Thời gian quan trọng như thế nào đối với đột quỵ?

26/10/2016 21:06 GMT+7

Theo Tổ chức y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong mỗi năm).

Ước tính mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong. Bên cạnh đó, theo các thống kê từ Mỹ thì trong các trường hợp đột quỵ, 80-85% là nhồi máu não, phần nửa trong số đó (khoảng 40% các trường hợp đột quỵ) là do tắc các mạch máu lớn trong não.
Dễ tử vong
Đột quỵ nói chung và đột quỵ lấp mạch não nói riêng có nguy cơ tử vong khá cao và nguy cơ để lại di chứng tàn tật ảnh hưởng cuộc sống người bệnh sau này cũng rất cao (khoảng 10 - 20% tử vong và hơn 80% di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời). Với các tiến bộ trong điều trị đột quỵ hiện nay, nếu người bệnh đột quỵ lấp mạch não có tắc các mạch máu lớn trong não được tiếp cận điều trị trong thời gian vàng với thuốc tan huyết khối (trong 4 - 5 giờ đầu) và can thiệp tái thông mạch não (trong 6 giờ đầu), thì cơ hội để người bệnh hồi phục có thể tự sinh hoạt về sau là hơn 50%.
Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị Đột quỵ thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - phần lớn người bệnh đột quỵ không đến được bệnh viện trong thời gian vàng. Ngay ở Mỹ, ước tính chỉ 10% người bệnh đột quỵ lấp mạch não đến được bệnh viện trong thời gian vàng để được điều trị tái thông mạch não kịp thời. Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tỷ lệ người bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát chỉ khoảng 5%. Chạy đua với thời gian là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị loại bệnh lý này.
Điều trị
Thuốc tan huyết khối (tiêu sợi huyết) là điều trị nền tảng và không thể thiếu nếu người bệnh đến kịp lúc trong 4 - 5 giờ đầu tiên (tốt nhất trong 3 giờ đầu tiên). Tuy nhiên phương pháp này chỉ tái thông được 20 - 25% các mạch máu lớn. Trong trường hợp với tắc các mạch máu nhỏ thì can thiệp nội mạch mang lại hiệu quả cao hơn. Khoảng 2-3 năm gần đây, các dụng cụ can thiệp và kỹ thuật can thiệp ngày càng được hoàn thiện dần, và cho tỷ lệ tái thông hoàn toàn cao hơn lên đến 70-80%, nguy cơ tái biến xuất huyết thấp hơn 5 - 10%.
Những ai dễ bị đột quỵ lấp máu não?
Đầu tiên phải kể đến đó là những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch chung như hút thuốc lá, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… Riêng thuốc lá là nguy cơ rất cao cho đột quỵ. Ước tính người hút thuốc lá nhiều hơn 1 gói/ngày, thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần, còn hút thuốc ít hơn thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với bình thường. Nếu ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống, và ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc. Kế đến là nhóm người có một số bệnh lý mang tính chất gia đình như dị dạng mạch máu, túi phình mạch máu não hoặc các bất thường tắc nghẽn mạch máu bẩm sinh…
Đột quỵ nếu xảy ra thường rất nặng nề, do đó nên phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, hạn chế bia rượu, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng, huyết áp lý tưởng, và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm.
Đột quỵ lấp mạch não có thời gian vàng rất ngắn chỉ từ 3 - 6 giờ, nên cần nhận thức được "thời gian là não", chạy đua với thời gian để đưa người bệnh đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ chuyên sâu nhanh nhất có thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.