Sự tin yêu
Trong bối cảnh thông tin báo mạng phát triển rầm rộ như hiện nay, báo in đang chịu một sức ép rất lớn về cạnh tranh. Tuy vậy, rất nhiều độc giả vẫn trung thành với báo in Thanh Niên, coi nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu, như bạn đọc Huỳnh Thị Bông (25 tuổi) nhận xét (những đoạn dẫn sau đây xin trích nguyên văn): Về chất lượng và vị thế báo Thanh Niên với bạn đọc thì khỏi bàn cãi. Đây là một trong những tờ báo uy tín nhất cả nước về độ trung thực thông tin. Vấn đề này rất quan trọng vì khi đọc đâu đó trên mạng chưa chắc người ta đã tin, lật tờ Thanh Niên ra nếu đưa tin đó thì bạn đọc tin gần 100%.
Ở khía cạnh khác, bạn đọc Nguyễn Văn Hà (45 tuổi, giảng viên, ngụ Q.2, TP.HCM) cho rằng: Thanh Niên không chỉ là một trong những tờ báo có lượng độc giả thuộc vào hàng đông nhất nước mà còn là một tài liệu giảng dạy, học tập phổ biến trong các trường đào tạo báo chí, đặc biệt là ở Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường đại học KHXH & NV TP.HCM.
Theo dòng tình cảm ấy, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Đáng (đã nghỉ hưu, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự: Từ năm 2013 nghỉ hưu đến nay, tôi vẫn dành tiền trong số lương ít ỏi của mình để đặt mua báo Thanh Niên và báo Thanh Niên vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày của tôi. Tôi vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay không ngừng theo hướng ngày một tốt hơn của báo. Tương tự, độc giả Lê Duy (ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) tự sự: Tôi năm nay đã 92 tuổi. Suốt nhiều năm nay tôi không ngày nào không đọc báo Thanh Niên và gần như đọc hết các trang chính của tờ báo.
Với 24 trang nội dung thường nhật như hiện nay, nhiều độc giả thấy vậy là ổn. Cũng có độc giả cho rằng cần phải bổ sung thêm một số chuyên mục. Do vậy, như tiêu chí đưa ra khi thực hiện thăm dò ý kiến đóng góp của bạn đọc, báo Thanh Niên sẽ cải tiến cả nội dung lẫn hình thức nhằm mang đến cho bạn đọc một ấn phẩm báo chí tốt nhất có thể.
Cần cải tiến
Bên cạnh những nhận xét vừa nêu, bạn đọc cũng đồng thời cho rằng các tin, bài trên báo Thanh Niên hiện nay có quá nhiều chữ, cần phải cô đọng hơn nữa, co chữ lớn hơn để dễ đọc. Có bạn đọc nêu thẳng điểm yếu của báo Thanh Niên là rất ít sử dụng thông tin đồ họa (infographic) trong các bài viết. Về trang, mục, rất nhiều độc giả nêu yêu cầu cần phải thường xuyên cập nhật nội dung chủ yếu của những luật được Quốc hội thông qua và cả nội dung trong các văn bản dưới luật. Phổ biến điều này dưới dạng “Sống và làm việc theo pháp luật”. Tại sao mục này lại cần thiết trong đời sống của chúng ta?
Bạn đọc Trần Thu Hương (trên 45 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) nêu ý kiến: Nếu không chủ quan, chúng ta phải thừa nhận rằng: lâu nay, khẩu hiệu “Sống, làm việc theo pháp luật” chỉ là sự hô hào suông, ít hiệu quả. Không ít người, trong đó đa số là người trẻ, rất “hồn nhiên” vi phạm pháp luật (có thể coi thường, có thể không hiểu...).
Ngoài những vấn đề nêu trên, bạn đọc góp ý báo Thanh Niên cần tăng cường nhiều bài phóng sự - ký sự, kể cả phóng sự ảnh bởi riêng hình ảnh cũng đã nói được nhiều điều dưới mắt mọi người. Bên cạnh đó, một số độc giả đề nghị báo Thanh Niên có thêm mục “Thơ trào phúng”, “Thơ châm biếm” nhằm đả phá những thói hư tật xấu trong đời sống xã hội hằng ngày. Đề cập đến văn chương, bạn đọc Lê Thị Hoàng Mai (cán bộ hưu trí, ngụ TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đưa ra nhận xét: Một ý quan trọng mà tôi muốn mạnh dạn góp ý với báo Thanh Niên là cần có những bài hát, bản nhạc, truyện cực ngắn hay truyện dài đăng nhiều số (feuilleton) mang tính vui nhộn và tính nhân văn sâu sắc làm cho thanh niên và nhân dân cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Liên quan đến vấn đề báo chí và giới trẻ, em Lê Như Bảo Trân, học sinh trung học phổ thông viết chữ khá đẹp, thổ lộ: Từ lâu, em không chỉ gắn bó với ấn phẩm in mà còn cả báo điện tử. Ở Thanh Niên, em luôn ấn tượng với ngòi bút sắc sảo trong mục “Thời sự quốc tế”, “Tôi viết”. Nó hướng bạn đọc đến nhiều khía cạnh cuộc sống và phản ánh rất chân thật đời sống hiện tại. Tuy nhiên, ở ấn phẩm báo in chưa được thể hiện. Thực ra mục “Thời sự quốc tế” đều được thể hiện cả trên báo in và báo điện tử Thanh Niên (TNO). Riêng chuyên mục “Tôi viết” mà em Bảo Trân vừa nêu đúng là chỉ có trên TNO.
Về vấn đề này, chúng tôi đã và đang xây dựng “tòa soạn hội tụ” để giải quyết nhiều vấn đề về nội dung xuất bản, bao hàm cả ý đóng góp của em Bảo Trân. Sau khi kết thúc phần thăm dò ý kiến bạn đọc cho báo in Thanh Niên, theo chủ trương đã được bàn bạc và thống nhất từ trước, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến đóng góp của độc giả dành cho TNO.
Góp ý về lĩnh vực văn hóa, thầy Nguyễn Phúc Bình (giáo viên trường THPT ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho rằng báo Thanh niên cần thông tin về lối sống đẹp, nét đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chuyên mục này sẽ giúp cho người Việt biết mà học hỏi, ứng xử phù hợp khi có dịp ra nước ngoài. Nói đến nước ngoài, bạn đọc Trần Can (85 tuổi, ngụ Hà Nội), thầy Võ Đăng Bình (giáo viên trường THPT ở H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)... đề nghị báo Thanh Niên cần thông tin về sinh hoạt của mọi tầng lớp người Việt sống, làm việc và học tập ở nước ngoài, trong đó chú trọng đến giới trẻ, học sinh - sinh viên du học, công nhân xuất khẩu lao động, kể cả Việt kiều về nước đầu tư, làm ăn, sinh sống...
Đề cập đến các vấn đề về kinh tế, bạn đọc Nguyễn Văn Long (nhân viên tạp vụ, ngụ Q.11, TP.HCM) đề nghị báo Thanh Niên có thêm mục “Thông tin tuyển dụng” và “Chợ tốt - giá tốt” nhằm phục vụ cho mọi tầng lớp người lao động, đặc biệt là các bà nội trợ.
Thay lời kết
Hàng ngàn phiếu thăm dò cùng thư viết riêng kèm theo của bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Thanh Niên là rất đáng trân trọng. Với việc xem báo Thanh Niên như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu hằng ngày thì việc ủng hộ, đồng hành lâu dài của độc giả là nguồn động viên vô cùng lớn với chúng tôi. Trong đó, rất thú vị khi có khá nhiều độc giả giãi bày tình cảm của mình bằng... thơ, như bài “lục bát tứ tuyệt” của kỹ sư hóa Nguyễn Ngọc Lâm (ngụ Q.1, TP.HCM): Tuổi già đọc báo Thanh Niên/Càng yêu cuộc sống càng quên tuổi già/Chung tay xây dựng nước nhà/Báo Thanh Niên mãi mãi là Thanh Niên.
Danh sách bạn đọc tham gia khảo sát được trao quà
Từ 25.5 - 7.6, Thanh Niên đã đăng Phiếu khảo sát bạn đọc, trong đó có nêu rõ Báo Thanh Niên sẽ trao quà cho 10 bạn đọc có ý kiến đóng góp xác đáng nhất, mỗi phần quà là 1 điện thoại thông minh Bavapen James Bond (do Công ty Thành Công Mobile tài trợ). Tính đến hết ngày 28.6 (thời hạn cuối cùng nhận phiếu khảo sát), báo đã nhận được hàng ngàn phiếu khảo sát bạn đọc gửi về. Từ số phiếu khảo sát này, Báo Thanh Niên thống nhất chọn 20 bạn đọc có phiếu khảo sát gửi về kèm bản đóng góp riêng với nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết để trao quà, trong đó 10 bạn đọc được trao quà là điện thoại thông minh cùng 15 tháng nhật báo Thanh Niên (1 tờ/ngày/ bạn đọc, bắt đầu từ quý 4/2017 đến hết năm 2018) và 10 bạn đọc được trao quà 15 tháng nhật báo Thanh Niên (1 tờ/ngày/bạn đọc, bắt đầu từ quý 4/2017 đến hết năm 2018). Đối với bạn đọc nhận quà là điện thoại cùng báo dài hạn, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức trao quà cho những người có địa chỉ ở TP.HCM vào lúc 15 giờ ngày 3.8, tại trụ sở Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM; những bạn đọc ở địa phương khác quà sẽ được trao tận tay tại địa chỉ ghi trong phiếu khảo sát gửi về báo. Báo Thanh Niên cũng sẽ trao tận tay bạn đọc được nhận quà 15 tháng nhật báo. Danh sách cụ thể bạn đọc được nhận quà như sau:
10 bạn đọc được trao điện thoại thông minh cùng nhật báo:
- Nguyễn Văn Hà, P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM.
- Nguyễn Văn Xin, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM.
- Nguyễn Minh Đáng, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM.
- Lê Thị Hoàng Mai, P.10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
- Trần Thu Hương, khu tập thể 6 Lê Thánh Tông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Long, P.15, Q.11, TP.HCM.
- Trương Thương, P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng.
- Lê Duy, đường Lê Thánh Tông, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Lâm, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM.
- Huỳnh Thị Bông, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM.
10 bạn đọc được trao 15 tháng nhật báo Thanh Niên:
- Nguyễn Công Phúc. P.9. TP. Mỹ Tho, Tiền Giang.
- Tạ Chương Tòng, P.Trà Bá, TP. Pleiku, Gia Lai.
- Lê Như Bảo Trân, P.9, Q.10. TP.HCM.
- Võ Đăng Bình, Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, TX.Điện Bàn, Quảng Nam.
- Nguyễn Công Hoàng, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM.
- Võ Tá Ngô, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM.
- Nguyễn Phúc Bình, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.Long Xuyên, An Giang.
- Đặng Khánh Hưng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau.
- Trần Can, Nhà D2 Giảng Võ, Hà Nội.
- Phan Bình (Trần Văn Út), P. Đức Nghĩa, Bình Thuận.
|
Bình luận (0)