Sưng tấy, mụn mủ...
Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho hai mẹ con cùng bị biến chứng nhiễm trùng da sau khi bôi và tiêm thuốc làm đẹp.
Người mẹ 47 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vùng mặt, sưng phù mặt, môi, mí mắt phồng mọng, kèm theo đó là tình trạng khó thở. Người con gái cùng nhập viện với gương mặt tương tự, hai mắt sưng húp, hai má chi chít những mụn nhỏ, sưng tấy.
Trong tình trạng mệt mỏi, các bệnh nhân này cho biết trước nhập viện khoảng 3 ngày, hai mẹ con cùng bôi và tiêm thuốc làm trắng da tại một spa ở Hà Nội để cải thiện nước da sáng hơn. Tuy nhiên sau khi tiêm thuốc thì vùng da mặt ngứa râm ran, nổi ban đỏ đau rát, sưng phù môi mắt và trên mặt nổi nhiều mụn mủ.
Người mẹ cho hay, “thuốc” tiêm cho hai mẹ con là 10 lọ nhỏ đóng trong hộp có chữ nước ngoài được spa này quảng bá giúp làm trắng da hiệu quả, dùng kết hợp với kem bôi.
tin liên quan
Thải độc cho da, được không?Gần đây có nhiều spa, cơ sở thẩm mỹ viện giới thiệu công nghệ làm đẹp tiên tiến trong đó có “thải độc” cho da với những lời quảng cáo có cánh như làm trắng da, giải độc chì để giúp da khỏe mạnh, hồng hào, căng bóng.
Theo bác sĩ Nguyễn Như Nguyệt, bác sĩ điều trị tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, những trường hợp bị dị ứng thuốc, mỹ phẩm làm đẹp thường gặp tại trung tâm này, trong đó nhiều bệnh nhân nữ nhập viện sau khi dùng nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc.
Các bác sĩ lưu ý, để an toàn cho làn da và sức khỏe, bất kỳ sản phẩm nào cũng cần có nguồn gốc rõ ràng - sản phẩm ghi rõ bằng tiếng Việt tên nhà sản xuất, địa chỉ, nhà nhập khẩu phân phối tại VN, hạn sử dụng. Nếu là thuốc phải có số đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp phép, nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Không dùng các mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bởi nếu gặp sự cố thì việc xử lý khó hơn và để lại tác dụng phụ lâu dài hơn.
Lưu ý khi tiêm truyền làm đẹp
Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện tại chưa có thuốc nào thay đổi da đen thành trắng được sử dụng tại cơ sở thẩm mỹ.
Chỉ có một số sản phẩm giúp đổi tông màu da, trông sáng hơn. Nhưng cần lưu ý, sản phẩm tiêm, truyền chỉ được phép sử dụng tại các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu, bệnh viện có bác sĩ phụ trách chuyên môn. Sử dụng sản phẩm phải do bác sĩ chỉ định, người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi chuyên môn.
Bởi chiếu theo thực tế thì không chỉ các loại kem, mỹ phẩm trôi nổi, rẻ tiền mới gây hại làn da, mà có người dùng những mỹ phẩm rất đắt tiền, thương hiệu nổi bật nhưng vẫn bị dị ứng. “Mỹ phẩm và thuốc đều có nguy cơ gây dị ứng. Với các dịch vụ tiêm truyền yêu cầu rất nghiêm ngặt về vệ sinh, vô khuẩn, chống sốc, các spa không được phép thực hiện”, bà Hà nói.
tin liên quan
Lãnh hậu quả vì mỹ phẩm dỏm - Kỳ 2: Lỗ hổng quản lý mỹ phẩmCơ quan chức năng không kiểm tra, thẩm định trước đối với các cơ sở đăng ký sản xuất mỹ phẩm, mà các cá nhân tự công bố, đăng ký sản phẩm rồi tự sản xuất tung ra thị trường. Điều đó khiến thị trường mỹ phẩm hiện nay, thật - giả lẫn lộn.
“Thực tế, cơ quan quản lý đã phát hiện mỹ phẩm, “thuốc” không rõ nguồn gốc; người hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn. Đây là những vi phạm phải chịu xử phạt nặng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe khách hàng”, bà Hà khẳng định.
PGS-TS Trần Nhân Thắng, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý thêm: “Nhiều người thích tiêm, truyền “đạm” hoa quả, vitamin C để làm trắng da, nhưng thực sự không có tác dụng đổi màu da. Ngược lại, việc này còn có nguy cơ gây sốc phản ứng phản vệ, dị ứng nặng và nguy hiểm đến tính mạng”.
Bình luận (0)