Cha đẻ thuốc kháng sinh đã cảnh báo siêu vi khuẩn từ 70 năm trước

28/05/2016 19:30 GMT+7

Thế giới đang đứng trước tương lai không mấy sáng sủa khi những loại kháng sinh chữa bệnh trở nên vô dụng với một số chủng siêu vi khuẩn . Kịch bản này từ lâu đã được ông Alexander Fleming, cha đẻ của thuốc kháng sinh, cảnh báo.

Nhà vi khuẩn học người Scotland ông Alexander Fleming đã phát hiện ra penicillin - Ảnh chụp mà hình trang Tech Insider

Một nghiên cứu mới đây ở Anh dự đoán thế giới sẽ chứng kiến 10 triệu người chết vào năm 2050 vì siêu vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nếu chính phủ các nước không can thiệp. Con số này còn cao hơn con số gần 8 triệu người chết/năm do bệnh ung thư hiện nay.
Năm 1928, khi đang thí nghiệm với vi rút cúm, nhà vi khuẩn học người Scotland - ông Alexander Fleming - đã có một khám phá tình cờ làm thay đổi số mệnh hàng triệu người, theo Tech Insider.

Ông đã quên dọn dẹp nơi làm việc trước khi đi nghỉ. Lúc trở về, ông phát hiện một loại nấm mốc lạ mọc trên đĩa cấy vi khuẩn. Điều kỳ lạ là vi khuẩn lại không phát triển được trên những đĩa cấy này.
Thứ nấm mốc đó dường như đã giết chết vi khuẩn mà nó chạm vào. Nói theo cách hiểu ngày nay thì loại nấm mốc này có những đặc tính kháng sinh.
Sau nhiều năm nghiên cứu để tìm ra loại thuốc diệt vi khuẩn, ông đã tình cờ phát hiện ra nó. Vài tuần sau, Fleming phát hiện nấm mốc trên thuộc chi Penicillium.

Ông quyết định gọi thành phần trong nấm có khả năng diệt vi khuẩn là “penicillin”. Năm 1940, các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đã tách thành công penicillin và phát triển thành thuốc kháng sinh đầu tiên của con người.
Khi đó, penicillin được dùng để chữa trị vết thương nhiễm khuẩn và cứu sống rất nhiều thương binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai .
Không chỉ biết khả năng chữa bệnh kỳ diệu của penicillin, Fleming còn dự đoán được thế giới sẽ đối mặt những gì nếu kháng sinh trở nên vô dụng. Kháng sinh đầu tiên cũng giúp chữa trị bệnh viêm phổi, giang mai, lao, hoại tử và bạch hầu. Penicillin đã mở ra kỷ nguyên phát triển đáng kinh ngạc của y học thế kỷ 20.

Trong cuộc phỏng vấn ngắn sau khi được trao giải Nobel vào năm 1945 nhờ phát hiện ra penicillin, ông từng nói rằng “những kẻ lạm dụng khi sử dụng penicillin sẽ chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho cái chết của những người tử vong vì nhiễm vi khuẩn kháng penicillin”.
Hiện nay, nhiều ý kiến đã lên tiếng cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh. Trang Tech Insider dẫn lời nhà báo Mỹ Maryn McKenna cho rằng khoảng 50% thuốc kháng sinh ở các bệnh viện Mỹ là không cần thiết. 45% toa thuốc kháng sinh của bác sĩ không giúp ích cho bệnh nhân. 80% lượng kháng sinh ở Mỹ là dùng cho động vật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.