Đôi mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm. Khi tiếp xúc trực tiếp với kính áp tròng, nó càng dễ bị tổn thương hơn. Vì thế, cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho “cửa sổ tâm hồn”. Dưới đây là những điều cần tránh khi dùng kính áp tròng.
Đeo kính áp tròng khi bơi hoặc tắm vòi sen
Khi tiếp xúc với nước, kính áp tròng có thể “trôi” khỏi vị trí ban đầu, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn và còn có thể gây tổn thương tới mắt. Không những thế, loại ký sinh trùng Acanthamoeba được tìm thấy trong nước máy, nước bể bơi hay ngoài biển rất thích “bám” vào kính áp tròng, sau đó tấn công trực tiếp giác mạc, ăn mòn chúng… Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nó sẽ khiến thị lực bị suy giảm nhanh chóng, dẫn đến mù lòa chỉ trong thời gian rất ngắn.
Đeo kính áp tròng khi ăn lẩu
Kính áp tròng được làm từ chất dẻo, đeo bằng cách đặt trực tiếp lên bề mặt con ngươi để điều chỉnh các tật khúc xạ hay làm đẹp. Theo chỉ định của các bác sĩ nhãn khoa, khi sử dụng kính áp tròng, cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với hơi nóng từ bếp gas, lửa, khí nóng… Điển hình, việc đeo kính áp tròng khi đang ăn lẩu, ăn đồ nướng, nấu ăn, thậm chí là vào phòng tắm hơi sẽ rất nguy hiểm bởi hơi nóng sẽ làm tròng kính bị co lại, gây tổn thương cho mắt, thậm chí còn dẫn đến mù lòa.
tin liên quan
Bác sĩ ơi: Vừa cận vừa loạn, đeo kính áp tròng được không?Em vừa cận vừa loạn, có thể đeo kính áp tròng được không? Xin bác sĩ cho biết đeo như thế nào cho khoa học? (hanh_nu87…@yahoo.com)
Đeo kính áp tròng khi ngủ
Khi đi ngủ, nhớ bỏ kính áp tròng ra bởi vì quá trình oxy hóa có thể bị cản trở gây viêm giác mạc và làm kính áp tròng trở nên mờ, khó nhìn. Kể cả khi chỉ chớp mắt trong chốc lát vào buổi trưa hoặc khi chuẩn bị đi ngủ buổi tối, cũng nên tháo kính áp tròng ra.
Không rửa tay trước khi chạm vào kính
Nhiều người không rửa tay bằng xà phòng trước khi chạm vào mắt hay kính áp tròng có thể đưa vi khuẩn xâm nhập vào mắt. Theo các chuyên gia nhãn khoa, khi chạm vào kính áp tròng mà chưa rửa tay hoặc kính áp tròng đã bị bẩn, nên lấy nó ra rửa và đặt vào lại.
Đeo kính áp tròng một thời gian dài
Nếu buộc phải dùng kính áp tròng thường xuyên mới nhìn thấy được thì thời gian tối đa cũng chỉ nên trong khoảng từ 8-10 giờ/ngày. Nếu đeo kính áp tròng trong thời gian quá dài, mắt sẽ bị thiếu oxy giác mạc, gây mờ mắt, có thể dẫn đến sẹo tròng đen mắt.
tin liên quan
Giải đáp thắc mắc về kính áp tròng(TNO) Có an toàn để tái sử dụng kính áp tròng? Có nên đeo kính áp tròng khi tắm?... là những điều mà không ít người thắc mắc.
Sử dụng một hộp kính áp tròng cả năm
Trong nhiều trường hợp, tiết kiệm là tốt, nhưng trong trường hợp dùng kính áp tròng thì không nên. Hộp kính áp tròng nên thay thế 3 tháng 1 lần, bởi nguyên nhân gây ra viêm nhiễm đầu tiên chính là hộp kính bẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy không thay thế hộp kính trong vòng 6 tháng làm tăng nguy cơ mắc viêm giác mạc gấp 5 lần.
Không vệ sinh cẩn thận
Khử trùng kính áp tròng hằng ngày với đồ chuyên dụng để ngăn không cho mắt bị viêm là điều cần thiết. Nước rửa mắt kính áp tròng phải là nước chuyên dụng, chứ không đơn thuần là nước rửa bình thường hay lau khô vì sẽ làm tổn hại đến kính áp tròng. Khi kính áp tròng bị hỏng sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề về mắt.
Sau mỗi lần tháo kính, cần phải rửa lại - thay mới toàn bộ phía trong khay đựng và kính áp tròng thật sạch, thay khay đựng 5-7 tuần/ 1 lần.
Bình luận (0)