Viêm màng não do não mô cầu gây bệnh cảnh rất nặng, diễn biến nhanh khiến bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn.
Sốt cao có thể là biểu hiện của viêm não mô cầu - Ảnh: Shutterstock |
Tấn công người trẻ
Sau nhiều năm dài vắng bóng, vừa rồi tỉnh Hải Dương đã ghi nhận một bệnh nhân (nữ, 18 tuổi) tử vong do não mô cầu. “Đây là ca bệnh đầu tiên sau hơn 10 năm không ghi nhận viêm não mô cầu tại địa phương”, ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu. Mới đây nhất, tại hai huyện Đông Anh và Quốc Oai (Hà Nội) đã ghi nhận hai ca bệnh não mô cầu là nam giới (30 tuổi và 24 tuổi). Hàng chục người tiếp xúc gần với các bệnh nhân này đều đã được điều trị dự phòng, theo dõi sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết não mô cầu nguy hiểm do diễn biến rất nhanh, chỉ sau vài tiếng nhiễm đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn.
Số bệnh nhân mắc não mô cầu trong các năm gần đây ít hơn so với thời điểm 5 năm về trước. “Cũng do ít được biết đến trong cộng đồng và bệnh có thể bị nhầm với sốt xuất huyết, khiến người dân trì hoãn đến bệnh viện, làm tăng nguy cơ tử vong”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng bệnh não mô cầu lây chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Mọi người đều có nguy cơ nhiễm và mắc bệnh, tuy nhiên thường gặp ở người trẻ (18 - 25 tuổi).
Theo dõi chặt chẽ khu vực có dịch
“Khi có biểu hiện nghi ngờ viêm não/màng não mô cầu như: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, cổ cứng, nổi ban xuất huyết trên da cần đến ngay cơ sở y tế”, ông Phu khuyến cáo.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh nhân mắc não mô cầu phải được cách ly tại phòng riêng và thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Người tiếp xúc gần với ca bệnh (những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học) cần được dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày. Tại gia đình bệnh nhân và cộng đồng khu vực ổ dịch, cần được giám sát, báo cáo dịch hằng ngày.
Theo ông Phu, viêm màng não do não mô cầu liên quan nhiều đến điều kiện vệ sinh cá nhân, môi trường sống, do đó cần thực hiện vệ sinh bằng cách mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí, có nhiều ánh nắng cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hằng ngày.
Dịch viêm màng não do mô cầu thường gia tăng vào mùa đông - xuân. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể phòng bằng tiêm vắc xin.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
|
Bình luận (0)