Sưng tấy nhiễm trùng, da bị nổi cục, cằm lệch vẹo... là những tai biến đã xảy ra với một số khách hàng sau khi làm đẹp bằng chất “làm đầy” trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: Shutterstock |
Tiêm làm đẹp, hậu quả... xấu và đau
Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đợt kiểm tra vừa qua tại các phòng khám thẩm mỹ vẫn tồn tại nhiều vi phạm: quảng cáo quá mức phạm vi hành nghề được cấp phép; sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc, sản phẩm xách tay... Đáng lưu ý, mới đây đã xảy ra nhiều sự cố tại các spa. Đó chỉ là các cơ sở chăm sóc da, không có bác sĩ phụ trách, không có bằng cấp chuyên môn nhưng vẫn thực hiện dịch vụ tiêm để làm đẹp. Những vi phạm này là nguyên nhân gây tai biến cho khách hàng. Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, gần đây dịch vụ làm đẹp bằng chất làm đầy (filler) đã được quảng bá nhiều, tuy nhiên nếu không được kiểm soát chất lượng thì dịch vụ này có thể gây tai biến: sưng, bầm, bội nhiễm vùng da tiêm dung dịch.
Một khách hàng nữ ở Hà Nội cho biết cô được chủ cơ sở thẩm mỹ tư vấn tiêm filler giúp tạo hình đẹp như ý muốn và an toàn, không biến chứng như phẫu thuật, nên đã lựa chọn để nâng mũi. Sau khi tiêm, sống mũi lổn nhổn, vón cục rồi thâm tím nhiều ngày. “Trước lúc tiêm, họ nói là dịch vụ có bảo hành nhưng khi mũi bị nổi cục như vậy, tôi gọi điện khiếu nại thì chủ cơ sở chối bay, và bảo đóng thêm tiền để tiêm lại”, nạn nhân bức xúc.“Cái cằm thon của tôi chỉ vài ngày thì biến mất, thay vào đó là một cục nổi lên do chất tiêm bị vón lại trôi xuống gần cổ sau khi chủ spa tiêm chất làm đầy”, một nữ khách hàng khác than vãn.
Filler hay keo da trâu ?
“Chúng tôi có biết về một số sản phẩm trôi nổi, giá rất rẻ chỉ vài trăm ngàn đồng/lọ dung dịch màu trắng, được giới thiệu là collagen, nhưng thực ra không biết trong đó thành phần là gì. Có thể là collagen kém chất lượng, collagen làm từ da trâu (còn gọi là keo da trâu). Khi chất này đưa vào cơ thể thì sẽ đóng vón, nổi cục. Nếu cơ sở làm đẹp vì lợi nhuận mà sử dụng các sản phẩm này thay cho filler thì việc gây tai biến là khó tránh khỏi”, bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba cho biết.
Theo bác sĩ Thái, bản chân chất filler là hoạt chất sinh học, thích ứng được với cơ thể, được sử dụng trong thẩm mỹ. Chất này có tên acid hyalurounic hữu cơ. Tuy nhiên, các chất này phải có nguồn gốc rõ ràng, công bố chất lượng tại cơ quan quản lý. Khi đưa vào cơ thể (tiêm) dưới da filler sẽ thẩm thấu hút nước phồng lên tăng thể tích, từ đó làm căng đầy bề mặt da. Trong thẩm mỹ làm đẹp, chất này sử dụng để nâng mũi, làm căng da mặt, căng mọng môi... Sau một thời gian trung bình 12 - 18 tháng, chất này lại đào thải ra ngoài và phải tiêm lại nếu muốn duy trì kết quả thẩm mỹ.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý, khi có một chất lạ đưa vào, cơ thể có thể phản ứng lại, gây dị ứng, viêm da. “Ngoài ra, tiêm chất làm đầy này cần đúng liều lượng, mức độ nông - sâu dưới da, tùy vùng da để an toàn và thẩm mỹ, đạt được độ căng, phẳng trên bề mặt da, tránh bị nổi sần”.
Bác sĩ Thái đặc biệt nhấn mạnh, lo ngại nhất là tình trạng khách hàng không kiểm soát được chất lượng nên bị tiêm silicon lỏng. Chất này vô cùng nguy hại bởi khi vào cơ thể sẽ lan tràn đến nhiều nơi gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Khi tiêm vùng ngực, mặt... chúng gây biến dạng gương mặt; ngực nổi từng đám u, cục, méo mó. Chất này rất khó lấy ra hết và dễ gây viêm nhiễm.
Bình luận (0)