Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, thời gian qua, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn chấn thương vùng hàm mặt.
Như bé trai (9 tuổi, ngụ Lâm Đồng) trong khi chơi đùa cùng bạn bè, xô đẩy thì bị té đập mặt vào trụ xi măng. Bé nhập viện trong tình trạng mặt mày bê bết máu, máu tụ trong miệng, vùng môi bị rách, trầy xước má, gãy nhiều răng hàm dưới.
Qua chụp phim, các bác sĩ còn nhận thấy ở vùng mặt, bé gãy xương hàm dưới, gãy xương ổ, gãy cổ lồi cầu xương hàm khiến gương mặt biến dạng. Bên cạnh đó, bé cũng bị gãy xương cẳng chân trái.
Bé được điều trị nội khoa, nâng đỡ thể trạng và sau đó mới được phẫu thuật.
tin liên quan
Cầm muỗng chơi, em bé bị đâm rách thực quảnCầm chiếc muỗng chơi, bé gái 16 tháng tuổi bị xốc muỗng, đâm rách toạc thực quản dài 7 cm.
Một trường hợp khác là bé trai (13 tuổi, ngụ Phú Yên) đi xe đạp điện đã va chạm với xe máy, bị chấn thương nặng vùng hàm mặt. Sau khi điều trị một tuần tại Bệnh viện Phú Yên, bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng rách môi, tụ máu mắt.
Phim chụp X-quang cho thấy bé vỡ xương chính mũi; xương hàm gò má, xương ổ mắt bị gãy lệch và vỡ xoang hàm nghiêm trọng. Các chấn thương khiến bé không thể khép kín miệng và ăn uống được. Bác sĩ Đẩu đánh giá, trường hợp của bệnh nhi rất nặng và can thiệp vô cùng khó khăn để lấy lại chức năng vận động và hình dáng khuôn mặt ban đầu của bé. Các bác sĩ phải mổ để cố định lại xương hàm mặt cho bệnh nhi.
Di chứng sẹo, xương, biểu cảm lâu dài
Theo bác sĩ Đẩu, các tai nạn vùng mặt của trẻ thường xảy ra do tai nạn giao thông, tai nạn khi chạy chơi, đùa giỡn, xô đẩy và đặc biệt tăng cao trong những ngày nghỉ. Các bệnh nhân nhập viện thường có tổn thương vùng hàm mặt đa dạng, ở nhiều vị trí khác nhau. Di chứng thường gặp là sẹo trên vùng mặt, sẹo co kéo ảnh hưởng chức năng; di chứng liên quan phần xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, phục hình răng sau gãy.
|
“Những chấn thương vùng hàm mặt để lại nhiều di chứng nặng nề về chức năng lẫn thẩm mỹ. Bác sĩ có khéo tay chăm chút đến đâu cũng không tránh khỏi để lại vết sẹo sau mổ. Có sẹo chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ nhưng có sẹo co rút có thể ảnh hưởng chức năng vận động của các cháu”, bác sĩ Đẩu đánh giá.
Theo bác sĩ Đẩu, sẹo vùng mắt khiến mắt bị kéo không nhắm kín được. Sẹo có thể kéo lệch một bên mặt hoặc làm liệt dây thần kinh khiến việc biểu cảm trên gương mặt trẻ không còn chính xác. Cấu trúc phần mềm trên gương mặt trẻ cũng bị tổn thương do tai nạn như xệ mắt, nụ cười không cân đối.
Ngoài ra, một di chứng đáng lo ngại nữa là di chứng phần xương. Khi lành thương, xương vùng mặt có thể bị thiểu sản không phát triển bình thường khiến gương mặt thiếu cân đối. Nếu bị gãy răng vĩnh viễn thì trẻ phải chịu lắp răng giả.
tin liên quan
Thử súng săn, cậu bắn 'đạn' bi xuyên vào mắt cháuCầm súng săn tự chế, ngắm thử, dọa cháu, không ngờ bóp cò, trong súng vẫn còn 'đạn' bi, cậu bắn xuyên vào mắt cháu.
Bác sĩ Đẩu cho biết thêm: Kết quả hồi phục đối với các bệnh nhi bị ngã gãy xương hàm, tổn thương vùng mặt phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ, vị trí gãy, tình trạng vết thương. Tuy nhiên, trẻ bị chấn thương phải tốn nhiều thời gian để hồi phục.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý trông nom trẻ; dặn dò, hướng dẫn con kỹ năng tránh các tình huống có thể gây ra tai nạn, đặc biệt là khi đùa chơi, chơi các trò chơi vận động, tại các chỗ đông người. Khi chở trẻ bằng xe máy phải đội nón bảo hiểm, cho trẻ ngồi ở vị trí an toàn; đi ô tô phải thắt dây an toàn cho trẻ.
tin liên quan
Bác sĩ 10 chuyên khoa cứu bé sơ sinh bị bướu máuKhối bướu máu như một con quái vật hút hết máu trong cơ thể em bé. Bệnh viện phải huy động cả 10 chuyên khoa và ngân hàng máu để cứu bé sơ sinh ngay trong dịp tết.
Bình luận (0)