Hàng tỉ đồng xóa mù chữ vẫn hoàn mù - Bài 2: Thả nổi kiểm soát chất lượng

16/06/2016 14:00 GMT+7

Việc đánh giá chất lượng học viên xóa mù chữ được Sở GD-ĐT giao cho Phòng GD-ĐT, trong khi đơn vị này lại thả nổi cho trường.

Theo khung chương trình tại Quyết định 13 năm 2007 của Bộ GD-ĐT quy định: các lớp xóa mù chữ có tổng số tiết là 750, trong đó lớp 1 có 240 tiết, lớp 2 và lớp 3 mỗi lớp có 255 tiết. Theo tìm hiểu của PV, từ lịch học mà các học viên cung cấp, ở nhiều trường, số tiết học có dấu hiệu bị cắt xén, không đủ thời gian như quy định.
Cả tháng học vài ba buổi
Tại H.Quỳ Châu, theo lịch của Phòng GD-ĐT cung cấp, thời gian học cho 7 lớp xóa mù này là 5 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 8 và kết thúc vào tháng 12. Như vậy, bình quân mỗi tháng phải dạy 150 tiết, tương đương với mỗi ngày 5 tiết. Thế nhưng, ở một số lớp như ở xã Châu Phong, Diên Lãm, các học viên cho biết họ chỉ được học vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, mỗi ngày 8 tiết (tương đương mỗi tháng khoảng 70 tiết). Học viên của xã Châu Thuận cũng cho biết, họ được bố trí học vào buổi tối, mỗi tối 2 tiếng đồng hồ (tương đương khoảng 90 tiết/tháng).
Trả lời câu hỏi của PV, nếu chỉ dạy buổi tối với chừng đó thời gian thì có đủ 750 tiết như chương trình quy định không, bà Trần Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Thuận không trả lời trực tiếp câu hỏi mà nói “cái này đã có lịch cụ thể, tôi không nhớ được”.
Tại xã Phà Đánh, H.Kỳ Sơn, các học viên lớp xóa mù cũng cho biết, họ chỉ được học mỗi tuần 2 buổi, có khi cả tháng chỉ học vài ba buổi, dẫn đến nhiều người vẫn chưa biết chữ sau khi đã xóa mù. Ông Nguyễn Thiện Hiếu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phà Đánh lý giải rằng, do phụ thuộc vào điều kiện của học viên nên không thể bố trí thời gian học như các lớp phổ thông. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng không dám khẳng định giáo viên đã dạy đủ số lượng tiết học theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Cao, Phó phòng GDTX (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho biết, từ năm 2015, giáo viên đứng lớp được hưởng chế độ phụ cấp theo số tiết dạy. Kinh phí bình quân mỗi khóa học ở cấp độ xóa mù, nhà nước phải bỏ khoảng 115 triệu đồng để trả phụ cấp cho giáo viên đứng lớp, chưa kể tiền học liệu cho học viên.

tin liên quan

Hàng tỉ đồng xóa mù chữ vẫn hoàn mù
Hàng ngàn người ở Nghệ An đã được xóa mù chữ với kinh phí nhiều tỉ đồng trong hơn 10 năm qua, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rất nhiều người vừa được xóa mù cuối năm 2015, nay đã tái mù.

Các trường tự dạy, tự đánh giá
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Cao, Phó phòng GDTX (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho biết, hàng năm, ngoài đợt kiểm tra 1 lần vào thời điểm khoảng giữa kỳ học để kiểm tra số lượng và năng lực học viên các lớp xóa mù, còn lại, Sở đều giao cho các phòng GD-ĐT giám sát chất lượng dạy xóa mù. Tuy nhiên, ông Bùi Hoàng Báu, Phó phòng GD-ĐT H.Quỳ Châu cho biết, mỗi khóa, phòng cũng chỉ cử chuyên viên đi kiểm tra được 1 lần vào giữa kỳ học, và “chủ yếu là kiểm tra lớp có học thật hay không và có bao nhiêu người đi học”. Ông Báu cũng cho hay, Phòng giao cho các trường tự dạy và kiểm tra, cuối kỳ học tự đánh giá chất lượng học viên, rồi báo cáo về phòng.
Sau khi nghe PV phản ánh về tình trạng nhiều học viên đã học xong xóa mù nhưng vẫn chưa đọc thông, viết thạo, bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Quỳ Châu thừa nhận, số học viên đã học xong chương trình xóa mù chỉ mới “ngang bằng học sinh lớp 1”. “Việc xóa mù rất khó khăn do nhận thức của người dân, đời sống kinh tế họ cũng còn khó khăn nên không tập trung theo học đến cùng”, bà Châu nói. Bà Châu cũng thừa nhận, trong quá trình do Phòng tin tưởng các trường nên không giám sát kỹ chất lượng xóa mù. Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Kỳ Sơn cũng thừa nhận, việc dạy và đánh giá chất lượng các lớp xóa mù Phòng giao cho các trường tự làm và cuối kỳ các trường tự đánh giá rồi gửi kết quả về phòng chứ phòng không đứng ra tổ chức kiểm tra sau khi kết thúc khóa học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.