Sống ở Cuba: Tiếng lành đồn xa

Sống ở Cuba: Tiếng lành đồn xa

26/12/2016 10:33 GMT+7

Nhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.

Ở Cuba, có hai giới rất được yêu quý và kính trọng, đó là giáo viên và bác sĩ. Ra đường, nhìn thấy họ là người dân tay bắt mặt mừng, ân cần hỏi han như người thân.
Đến Mỹ cũng chào thua
Theo báo cáo quan sát toàn cầu của UNESCO năm 2012, Cuba đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng giáo dục qua các bài kiểm tra quốc tế, hiệu suất trung bình của học sinh khá cao so với các nước trong khu vực. Những nguyên nhân khả dĩ là đầu tư bền vững, giáo viên chất lượng cao, ưu đãi và tưởng thưởng học sinh, giáo viên, trường xuất sắc, giáo dục là nền tảng của cuộc cách mạng Cuba... Báo cáo cũng lưu ý Cuba nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc phát triển cá nhân, liên kết rõ ràng giữa giáo dục và cuộc sống, công việc, sản xuất.
Tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội Tài chính và Kinh tế quốc gia Cuba, nói với Thanh Niên: “Ngay từ năm 2 đại học, các nhà máy và công ty đã đến tận trường để tuyển dụng sinh viên vào thực tập. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Cuba có 2 năm thực hiện “nghĩa vụ xã hội” tại chính nơi họ đã thực tập rồi được tự do chuyển nghề, làm việc độc lập hoặc trở lại học tiếp”.
Yamile Alvarz Dreke, giáo viên Trường tiểu học Carlos Paneque Vazquez ở khu phố cổ (Havana), cho biết ở Cuba tất cả người dân đều bắt buộc phải học hết lớp 9. Nếu không chịu đi học sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể vào các trường dạy nghề. “Giáo dục ở đây miễn phí hoàn toàn từ khi biết đi đến sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (nếu vẫn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn). Những em học 2 buổi/ngày sẽ có ăn trưa, ăn xế. Sách vở, đồng phục cũng được cấp miễn phí. Nếu trẻ em không thể đến trường vì khuyết tật hay bệnh, giáo viên sẽ được cử đến tận nhà để dạy. Ngoài ra còn có đào tạo đại học từ xa thông qua truyền hình”, cô cho hay.
Theo thống kê của UNESCO cách đây vài năm, so với Mỹ, Cuba chi gấp đôi tỷ lệ ngân sách quốc gia cho giáo dục. Cụ thể, Cuba dành 12,9% GDP và 18,3% tổng chi của chính phủ cho giáo dục. Trong khi đó, ngân sách của Mỹ dành cho giáo dục là 5,4%.
Khó khăn nhưng hào hiệp
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận xét hệ thống y tế của Cuba là điển hình cho các nước. Theo WHO, năm 2015 Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Cuba trong 4 năm qua luôn ở mức thấp nhất thế giới: ít hơn 6/1.000 trường hợp.
“Xuất khẩu” chương trình xóa mù chữ
Theo Fox News, từ sau chiến dịch xóa mù chữ năm 1961, Cuba đã dẫn đầu khu vực Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe về tỷ lệ biết đọc viết, triển khai giáo viên xóa mù chữ đến hơn 20 nước. Qua chương trình Yo si puedo (Vâng, tôi có thể), hơn 6 triệu người đã biết đọc viết (trong đó có hơn 1,5 triệu người Venezuela).
Năm 2006, cùng với hơn 15 nước, Cuba được UNESCO trao tặng giải thưởng “King Sejong” về phương pháp học chữ sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân và xã hội. Mặc dù một số nước khác cũng nhận được giải thưởng này nhưng chỉ riêng Cuba được trao vì đã hỗ trợ các nước khác.
Trong thời gian ở Cuba, nhiều lần tôi thấy nhân viên dịch tễ đến từng nhà để kiểm tra tình trạng vệ sinh, xịt thuốc diệt muỗi, côn trùng. Đợt này, Cuba lo ngại vi rút Zika nên nhân viên y tế đến từng nhà để đo nhiệt độ, hỏi thăm từng người. Chính tôi cũng chứng kiến có người trong khu phố bị suy thận, 2 lần/tuần được nhà nước đưa xe đến chở đi bệnh viện để chạy thận rồi đưa về. Không tốn một đồng.
Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú khoa tim mạch tại Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, cho biết phụ nữ Cuba từ 25 - 60 tuổi cứ 3 năm/lần đều phải kiểm tra bắt buộc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Nếu không đi, bác sĩ sẽ đến tận nhà. Những người tàn tật, thiểu năng hoặc nằm liệt giường được cấp 200 peso/tháng (bằng 1/3 lương bình quân) và có người đến chăm sóc, hoặc nhà nước trả tiền cho người thân để bớt thời gian đi làm mà chăm sóc người nhà.
Với những bệnh nhẹ không phải nằm viện như cảm sốt, nhức đầu... người dân phải tự mua thuốc. Còn lại, nếu nằm viện thì tất cả miễn phí, kể cả tiền thuốc lẫn người chăm sóc. Ngay cả mổ tim, mổ não, đặt máy trợ tim nhân tạo cũng miễn phí.
“Do còn nghèo, nên Cuba đặc biệt chú trọng và đầu tư rất nhiều vào phòng ngừa bệnh vì chi phí phòng bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với chữa bệnh”, bác sĩ Việt cho biết.
Tôi cũng đem điều rất nhiều người thắc mắc để hỏi những bác sĩ, chuyên gia tại Cuba: “Y tế Cuba ưu việt như thế sao chưa thấy có vị nào được trao giải Nobel?”. Ivette Molina, bác sĩ gia đình tại tỉnh Villa Clara, giải thích những người nhận Nobel Y học đều từ các phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Còn Cuba vẫn khó khăn, làm gì đủ thiết bị, điều kiện kinh tế để nghiên cứu. Hơn nữa, dù không có giải Nobel nhưng WHO xác nhận Cuba là một trong những nước có đội bác sĩ thiện nguyện đông nhất thế giới, hỗ trợ miễn phí 30.000 bác sĩ cho các nước kém phát triển và luôn là quốc gia đầu tiên có mặt hỗ trợ ứng cứu sau những thảm họa trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.