người dân ở đây vô cùng sợ và lo lắng cho tương lai. Nhất là khi họ biết rằng, đây chỉ là giai đoạn khởi đầu của cơn thiên tai kinh khủng mà họ sẽ phải đối mặt nhiều ngày tới.

Nhà ông Quang Chuân đã bị tốc mái, xung quanh cây đổ ngã do gió bão quá mạnh

Ảnh do ông Quang Chuân cung cấp

Cây bật gốc và ngã la liệt tại nhà ông Chuân

Ảnh nhân vật cung cấp

Ở thị trấn Sông Vệ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, cách bờ biển 9 km, ông Hồ Văn Minh (65 tuổi) chia sẻ, bão vào từ 6 giờ nhưng đến 10 giờ trở đi thì tình hình bắt đầu nghiêm trọng, mưa lớn không ai dám ra ngoài, gió giật, gầm rú vô cùng khủng khiếp. Theo thông tin từ bạn bè ông Văn Minh, nhiều nhà đã tốc mái, cây cối ngã đổ, nguy hiểm muôn nơi. Nhà ông cung tan tác, đồ đạc hư hỏng. “So sánh với cơn bão đổ bộ năm 2017, tình hình giờ đây nghiêm trọng hơn hẳn”, ông khẳng định.
Ông kể, hôm qua chính quyền đã đi rà soát nhà dân, hỗ trợ chằng chống, dọn dẹp cây cối lớn, người dân cũng cố gắng chuẩn bị cẩn thận hết mức để đón bão, “nhưng mọi thứ hiện vẫn te tua”. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, ông Minh cũng chỉ có thể ““thất thủ” ngời đợi trợ giúp chứ không biết chạy đi đâu”.

Nhà tốc mái, vườn tược cây cối đổ ngã dù ông Văn Minh đã gia cố cẩn thận trước đó

Ảnh do ông Văn Minh cung cấp

“Mong rằng mọi người đều có thể sống sót bình an qua mùa thiên tai này chứ giờ tiền bạc của cải cũng ăn thua gì đầu!”, ông não nề chia sẻ.

Bà chủ khách sạn ở Lý Sơn cho dân trú ngụ

Trả lời Thanh Niên, chị Tiến (sống ở trung tâm huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) tường thuật, khu vực này cao ráo, khá an toàn nên chị đã mở cửa khách sạn mình kinh doanh cho bà con vào cư trú tránh bão từ đêm qua, hiện tại có hơn 10 người đang ở đây.
Chứng kiến siêu bão số 9 công phá, chị Tiến cho biết: “Cả đêm qua tất cả mọi người sống trong tình trạng lo lắng cùng cực, không tài nào ngủ được vì cơn bão càn quét quá kinh khủng. Gió giật mạnh lắm vô cùng hãi hùng đúng như đã được các phương tiện truyền thông dự báo, nhiều căn nhà xung quanh bị gió làm tốc mái dù đã được gia cố, cây cối ngoài đường đã được chặt bớt từ hôm qua nên đỡ thiệt hại phần nào. Cho tới thời điểm hiện tại, gió mưa có phần êm hơn một chút song mọi người vẫn rất sợ hãi, không ai dám bước chân ra khỏi nhà".
Cũng tại Nghĩa Kỳ, H.Tư Nghĩa Quảng Ngãi, anh Trương Quang Hậu người đã tường thuật cùng Thanh Niên vào rạng sáng nay cũng liên tục cập nhật tình hình từ lúc bão về đến nay. Anh nói: “Hiện nhà anh chỗ ở thì vẫn còn, còn cây cối ngoài đường thì ngã la liệt, khủng khiếp qua em ơi, giống như ngày tận thế vậy!”
Theo anh, nhà chị ba đã bị tốc mái hoàn toàn, hiện phải qua nhà hàng xóm lánh nạn. Theo như anh Hậu mô tả gió thổi kinh hoàng như gầm thét, tất cả mọi người đều ở trong nhà không ai dám ra ngoài.
Sáng 28.10, siêu bão số 9 càn quét qua huyện đảo Lý Sơn làm tốc mái nhiều ngôi nhà, cây xanh bị đổ ngã, cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Cập nhật tình hình bão số 9, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn Võ Trí Thời (35 tuổi, huyện Lý Sơn) cho biết sức gió tại huyện đảo lúc 9 giờ sáng lên tới cấp 12, giật cấp 14 gây mưa lớn. Có 3 trường hợp bị thương do gió lốc làm bay tôn vào người. May mắn là được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện để điều trị kịp thời. Riêng nhà cửa thì thiệt hại rất nhiều nhưng chưa thể thống kê được do tình hình bão còn phức tạp.

Bão số 9 đổ bộ vào Lý Sơn làm tốc mái nhà dân ở thôn Tây, xã An Vĩnh

ẢNH: TRẦN VĂN TƯỞNG

Theo ghi nhận, tại đây gió mạnh từ đêm qua đến giờ làm gãy đổ, bật gốc nhiều cây xanh trên huyện đảo. Anh Thời cũng cho biết cây đa sộp cổ thụ tại Dinh Đụn (xã An Vĩnh) cũng phải “đầu hàng” trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên khi bị tét thân cây. Đây là cây thứ 610 được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam trên cả nước.

Cây đa cổ thụ trên 200 năm tuổi ở xã An Vĩnh bị tét thân lớn vào sáng nay.

Ảnh: Lê Văn Vĩ

Bên cạnh đó, một số thuyền trú ở vùng neo trú An Hải, An Vĩnh bị lỏng neo rất nguy hiểm. Cá nuôi trong 48 lồng, bè bị chết rất nhiều do mưa bão và triều cường. “Tuy đã chủ động thực hiện phương án ứng phó, phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện và tuyên truyền vận động bà con sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên, bản thân mình vẫn thấy vô cùng lo lắng do sức gió đến rất mạnh và nhanh, đặc biệt là khi nhìn thấy quang cảnh tan tác vào sáng nay”, anh Thời chia sẻ.
Trước đó, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn Lý Sơn đã di dời 256 hộ dân với 873 nhân khẩu và tập trung tới các địa điểm kiên cố như Đồn biên phòng Lý Sơn, các trụ sở cơ quan hành chính, công an, quân đội trên địa bàn để đảm bảo an toàn cho người dân huyện đảo. 

Bình Định nhà tốc mái, mưa dột

Người Bình Định cũng hồi hộp không kém. Hình ảnh thông tin được chia sẻ trên trang Quy Nhơn Land cho thấy mưa to kết hợp với gió lớn xuất hiện từ rạng sáng 28.10 đã làm nhiều cây xanh trên địa bàn TP.Quy Nhơn tại các tỉnh đường Hoàng Văn Thụ, Trần Thị Kỷ gãy đổ ra đường.
Trả lời PV, anh Võ Xuân Trường (21 tuổi, trú tại P.Ngô Mây, TP.Quy Nhơn) cho biết khu vực này mưa đã giảm, nhưng gió vẫn còn rất to. “Tôi không dám ra đường, gió rất mạnh. Cửa nhà tôi bị gió giật dữ dội, rất nguy hiểm. Tôi rất lo lắng”, anh Trường chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Văn Kỳ (40 tuổi, ngụ thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết hiện tại có nhiều nhà tốc mái, cây ngã. “Nhà không sập nhưng đều tốc mái hết, ít nhất cũng vài tấm, nhiều thì trống cả căn nhà”, anh Kỳ cho biết thêm.
Nhà anh và người thân ở thôn của anh Kỳ nằm lọt giữa hai đèo, phía sau là núi, trước là đường ven biển ĐT.639. Lúc sáng anh đi ngang qua đèo thấy các biển báo bay rớt xuống, cây ngã chắn ngang đường nên chỉ có thể đi bộ, xe máy khó di chuyển được. Để cảm nhận được sức tàn phá của siêu bão số 9, đang nói chuyện với qua điện thoại, anh Kỳ phải ngưng giây lát để PV nghe rõ tiếng gió rít. 
Theo tường thuật của anh Kỳ, sáng nay anh ở bên nhà em trai mình tuy nhiên, sức công phá của mưa bão đã làm ngôi nhà mới xây này tốc mái, mưa ướt tràn vào nhà nên anh phải quay về nhà mình. Tuy nhiên, khi vừa về nhà thì nhà anh cũng bắt đầu tốc mái nên anh lại cùng vợ con chuyển qua nhà người thân kiên cố hơn ở gần đó.

Ngôi nhà mới xây của anh Nguyễn Văn Út đã bị tốc mái giữa bão số 9 tại Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn Bình Định

N.V.Út

Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ ngôi nhà tại đây cũng bắt đầu tốc mái, nước dột vào nhà. “Hiện tại mình chỉ biết trú ở đây thôi vì tình hình cũng còn ổn, nhưng nếu mưa to hơn nữa thì không biết đâu mà lần”, anh Kỳ hoang mang.
Theo lời kể của anh, trước đó, người dân trong thôn đều đã dằn bao cát lên nóc nhà, kiềng dây và đem thuyền lên bờ cột lại cho kiên cố. Tuy nhiên, nhiều nhà cũng đã tốc mái do gió thổi mạnh từng cơn.
Anh Kỳ cho biết khu vực của anh đã cúp điện từ tối qua đến giờ, hiện tại điện thoại anh chỉ còn ít pin và không có sạc dự phòng nên hạn chế liên lạc nếu không cần thiết.

Quảng Nam nhiều nhà tốc mái, có nhà tốc mái toàn bộ

Theo ghi nhận PV Thanh Niên đến khoảng 13 giờ 30 phút mưa lớn, gió rít từng cơn rất mạnh. Nhiều băng rôn, cây xanh trên địa bàn Quảng Nam đã ngã bổ. Tại huyện miền núi điện và giao thông bị tê liệt; nhiều nhà dân bị tốc mái, di dời khẩn cấp hơn hàng trăm người đến nơi an toàn. Nhiều người dân sinh sống lâu đời ở Bắc Trà My nhận định, họ chưa từng chứng kiến gió giật mạnh như cơn bão này gây ra trước đây. Thống kê ban đầu, có ít nhất hàng chục nhà dân bị tốc mái, trong đó có 4 hộ bị tốc mái hoàn toàn, hơn 150 hộ nhà ở có nguy cơ cao bị sạt lở…Toàn tỉnh có khoảng hơn 500ngôi nhà bị tốc mái. Giao thông các tuyến huyết mạch từ UBND H.Bắc Trà My về cácxã bị tê liệt do nước lũ các sông, suối dâng cao, băng qua các ngầm và dây điện sà, cây cối ngã đổ chắn ngang đường chưa thể dọn kịp để thông tuyến.

Cây xanh trên địa bàn TP.Tam Kỳ ngã đổ

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Hai cầu ngầm Sông Trường và Sông Nước Oa trên Quốc lộ 40B tại xã Trà Sơn, Trà Tân (H.Bắc TràMy) bị nước lũ chia cắt ngay từ sáng sớm nay. Nhiều người dân Quảng Nam tránh bão tại khách sạn cũng theo dõi tình hình bão. Anh Nguyễn Văn Hiếu (ở TP.Tam Kỳ) cho hay "gió rít thật khủng khiếp. Chưa bao giờ người dân chứng kiến cơn bão nào mạnh thế này. Ở thanh phố bão còn tàn phá khủng khiếp thế này thì nhữngkhu vực ven biển, miền núi thì người dân chịu sao nổi", anh Hiếu nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Rôn (ở xã Tam Tiến, H.Núi Thành) thảng thốt: “Bão khủng khiếp quá. Vùng biển này dường như tan hoang rồi, nhà cửa bị gió đánh bay hết mái. Gió rít từng cơn mạnh khủng khiếp”.

Người con xa xứ ngóng về quê nhà

Ngay lúc này trưa 28.10, cơn siêu bão số 9 Molave đã đổ bộ vào đất liền và gây mất sóng nhiều nơi. Trao đổi với Thanh Niên , anh Lê Quốc Gia Bảo (25 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP.HCM) đang rất lo lắng về tình hình bão đổ bộ vào quê mình. “Mắt bão vừa đi qua rồi nhưng thiệt hại thế nào thì chưa biết vì không thể kết nối được với người nhà, vì sóng yếu nên mình chỉ biết gió vẫn đang rít mạnh, tôn bay vắt vẻo ngoài đường, không chủ quan được.” anh Bảo lo lắng.

Hình ảnh trên đường Phan Đình Phùng, Thành phố Quảng Ngãi

Cũng trong tình trạng như vậy, anh Minh Khang (36 tuổi, là một người gốc Quảng Ngãi cũng đang ở TP.HCM) cho biết cũng đang cố gắng kết nối với người nhà tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhưng điện thoại liên tục báo thuê bao. Anh chia sẻ thêm: “Nghe tin bão về anh mất ngủ cả đêm, đến sáng nay anh liên lạc được với bạn bè ở An Nghĩa, họ nói mấy nơi gần biển toang hết rồi em ạ. Giờ gọi lại không được nữa, chỉ mong không thiệt hại về người, miền Trung bây giờ vất vả lắm em.”
Trên fanpage “Đồng Hương Quảng Ngãi” rất nhiều người con xa xứ bày tỏ sự lo lắng và hoang mang trước tình hình miền Trung phải hứng chịu những cơn bão liên tiếp.

Bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi càn quét miền Trung

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia trong vài tiếng gần đây, gió tại Quảng Ngãi đo đươc cấp 11 - 12 và giật cấp 14. Lưu lại giật cấp 14 trong vài tiếng nữa. Khu vực trong điểm gió mạnh là tâm Quảng Ngãi và một phần Quảng Nam. Tại Đà Nẵng gió khoảng cấp 9 giật cấp 12 vào lúc 14 giờ. Bình Định hiện có gió cấp 8, giật cấp 10. Sau đó gió sẽ mạnh ở Tây nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.